Các công nhân đang làm việc ở xưởng ve chai |
Hơn chục lao động hàng ngày vật vã với công việc trong một căn chòi rộng chừng 8m2. Chuyện ăn, ngủ của họ đều diễn ra trong môi trường ô nhiễm: ruồi nhặng, dòi và nước ối…
Dơ khủng khiếp!
Hỏi đường tìm đến xóm ve chai ở xã Bình Hưng huyện Bình Chánh, TP.HCM, một người phụ nữ nhanh nhảu trả lời: “Chú cứ đi thẳng, đến đoạn mùi hôi nồng nặc sộc vào mũi là đã đến đầu xóm rồi đấy”. Lời người phụ nữ nói không quá đáng, thậm chí rất nhẹ nhàng so với cái mùi tanh, nồng kinh khủng bốc lên từ trong xóm ve chai này. Nói xóm ve chai chứ thật ra chỉ có lác đác vài căn nhà lá che chắn tạm bợ, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Đầu xóm, vài đứa trẻ nheo nhóc, đen nhẻm, đứa thì không quần, đứa chẳng có áo, mũ nón là thứ xa xỉ. Chúng đang “tắm nắng” giữa khoảng đất phơi bao ni lông. Tôi lấy mấy chiếc bánh ngọt từ trong cặp táp đưa ra mỗi đứa một cái. Các cháu vừa cầm miếng bánh trên tay, lập tức miếng bánh nhỏ trở thành phần nhân bánh, còn vỏ được bao bởi ruồi, nhặng… dày đặc.
Con hẻm rộng chừng hai mét cũng được tận dụng làm sân phơi bao ni lông. Trước mặt tôi là nơi tập kết hàng chục bao tải đựng bao ni lông, bên dưới nền đất lênh láng nước ối đen sì, đặc quánh chắn lối ra vào. Thấy người lạ đến, một cậu bé ước chừng 13-14 tuổi chạy ra hỏi: “Chú đi đặt hàng hả?”. Sau vài câu xã giao, tôi được cậu bé dắt vào bên trong, nơi nhiều người đang phân loại bao ni lông. Để vào được bên trong, tôi được cậu bé vác hai tấm ván dài và to, kê hai đầu bằng hai cục gạch lớn bắc cầu đi qua. Thế mọi người ở đây đi lại bằng cách nào? Tôi hỏi. Cậu bé trả lời gọn lỏn: “lội”.
Cậu bé lúc nãy tên Hoàng Thanh Bảo quê ở Lục Ngạn, Bắc Giang. Bảo theo cha mẹ vào Nam làm ở xưởng ve chai tái chế này từ năm 2006. Bảo là một trong số 12 lao động đang làm ở các công đoạn trong xưởng ve chai này. Công việc hàng ngày của Bảo là ngồi phân loại bao theo màu (bao ni lông có màu xanh, đỏ, vàng, tím…) sau khi bao được chở về từ các nơi.
Được tận mắt chứng kiến cảnh làm việc và sinh hoạt mới cảm nhận được sự vất vả, cực nhọc của những mảnh đời từ khắp nơi, không hẹn mà gặp ở nơi này. Tôi vào đến nơi, tất cả đã sẵn sàng cho một ngày làm việc mới. Từ bên ngoài, hai thanh niên lực lưỡng có nhiệm vụ chuyển bao tải lên sàn cách mặt đất chừng 2 mét. Sàn có diện tích khoảng 6m2 là nơi phân loại cũng là nơi đặt máy nghiền bao. Tôi loay hoay tìm một chỗ đứng để tránh bị nước ối văng vào người, thật khó bởi không còn chỗ nào để tránh. Anh Nguyễn Thanh Hoan, người chuyển bao từ dưới đất lên nói: “Chỉ còn cách anh đi ra khỏi đây mới tránh được thôi”. Chuyển lên được khoảng dăm bao, người anh Hoan nhễ nhại nước ối chảy dài từ đầu đến chân. Thấy tôi có vẻ ái ngại, anh Hoan bảo: “Ở công đoạn của mình còn đỡ, lát nữa thấy mấy anh em ngâm mình trong hồ nước giặt bao mới đáng ngại”.
Anh Hoan nói thêm, khi phân loại, không may gặp những bao ni lông đựng phân người, phân súc vật… thì cũng phải đổ ra để lấy bao chứ không dám bỏ đi vì sợ chủ mắng nhiếc, trừ lương, thậm chí bị đuổi việc.
