Tòa soạnThư đi – tin lại

Một ngôi trường ở trung tâm TP kêu cứu

Tạp Chí Giáo Dục

Phòng học tạm bợ, xuống cấp trầm trọng của khu C

Chỉ cần một cơn mưa nhỏ cũng làm ngập toàn bộ khuôn viên nhà trường. Không chỉ vậy, mưa còn xối từng đợt nước xuống bất cứ phòng học nào. Nước ngấm từ trên lầu 2 của phòng học khu A, ngấm sang khu B, len lỏi vào từng ngóc ngách của các phòng chức năng… Thầy và trò đang học, bỗng nghe rầm! Tất cả tháo chạy khỏi phòng học, vì vữa trên trần nhà có thể rơi từng mảng rộng cả mét vuông xuống lớp học bất cứ lúc nào. Đó là thực trạng của Trường THPT Ten Lơ Man, Q.1, TP.HCM hiện nay.
“Đất vàng”… không được sửa chữa, xây mới
Trường THPT Ten Lơ Man tọa lạc tại số 8, phường Phạm Ngũ Lão, Q.1 – nơi được coi là khu “đất vàng”. Nhưng “vàng” đâu không thấy, chỉ biết phòng học tạm bợ, cơ sở vật chất (CSVC) xuống cấp trầm trọng nhưng không biết kêu ai.
Cô Nguyễn Thị Hương – Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Mùa mưa còn đỡ, vào mùa nóng người ngoài nhìn vào cứ tưởng thầy và trò vừa đi “tắm hơi” về”. Ngỡ cô nói vui nhưng thực tế qua tìm hiểu, toàn bộ khuôn viên trường trên tổng diện tích hơn 6.000m2 với hai dãy nhà kiên cố 1 trệt 2 lầu (khu A, B) có từ thời Pháp và 3 dãy phòng học cấp 4 (C, D, E) được sử dụng tạm bợ làm phòng học và các phòng chức năng khác. Ngồi chưa nóng ghế thì tôi và cô Hương lại phải di chuyển sang vị trí khác… do phòng bị mưa dột. Thấy việc ngồi ở phòng không ổn vì mưa dột tứ bề, tôi đề nghị cô cho được tham quan trường. Ba dãy nhà cấp bốn được sử dụng làm phòng học và một số phòng chức năng đã quá tuổi về “hưu” từ hàng chục năm nay nhưng đến giờ vẫn phải tiếp tục sử dụng. “Rất nhiều phòng học đã xuống cấp trầm trọng, mưa thì dột còn trời nắng thầy và trò như ngồi học trong “lò nung” bánh mì. Dẫu vậy, thầy trò chúng tôi vẫn phải gồng mình dạy và học” – cô Hương giãi bày. Điều khiến chúng tôi băn khoăn là tại sao một ngôi trường có nhiều thành tích trong việc dạy và học, cũng là trường THPT có số HS đông của Q.1 với trên 2.000 em mà CSVC lại tồi tàn đến vậy. Buồn hơn nữa là 62 năm qua, tất cả các phòng học của khu C, D không có cửa sổ. Mưa thì nước từ mái tôn dột xuống, nước từ ngoài tạt qua cửa sổ vào lớp học. Dãy phòng học của khu E được sử dụng hơn mười năm qua, đơn vị thiết kế không biết cố tình hay vô ý đã thiết kế tất cả cửa sổ, cửa ra vào đều bằng sắt vuông phi 12 và gắn kính. Chính vì sợ HS trong khi học, vui chơi không may va chạm mà bể kính thì hậu quả khôn lường, nhà trường phải cho tháo dời hết tất cả kính chắn gió. Người ngoài nhìn vào các phòng học này, cứ tưởng là “chuồng cọp” thời hiện đại.
Dự án xây trường không biết bao giờ?!?
Trước thực trạng trên, Ban giám hiệu nhà trường đã nhiều lần kiến nghị với các cấp lãnh đạo và được trả lời: Do trường ở vị trí “đắc địa” của trung tâm TP, nằm trong khu quy hoạch Công viên 23-9, không được xây mới hay sửa chữa gì, phải giữ nguyên hiện trạng để sắp xếp xây trường ở địa điểm khác(!?). Bẵng đi một thời gian, nhà trường được Sở Xây dựng, Quy hoạch – Kiến trúc, Kế hoạch – Đầu tư mời tham dự và tham quan khu đất dự kiến xây trường mới tại số 279 Bến Chương Dương. “Chúng tôi hết sức vui mừng và hi vọng rồi đây thầy trò nhà trường sẽ thoát khổ. Nhưng khi đến nơi, ai cũng ngỡ ngàng. Địa điểm hiện tại của trường có ba mặt tiền với hai cổng chính, phụ, rất thuận tiện trong việc đưa rước HS. Còn địa điểm mới bị quy hoạch nằm “lọt thỏm” trong khu dân cư, diện tích nhỏ hơn, độc nhất một đường dẫn vào trường và rộng chưa tới 4m, trong khi đó, chỉ tính riêng HS cũng không có lối đi vào trường nếu có thêm phụ huynh đưa rước các em không biết chuyện gì sẽ xảy ra?” cô Hương bức xúc. Năm 2002, Trường Ten Lơ Man được giao làm chủ đầu tư khu C: lên phương án xây dựng, thuê thiết kế, giám sát… Với tổng diện tích trên 1.000m2, thiết kế 1 trệt 2 lầu gồm 15 phòng học, với kinh phí xây dựng là 18 tỷ đồng. Khi đang đợi cấp trên duyệt dự án này thì trường nhận được văn bản chỉ đạo: Đình chỉ kế hoạch xây dựng. Về phía Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản số 2084 GDĐT-KHTC hướng dẫn, yêu cầu Trường THPT Ten Lơ Man: “Hạn chế sử dụng dãy phòng học A, B (1 trệt 2 lầu). Lập khu vực cách ly dãy phòng học bị lún, xuống cấp, hư hỏng nặng như sê nô, mái trần báo cáo nhanh Sở Xây dựng để kiểm tra, kiểm định chất lượng công trình và có ý kiến với trường về việc xử lý dãy phòng học bị lún, hư hỏng sê nô, phần mái trần xuống cấp để đảm bảo an toàn cho việc dạy và học”.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy

Thầy Nguyễn Ngọc Sơn, Hiệu trưởng nhà trường trăn trở: “Việc trường THPT Ten Lơ Man nằm trong khu quy hoạch, chúng tôi không phản đối mà rất ủng hộ chủ trương của TP. Tuy nhiên, thầy và trò của trường chỉ có một mong muốn: CSVC, trường, lớp đã xuống cấp trầm trọng nếu TP vẫn tiếp tục dự án Công viên 23-9, TP phải cho biết lộ trình bao giờ mới cho trường di dời sang nơi mới. Còn dự án đang “khởi động” thì cho trường cơ chế, được sửa chữa lớn. Có như vậy, GV, PHHS mới an tâm dạy và học”.

 

Bình luận (0)