Tháng tư, di tích Sân bay Tà Cơn (xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) bạt ngàn hoa lau trắng. Từng đoàn khách thập phương tìm về thăm cứ điểm năm xưa, nghe câu chuyện kể về những năm tháng mảnh đất này gồng mình trong lửa đạn chiến tranh. Tà Cơn hôm nay vẫn còn đó những chứng tích chiến tranh. Qua bàn tay của những người dân hồn hậu, hoa trái đua nhau khoe sắc trên dấu tích hố bom được lấp đầy…
Sân bay Tà Cơn trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trên hành trình tour tuyến DMZ của du lịch Quảng Trị
Ngược dòng lịch sử
Từ trung tâm TP.Đông Hà, chúng tôi bắt đầu chặng hành trình hơn 70km ngược núi đến thăm di tích Sân bay Tà Cơn lúc trời còn tờ mờ sương sớm. Bình minh mùa hạ đến từ rất sớm ở đồng bằng nhưng tầm 7 giờ sáng, Sân bay Tà Cơn vẫn chìm trong sương. Màu sương trắng bảng lảng quyện vào những cành hoa lau trắng giữa sớm mai có ánh nắng chiếu xiên thật lung linh. Nhà bảo tàng chiến thắng Khe Sanh nằm ở trung tâm cụm di tích sân bay trưng bày nhiều tư liệu bằng hình ảnh và hiện vật xâu chuỗi câu chuyện kể về những năm tháng chiến tranh lửa đạn và tinh thần chiến đấu quật cường của quân dân ta, sự đồng lòng, chung sức và đoàn kết của các dân tộc anh em để giải phóng quê hương.
Sân bay Tà Cơn có diện tích khoảng 60ha. Đây là một cứ điểm quân sự quan trọng trong hệ thống hàng rào điện tử Macnamara do quân đội Mỹ thiết lập dọc vỹ tuyến 17, nhằm ngăn chặn sự chi viện của quân dân miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Sân bay Tà Cơn được ví như một “Điện Biên Phủ đảo ngược”, là mắt xích quan trọng của tập đoàn cứ điểm Khe Sanh. Nơi đây, từng được quân địch dùng làm điểm cất, hạ cánh của các loại máy bay: vận tải, phản lực chiến đấu… trong những năm 1966-1968.
Dấu tích chiến tranh còn lại trong hình ảnh chiếc máy bay của quân đội Mỹ từng dùng tham chiến tại chiến trường Khe Sanh
Mùa hè năm 1968, chiến dịch quân sự trên mặt trận Đường 9 – Khe Sanh với những cuộc tấn công quyết liệt của phía quân ta, địch bị tổn thất nặng nề và gặp nhiều khó khăn buộc phải rút khỏi căn cứ Khe Sanh. Trước thất bại này, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ R.Schlesinger từng nói: “Tuy chúng đã ném cả danh dự nước Mỹ ra để giữ (Khe Sanh) và buộc Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân cam kết bằng máu nhưng cuối cùng cũng phải rút chạy”. Chiến thắng Đường 9 – Khe Sanh trở thành huyện đầu tiên của miền Nam giải phóng.
Điểm đến hấp dẫn
Năm 1986, di tích Sân bay Tà Cơn được Bộ Văn hóa Thể thao xếp hạng quốc gia. Di tích này được quan tâm trùng tu, quản lý. Vài năm trở lại đây, du lịch phát triển mạnh, nơi này trở thành điểm đến trên hành trình tour tuyến DMZ (du lịch Vùng phi quân sự – Thăm lại chiến trường xưa) của du lịch Quảng Trị. Mỗi năm, Tà Cơn đón hàng ngàn lượt khách trong và ngoài nước tham quan. Di tích Sân bay Tà Cơn ngoài Bảo tàng Chiến thắng Khe Sanh được bố trí ở khu trung tâm, trên những bãi cỏ xanh bằng phẳng, những chiếc máy bay loại C130, UH-1, CH-47 và xe tăng do quân đội Mỹ dùng tham chiến tại chiến trường Khe Sanh – Tà Cơn vẫn được giữ nguyên. Những hiện vật qua tháng năm đã khoác lên mình lớp bụi thời gian nhưng câu chuyện về những tháng năm quân dân ta kiên cường chiến đấu giành lại hòa bình vẫn được nhắc nhớ mỗi ngày, để những thế hệ nối tiếp biết về hôm qua và trân trọng thêm giá trị của hòa bình hôm nay.
Máy bay tiếp tế tầm thấp của Mỹ xuống Sân bay Tà Cơn năm 1968 (ảnh tư liệu)
Trên bình nguyên rộng lớn ấy, hoa lau phủ trắng tạo nên vẻ đẹp níu chân du khách. Xung quanh khu vực sân bay là những thửa đất được người dân trồng cà phê, đang vào mùa hoa nở trắng muốt tạo nên điểm nhấn đầy hấp dẫn. Trải những bước chân thật chậm trên con đường đất dẫn ra hệ thống hầm hào trong khu di tích, chị Nguyễn Thanh Hằng – một du khách đến từ TP.HCM chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi đến Khe Sanh. Đến đây từ sáng sớm, thưởng thức ly cà phê phố núi tôi mới hiểu vì sao nơi này được ví như một tiểu Đà Lạt của người Quảng Trị. Giữa khung cảnh này, được nghe câu chuyện về chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh, về Tà Cơn một thời lửa đạn và tận mắt thấy màu xanh hôm nay càng yêu hơn mảnh đất, con người nơi đây. Ngoài những hiểu biết thêm về lịch sử, điểm đến này đã cho tôi những kỷ niệm thật đẹp về những người dân quê thân thiện. Đây cũng là nơi có thể ghi lại những bức hình thật đẹp”.
Tầm xế trưa, khi những cơn gió nhẹ và ánh nắng vén màn mây để lộ ra không gian xanh ngắt của cây cối và bầu trời, phía xa là đỉnh đồi Động Tri, nhiều du khách ồ lên trước vẻ đẹp tuyệt mỹ của núi rừng. Anh Lê Ngọc Tú – người bạn đồng hành cùng chúng tôi từng nhiều lần ngược xuôi trên miền đất này để làm phóng sự, ghi lại những khoảnh khắc kỷ niệm cho du khách bảo: “Mỗi thời điểm trong ngày ở trong không gian này đều có thể ghi lại những bức hình với vẻ đẹp khác nhau. Đó là điểm cộng đối với du khách mỗi lần đến đây”.
Tháng tư, trời Khe Sanh trong xanh. Hoàng hôn, nắng chiếu xiên qua cánh chiếc máy bay cũ càng, hắt ánh vàng lên những đóa lau trắng. Giữa bình nguyên lộng gió của di tích Sân bay Tà Cơn, vẫn còn đó những dấu tích của cuộc chiến tranh khốc liệt, nhưng trên mặt đất, hố bom đã được san bằng, cây cối đã phủ màu xanh tươi của sự sống. Xa xa, những cánh đồng điện gió vẫn miệt mài quay để biến những cơn gió Lào khô cằn thành nguồn năng lượng phục vụ cho cuộc sống. Ngồi lại, thoảng nghe mùi thơm của hoa cà phê, hương của đất, đâu đó vọng lại tiếng cười con trẻ chiều tan lớp trên đường quê, chợt thấy yêu hơn màu xanh của núi. Ngày yên bình.
Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)