Vừa qua, trong một cuộc trò chuyện, một đồng nghiệp đặt ra câu hỏi: Câu tục ngữ “Một ngày giỗ cha, ba ngày húp nước” có nghĩa là gì?
Ý kiến đầu tiên cho rằng câu tục ngữ “Một ngày giỗ cha, ba ngày húp nước” ý nói rằng ngày giỗ cha là rất quan trọng, dẫu túng thiếu khó khăn, phải chấp nhận các ngày khác ăn uống dè sẻn, thậm chí đến mức phải húp nước (không còn gì ăn), cũng phải làm sao cho ngày giỗ cha có mâm cỗ đàng hoàng, thịnh soạn. Ở một liên tưởng khác, có người nghiêng về cách hiểu nghĩa của tục ngữ này là: Một ngày giỗ cha, ba ngày húp nước (xáo) có thể hiểu là sau một ngày giỗ cha, thì nước xáo của việc làm cỗ cho ngày giỗ cha còn dôi dư lại có thể ăn (húp) đến 3 ngày sau mới hết. Vậy câu tục ngữ ở hướng nghĩ này cũng mang ý nghĩa thường khi làm cỗ cho ngày giỗ cha rất tươm tất, bàn tiệc gồm có nhiều món ăn, đến mức chỉ trong một ngày giỗ ấy thì không thể ăn hết, thức ăn sau ngày giỗ còn tồn lại rất nhiều, con cháu trong nhà phải ăn nhiều ngày sau mới hết được.
Cũng cần biết thêm rằng, người Việt Nam các vùng miền đều chung quan niệm đám giỗ không chỉ để tưởng nhớ người đã khuất mà còn là dịp họ hàng, thân hữu đoàn tụ, hồi tưởng về người đã khuất, chia sẻ với nhau về chuyện làm ăn, chuyện học hành của con cái… nhằm gắn bó sâu sắc thêm quan hệ thân thuộc, đồng thời thắt chặt thêm tình bằng hữu, tình làng nghĩa xóm. Đặc biệt là ở thôn quê trước đây, trước ngày giỗ nhiều tháng họ đã chuẩn bị thực phẩm cho đám giỗ như tự nuôi heo gà, cấy trồng lúa nếp, đậu đỗ, trồng mía làm đường… Đám giỗ thuở bấy giờ không còn là chuyện riêng của nhà nào mà là việc chung của cả xóm. Bà con làng xóm quây quần vừa trò chuyện rôm rả, vừa gói bánh ít, bánh tét, làm bún, nấu xôi, chè, làm thịt heo gà… Cứ trước đám giỗ một ngày, bà con lối xóm tự nguyện tụ họp lại, mỗi người một tay giúp chủ nhà lo giỗ.
Ngày nay, nhất là ở thành thị, người ta tổ chức đám giỗ ít rườm rà và tốn công sức như nêu trên. Sau phần cúng lễ, đến phần đãi tiệc, hầu hết gia chủ đặt thức ăn nhà hàng chế biến sẵn, mang tới để đãi khách, khách cứ theo giờ ghi trên thiệp mời mà đến dự, xong tiệc giỗ thì chia tay. Do vậy, thời gian bà con bằng hữu gần gũi, trò chuyện, chia sẻ tâm tình với nhau không được nhiều như trước, nên tình cảm cũng phần nào phôi pha so với trước.
Trở lại câu tục ngữ “Một ngày giỗ cha, ba ngày húp nước”, tra cứu trong một số cuốn từ điển thành ngữ, tục ngữ lẫn từ điển tiếng Việt xuất bản trong khoảng ngót trăm năm nay, chúng tôi không thấy các soạn giả ghi nhận câu tục ngữ này. Về địa phương xuất xứ, chúng tôi nhận thấy từ vùng Nghệ – Tĩnh trở vào đã tồn tại câu tục ngữ này với từ địa phương “Một ngày giỗ cha, ba ngày húp nác”, cho đến Nam bộ; không biết ở vùng phương ngữ Bắc có phổ dụng câu tục ngữ này không?
Lại nói về cuộc trò chuyện kia, sau khi bàn bạc trao đổi về hai hướng hiểu trên, bất chợt một đồng nghiệp khác nêu thêm cách hiểu thứ ba: Vì con cháu dồn tâm sức lo ngày giỗ cha cho được thịnh soạn nhất có thể, nên khi xong giỗ mọi người nhiều ngày sau vẫn còn mệt, không còn ăn uống gì nổi nữa, chỉ có thể húp nước cầm hơi…
Tựu trung lại, cả ba cách hiểu đều nhấn mạnh, đề cao phong tục giỗ chạp là quan trọng trong tâm tưởng người Việt, con cháu trong nhà đều dồn sức lo lắng cho tươm tất, ổn thỏa nhất về mọi phương diện. Vốn dĩ tục ngữ dân gian Việt Nam có tính đa nghĩa, phần lớn thường có thể có nhiều cách hiểu, thậm chí có thể có câu hiện tồn tại đến hàng chục cách hiểu, ví dụ như câu “Gái thương chồng đương đông buổi chợ/ Trai thương vợ nắng quái chiều hôm”, nên không rõ câu tục ngữ về đám giỗ chúng tôi đề cập trong bài này còn có thêm cách hiểu nào khác nữa chăng, mong được bạn đọc gần xa bổ khuyết.
Đỗ Thành Dương
Bình luận (0)