Chỉ riêng trong ngày 1/7/2009, Việt Nam đã ghi nhận thêm 35 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1. Tất cả các trường hợp này đều ở khu vực phía Nam, trong đó TPHCM có 20 ca.
Đó là thông báo chính thức của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường, Bộ Y tế tính đến 17h chiều nay (1/7).
Ảnh Vietnamnet.
Cũng trong ngày, Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế TP HCM chuyển 43 hành khách nghi ngờ đến BV Phạm Ngọc Thạch để theo dõi. Đã có 82 ca sau khi được chăm sóc tái xét nghiệm PCR âm tính đã được xuất viện. Các trường hợp người trong nước nhiễm bệnh do tiếp xúc gần với thân nhân từ nước ngoài về cũng đã được giám sát tránh lây lan.
Trong ngày 01/7, Sở Y tế TPHCM đã chủ động khảo sát, tăng cường thêm bệnh viện Q.7 để thành lập khu cách ly chuẩn bị tiếp nhận các bệnh nhân nghi nhiễm cúm A/H1N1 từ Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế chuyển đến. Ngoài ra, Sở cũng đã tổ chức truyền thông, tập huấn cho 80 nhân viên khách sạn Hoa Sen.
Như vậy, tính đến 17h00 ngày 01/7/2009, Việt Nam đã ghi nhận 166 trường hợp dương tính (miền Nam: 144, miền Trung: 8 và miền Bắc: 14 trường hợp).
Về tình hình dịch cúm A/H1N1 trên thế giới, theo thông báo số 55 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến ngày 30/6/2009 đã có 70.893 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 tại 116 quốc gia/vùng lãnh thổ, trong đó có 311 trường hợp tử vong.
Đặc biệt, tại khu vực Đông Nam Á có Philippine ghi nhận 861 trường hợp, trong đó có 1 trường hợp tử vong; Singapore: 599 trường hợp dương tính. Bộ Y tế Thái Lan thông báo nước này đã ghi nhận 774 ca dương tính, 5 trường hợp đã tử vong do cúm A/H1N1.
Ông Nguyễn Huy Nga dẫn lời WHO cho biết, số ca tử vong vì cúm A/H1N1 trên thế giới càng càng tăng lên. WHO cũng đã so sánh dịch cúm A/H1N1 đang hiện hành trên thế giới tương đương với dịch cúm ở người năm 1957.
“Tại Việt Nam, con số bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 tiếp tục tăng lên, chủ yếu vẫn là những ca xâm nhập và tiếp xúc gần, chưa có sự lây lan rộng ra cộng đồng. Nhưng không vì thế mà chúng ta chủ quan, vì nếu dịch cúm tiếp tục kéo dài dai dẳng thì đến mùa đông của Việt Nam sẽ là điều kiện lý tưởng cho vi rút cúm A/H1N1 phát triển và có thể phát triển mạnh”, ông Nga cảnh báo.
Cúm A/H1N1 tại Việt Nam chưa kháng Tamiflu Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện Các bệnh nhiệt đới và Truyền nhiễm quốc gia tại buổi họp giao ban dịch cúm trên người diễn ra chiều nay (1/7).
Tuy nhiên, ông Kính cũng cảnh báo người dân không nên tùy tiện dùng loại thuốc kháng vi rút này vì trên thế giới đã có nước báo cáo về trường hợp kháng thuốc Tamiflu đầu tiên. Liên quan đến độc lực của vi rút cúm A/H1N1, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho biết, phòng xét nghiệm của viện cũng đã phân lập được vi rút cúm A/H1N1 trên những bệnh nhân ở Việt Nam và cho thấy: vi rút cúm này có sự tương đồng cao so với chủng vi rút cúm A/H1N1 đang hiện hành tại nhiều nước trên thế giới, tức là rất ổn định kháng nguyên, không có gen độc lực mạnh, không có gen phát triển tính lây truyền. |
Hồng Hải – Ngọc Hưng (dan tri)
Bình luận (0)