30 phút sau, tôi được lên sàn để tìm hiểu công việc của những lao động đang phân loại và xay bao. Chọn một góc khuất (sau tấm bạt che mưa từ mái của nhà sàn) để quan sát. Một thanh niên đang ngồi phân loại, thấy tôi liền ngồi xoay mặt sang hướng khác để tránh cái nhìn tò mò cũng như tránh chiếc ống kính đang “lăm le” về phía anh. Vừa tìm được một chỗ đứng tốt nhất, tim tôi lại giật thót lên khi phát hiện dưới mặt sàn lúc nhúc dòi… Đáng sợ hơn, khi người thanh niên vừa mở miệng bao để sẵn chưa kịp đổ ra thì dòi loi ngoi dày đặc ở miệng bao. Những con dòi to béo vừa ra khỏi miệng bao, không còn chỗ bám víu rớt xuống mặt sàn trông thật kinh tởm. Không thể chịu đựng thêm một giây phút nào nữa, tôi leo xuống sàn, tay vịn vào chiếc cầu thang đứng sừng sững để giữ thăng bằng mà nghe… lành lạnh. Không lạnh mới lạ, từ những nấc thang, đến thành thang… không có dòi thì cũng nước ối rít chịt.
Ăn, ngủ, làm việc: ba trong một
9 giờ 30, giờ giải lao của lao động. Tôi làm quen với một thanh niên tên Nông Văn Rành (quê Lạng Sơn). Anh Rành đã có vợ và hai con đang học tiểu học ở ngoài quê. Hai năm trước, vợ anh Rành cũng là lao động ở đây. Anh Rành nói: “Lúc mới vào, tôi được chủ phân công ngồi phân loại. Anh thấy rồi đấy, phân loại bao là công việc nhẹ nhàng nhất ở đây nhưng tiếp xúc với với mùi hôi, nước ối, dòi… ớn lắm. Có khi ăn không nổi cơm nhưng phải cố”.
Bao phân loại được bao nhiêu thì được chuyển đến máy xay. Người vận hành máy kiêm luôn công việc thu gom bao. Từ máy xay, bắt một đường ống (chính xác hơn là cái máng) dẫn bao đã xay xong xuống hồ nước để giặt. Hồ được ngăn làm ba hồ nhỏ, bao từ máy xuống hồ thứ nhất, có người giặt xong vớt đổ sang hồ thứ hai và lại tiếp tục chuyển sang hồ thứ ba. Người ở trong hồ thứ ba giặt xong gom lại cho vào bao lớn để người khác mang đi phơi.
Trong hồ nước đen sì, đặc quánh lại chẳng khác nào nhớt bôi trơn đã qua sử dụng. Ngâm mình trong ấy là hai thanh niên tên Tuân và Dũng (đều cùng quê Ý Yên, Nam Định). Nước trong hồ ngập đến rốn. Lúc đợi bao xay xong, Tuân ngồi trên thành hồ, thả hai chân xuống hồ nước, chốc chốc dùng hai chân gạt rác sang một bên để hạn chế rác theo bao ra sân phơi. Hỏi chuyện sử dụng dụng cụ bảo hộ lao động, Tuân nói: “Ngâm mình trong nước bẩn thế này thì mang bảo hộ sao được. Không bệnh trước thì cũng bệnh sau, tránh sao cho khỏi”. Sao không thay nước sạch thường xuyên mà để ghê quá vậy? Tôi hỏi. Thấy Tuân im lặng, như “gãi” trúng chỗ “ngứa” của Dũng, Dũng bỏ nhỏ vào tai tôi: “Ông chủ “kẹo kéo” lắm, tiết kiệm nước, cả ba hồ nước mỗi lần thay chỉ trên dưới 3 mét khối nước nhưng sử dụng giặt cả tuần với hàng tấn bao ni lông”.
12 giờ trưa, mọi người nghỉ tay để ăn cơm trưa. Tuân vào trong nhà hốt một nắm muối hột thả vào chậu nước đặt phía sau chòi. Tôi tò mò hỏi, Tuân giải thích: “Mấy bữa nay ghẻ nhiều quá phải dùng muối để rửa”. Nhìn tay, chân của Tuân lốm đốm vết đỏ, sẹo do ghẻ chồng chéo lên nhau tôi cũng tự mình trả lời được câu hỏi.
Ngày qua ngày, hơn chục lao động ở đây vẫn cần mẫn với công việc, không một lời ta thán. Tôi không thể can đảm hơn được nữa, chỉ kịp vẫy tay chào mọi người và đi như chạy để kịp “giải quyết” cái “của nợ” đang chực trào ra ở cuống họng…
Trần Trọng Tri
Bình luận (0)