Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Một ngôi chùa như cầu vồng giữa trời

Tạp Chí Giáo Dục

Cách đây không lâu, tôi tình cờ đọc được bài báo viết là chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, tuyệt tác kiến trúc hiếm có trên thế giới – chùa Huyền Không – sẽ bị sụp đổ hoặc phải đóng cửa không cho du khách vào thăm. 

Thế là tôi phải lên kế hoạch lặn lội một chặng đường xa xôi đến nơi này trước khi điều dự đoán kia thành sự thật. Và không hổ danh lời đồn đãi, đó là một trong những nơi ấn tượng nhất mà tôi đã từng đặt chân đến.
Chùa Huyền Không (Xuankongsi) còn được gọi là chùa Treo (Hanging Temple) vì kiến trúc đặc biệt của nó: như một con phượng hoàng nhỏ đang chuẩn bị vỗ cánh, lơ lửng giữa trời, cách mặt đất khỏang 50 mét, chỉ dính một phần nền gỗ vào mép sườn núi Hành Sơn (Hengshan – một trong 5 ngọn núi nổi tiếng của Trung Quốc). Đường đến chùa Huyền Không chẳng dễ dàng gì vì ngôi chùa nổi tiếng này nằm khuất nẻo tại thị trấn Hunyuan nhỏ bé, heo hút thuộc tỉnh Sơn Tây, nơi một ngày chỉ có vài chuyến xe buýt ở các thành phố lân cận chở khách đến, vội vàng đón khách đi trước khi mặt trời xuống núi.
Tôi đến chùa Huyền Không vào một buổi chiều mưa lâm râm nên vắng du khách, không phải xếp hàng. Để hạn chế tối đa nguy cơ sụp đổ của kì quan kiến trúc mỏng manh này và để tránh gây tai nạn đáng tiếc cho du khách, thông thường số lượng người phép bước lên chùa chỉ khoảng 10 người/lần, người này ra thì người khác mới được vào. Khi vào, bạn phải đi theo đúng chiều mũi tên chỉ dẫn, không được đi lộn xộn hay đi ngược chiều để không xảy ra những hậu quả nguy hiểm.  

Tại sao người xưa lại xây một ngôi chùa chênh vênh trên vách núi như thế? Nhiều lí do được đưa ra: để tránh lũ lụt và mưa tuyết, tránh ánh nắng mặt trời…, và cũng có thể, theo nguyên tắc thanh tịnh của Lão giáo, một ngôi chùa trên không sẽ cách xa những điều không thanh tịnh, những tiếng ồn dưới mặt đất…

Chùa có hơn 40 phòng với khoảng 80 bức tượng được tạo khắc công phu thuộc cả ba đạo giáo: Phật, Lão, Khổng. Việc 3 tôn giáo này được thờ chung trong một ngôi chùa cũng là điều hiếm thấy ở Trung Quốc và cả trên thế giới. Các căn phòng được nối với nhau bằng những hành lang hẹp, uốn khúc. Lầu trống và lầu chuông hai bên cửa ra vào nhìn nhau qua một khoảng sân vuông ở giữa. 
Khi được đứng trên cái hành lang bằng gỗ mỏng manh giữa không trung, tôi ngạc nhiên tự hỏi vì sao các nhà sư qua bao thế hệ có thể ngủ ở đây mà không sợ hãi. Còn tôi, nỗi sợ bị rớt xuống núi khiến tôi vội vã đi nhanh để có thể leo xuống, không dám ngắm kỹ khung cảnh hùng vĩ xung quanh từ trên cao. Rời khỏi Huyền Không, tôi lại thấy hối tiếc vì mình đã đi một chặng đường dài đến nơi này mà chỉ dám dành một vài phút ngắn ngủi ở trên tầng cao nhất của ngôi chùa.
Chùa Huyền Không được xây năm 491, đã đứng lơ lửng ở đó hơn 1500 năm qua, chỉ trong vài chục năm gần đây chùa mới bị cảnh báo có khả năng sụp đổ khi lượng người đến tham quan ngày càng đông. Thật đáng buồn khi cùng với sự phát triển như vũ bão của du lịch, những tuyệt tác từ ngàn đời lại phải đối diện với hiểm họa biến mất mãi mãi. Xuống đến mặt đất nhìn lên, ngôi chùa dài mỏng nổi bật như chiếc cầu vồng giữa trời, vừa xuất hiện sau khi những hạt mưa lất phất cuối cùng ngừng rơi.
Thanh Nga / Phụ Nữ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)