Y tế - Văn hóaThư giãn

Một ngôi đình nên giữ lại

Tạp Chí Giáo Dục

Để mở rộng về phía nam, TP.Đà Nẵng đã cho giải tỏa trắng hai xã Hòa Xuân (Q.Cẩm Lệ) và Hòa Quý (Q.Ngũ Hành Sơn).
Ở vùng đất rộng lớn và màu mỡ này đã có hàng ngàn ngôi nhà vườn của người dân. Những ngôi nhà vườn ấy đã có từ hơn 300 năm, kể từ khi những lưu dân từ vùng Tổ quốc phía bắc tiến vào khai phá và xây dựng nên. Dĩ nhiên do cách xây dựng từ vật liệu tạm bợ và qua bao nhiêu bể dâu do chiến tranh triền miên gây nên, đến nay không có một ngôi nhà nào có tuổi đời trên trăm năm. Tuy nhiên những khu vườn với các lũy tre xanh bao quanh các ngôi nhà ấy vẫn đầy những dấu tích của thời gian. Và gắn liền với nó là những ngôi đình làng. Qua bao cuộc chiến tranh, nhiều ngôi đình đã bị sập đổ nhưng sau đó, trên nền cũ người dân lại xây dựng mới hoặc tôn tạo lại di tích xưa để tiếp tục lưu truyền cái hồn của tổ tiên.
 
Đình làng Trung Lương
Tuy mới được tôn tạo lại từ gần 100 năm nay nhưng đình làng Trung Lương đã có nền móng từ hồi tổ tiên mới từ miền Bắc vào cách đây hơn 300 năm. Kiến trúc của ngôi đình tuy không hoành tráng nhưng là dấu ấn của kiểu xây dựng dân gian được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác còn sót lại rất hiếm hoi. Vì những lý do đó mà đình làng Trung Lương được công nhận di tích văn hóa cấp thành phố. Thế nhưng vì để xây dựng khu đô thị sinh thái, ngôi đình này cũng bị đưa vào diện giải tỏa.
Không lẽ đô thị sinh thái thì không dung hợp được các công trình tâm linh, văn hóa truyền thống cổ xưa hay sao?
Một ngôi đình xưa, một mái chùa cổ nằm trong một khuôn viên với những tàng cây cổ thụ thì giá trị của nó gấp vạn lần những công viên mới hiện đại nhưng vô hồn.
Thiết nghĩ, sẽ sáng suốt và nhân văn hơn nếu ngôi đình làng Trung Lương được lưu giữ lại. Chúng ta đã có một tấm gương rất sáng để soi vào đó là phố cổ Hội An. Cái gì làm nên giá trị của Hội An thì ai cũng đã biết.
 
Theo TNO

Bình luận (0)