Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Một ngày ở Cổ Loa thành

Tạp Chí Giáo Dục

Cổ Loa thành cách trung tâm Hà nội khoảng 18km về phía bắc, trên quốc lộ 3 thuộc địa phận xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Nơi đây là kinh đô của nước Âu Lạc được xây dựng dưới thời vua Thục – An Dương Vương thế kỷ thứ 3 trước công nguyên.

Cổ Loa thành

Thành gắn liền với nhiều truyền thuyết như câu chuyện nỏ thần Kim Quy và mối tình Mỵ Châu – Trọng Thủy. Tương truyền thành Cổ Loa được xây dựng theo kiểu hình xoắn trôn ốc có chín vòng thành với quy mô bề thế và kiến trúc độc đáo bậc nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt Nam.

Dựa trên những dấu tích còn để lại trên đất Cổ Loa thành ngày nay, các nhà khảo cổ nhận thấy Cổ Loa gồm ba vòng thành: thành nội hình chữ nhật, cao chừng 5m, mặt thành khá rộng rãi, chân thành choãi ra. Thành trung và thành ngoài được đắp dựa theo tự nhiên, không có hình dáng rõ ràng, kết hợp với cổng thành, sông, hào tạo thành một mê cung Cổ Loa rất có ý nghĩa và giá trị về mặt quân sự.

Trải qua bao thăng trầm của thời gian và lịch sử, cuộc sống đã làm “nhòa” đi những hào quang quá khứ bằng bao hình ảnh thường nhật của hiện tại.

Góc chùa

Chúng tôi đến Cổ Loa thành vào một ngày nắng đẹp, đi lang thang những mong tìm lại cho mình những dấu tích oai hùng của cha ông thuở xa xưa.

Khu cổ thành yên tĩnh buổi ban trưa. Tiếng gà gáy eo óc mơ hồ giữa không gian thanh lặng. Chính quyền đã làm khá tốt các hoạt động bảo tồn và gìn giữ hình ảnh cho các khu di tích trên đất Cổ Loa. Các di tích đều được quét dọn sạch sẽ và trông rất thanh tịnh, không vấn vương những điều trần tục. Các bô lão trong xã mặc áo dài khăn xếp mỗi ngày đến đây trông nom đền, chùa, am thờ, hướng dẫn và giới thiệu cho du khách tham quan.

Họa tiết trang trí tinh xảo trên điện thờ

Trước đền thờ vua Thục – An Dương Vương được xây những năm 1687 đời vua Lê Hi Tông là một hồ hình bán nguyệt, giữa có cái giếng tên Giếng Ngọc, nơi truyền thuyết nói rằng Trọng Thủy đã tự tử vì sự phản bội tình yêu, và nước giếng này khi đem rửa ngọc trai (vốn được coi là nước mắt Mỵ Châu) thì ngọc trai trở nên sáng đẹp lạ thường.

Nhiều cặp tình nhân đến chốn này thường ngồi chuyện trò trên ghế đá quanh hồ bán nguyệt, tận hưởng không gian trong trẻo và khoáng đạt của một chốn quê vừa có thoáng cổ kính, xa xưa lại vừa thanh bình, giản dị. Cửa đền có một cặp rồng đá uốn khúc sinh động với nghệ thuật điêu khắc thời Lê. Trong nhà bia có ba bia đá khắc năm 1606.

Am bà chúa Mỵ Châu nép mình dưới bóng một gốc đa già có một thoáng cô độc và u buồn như câu chuyện tình yêu ngang trái. Căn phòng trong cùng đặt thờ bức tượng đá hình người cụt đầu, cũng áo gấm khăn hoa mà linh hồn oan khuất, gợi lên trong lòng tôi những xốn xang và thương cảm dành cho nàng công chúa với “trái tim lầm chỗ để trên đầu”.

… Nghe kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu
    Trái tim lầm chỗ để trên đầu
    Nỏ thần vô ý trao tay giặc
    Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu…

2.000 năm, hơn cả 2.000 năm đã qua mà câu chuyện tình vẫn sống như một lời nhắc nhở, để những cặp tình nhân biết quý trọng hơn tình cảm của mình…

Dinh ngự triều Di Quy

Phía ngoài am Bà Chúa là dinh ngự triều Di Quy được xây dựng trên nền điện thiết triều cũ với kiến trúc bề thế và tinh xảo. Bên trong hiện là nơi trưng bày các di vật khảo cổ quý giá từ thời kỳ đồ đá, đồ đồng như trống đồng, nông cụ lao động như rìu, lưỡi cày hay mũi tên đồng… được tìm thấy ở thành Cổ Loa.

Thanh bình Cổ Loa

Tôi ngồi trên bậc thềm phía sau của dinh ngự triều Di Quy, tiếng kinh đều đặn vang ra từ ngôi chùa trước mặt trầm mặc và nhẹ nhàng. Gió đu đưa trên tán cây xanh mát. Những khoảnh khắc dịu êm…

HẠ MY (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)