Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Một người có thể tái mắc Covid-19 bao nhiêu lần?

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày càng nhiều người tái mắc Covid-19 chỉ sau 1-2 tháng khỏi bệnh. Các chuyên gia nhấn mạnh chúng ta có thể nhiễm nCoV nhiều lần và tiêm vaccine giúp giảm nguy cơ trở nặng.
Đầu tháng 1, Guardian đưa tin về trường hợp ở Mea Walton, 20 tuổi, nữ sinh trường y tại Anh, mắc Covid-19 tổng cộng 4 lần. Tháng 9/2020, Walton phát hiện mắc Covid-19 ngay trước khi lên đường nhập học. Thời điểm đó, cô làm thêm trong quán rượu và luôn đeo khẩu trang.
Ở lần mắc Covid-19 thứ 2 và 3, nữ sinh viên cảm thấy khó chịu vì bị chảy nước mũi. Song, đến lần thứ 4, vài ngày sau khi xét nghiệm dương tính, triệu chứng của cô giống cúm.
Một trường hợp khác là Alon Helfgott, cậu bé 12 tuổi Israel nhiễm lần lượt 3 chủng nCoV Alpha, Delta và Omicron. Ở lần nhiễm Omicron, sức khỏe của Alon không bị ảnh hưởng nhiều, cũng không có nhiều triệu chứng. Thời điểm nhiễm biến chủng Alpha, cậu bé lên cơn sốt cao.
Các ca bệnh trên khiến nhiều người lo lắng sau khi khỏi bệnh, nguy cơ tái mắc Covid-19 cao thế nào và mỗi bệnh nhân có thể tái nhiễm nCoV bao nhiêu lần.
Tất cả F0 khỏi bệnh đều có nguy cơ tái mắc Covid-19.
Kháng thể bảo vệ từ miễn dịch tự nhiên và vaccine suy giảm theo thời gian. Do đó, tất cả F0 khỏi bệnh đều có nguy cơ tái mắc Covid-19.
Tái mắc Covid-19 phổ biến thế nào?
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), tình trạng tái mắc Covid-19 khá hiếm, song, kết quả điều tra ở nhiều nghiên cứu cho thấy xu hướng này đang dần phổ biến hơn.
Cnet dẫn thông tin từ CDC cho thấy biến chủng Delta dễ lây truyền hơn và tỷ lệ tái nhiễm với biến chủng này cũng có thể cao hơn so với Alpha hay các biến chủng khác. Sự xuất hiện của Omicron càng khiến tình trạng này thêm phổ biến.
Phân tích của Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) được công bố vào tháng 12/2021 cho thấy cứ 10 người có một ca nhiễm biến chủng Omicron ở nước này.
Nghiên cứu cũng chỉ ra kháng thể từ lần mắc Covid-19 trước đó bị suy yếu mạnh trước biến chủng mới. Bởi Omicron mang các đột biến tránh được khả năng miễn dịch từ hai liều vaccine hoặc nhiễm nCoV từ trước.
Một nghiên cứu khác tại Anh từ ngày 29/11 đến 11/12/2021 kết luận F0 khỏi bệnh chỉ có 19% khả năng chống lại Omicron. Con số này ở người đã tiêm hai liều vaccine Covid-19 cũng tương tự, khoảng 20%.
Ngoài ra, mũi tiêm tăng cường được cho là có thể bảo vệ 55-80% nguy cơ nhiễm Omicron có triệu chứng.
Vì sao F0 mắc Covid-19 nhiều lần?
Trong bài viết trên The Conversation, GS Paul Hunter, Đại học East Anglia, Anh, cố vấn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho hay câu trả lời có thể là khả năng miễn dịch của chúng ta thường không đủ để ngăn ngừa lây nhiễm nCoV.
Điều đó có thể do sự xuất hiện của biến chủng mới như Omicron với nhiều đột biến, hệ miễn dịch khó phân biệt. Nói cách khác, virus đã lọt qua được khả năng miễn dịch từ lần mắc trước đó.
Khả năng thứ hai là miễn dịch mà chúng ta có được từ lần mắc Covid-19 trước hay tiêm chủng đã suy yếu. Giải pháp cho điều này là những mũi vaccine tăng cường.
Nguy cơ tái mắc Covid-19, bệnh nặng ở lần nhiễm thứ hai giảm nhờ tiêm vaccine.
Nguy cơ tái mắc Covid-19, bệnh nặng ở lần nhiễm thứ hai giảm nhờ tiêm vaccine. 
Khi virus xâm nhập, tế bào B, T sẽ làm việc để chống lại nhiễm trùng. Các kháng thể do tế bào B sản xuất hoạt động như hàng phòng thủ tiền tuyến chống lại nguy cơ nhiễm trùng và ngăn chặn tế bào bị lây nhiễm, từ đó bảo vệ chúng ta khỏi nguy cơ bị tái nhiễm. Trong khi đó, tế bào T sẽ tiêu diệt những tế bào bị nhiễm bệnh.
Sau khi mối đe dọa của virus qua đi, các tế bào T, B chết đi và lượng kháng thể suy giảm. Theo thời gian, các kháng thể mất đi tạo cơ hội cho virus xâm nhập lần thứ hai, nhất là khi nó đột biến nhiều như nCoV, mang nhiều ưu thế thích ứng hơn với cơ thể.
Virus không ngừng phát triển và hình thành đột biến mới, biến chủng mới. Nếu nhiều dân số vẫn chưa được tiêm chủng hoặc không có khả năng miễn dịch, các chuyên gia lo ngại có thể xuất hiện biến chủng vô hiệu hóa vaccine.
Ngoài ra, nCoV hầu như luôn xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi, cổ họng. Trong khi đó, miễn dịch trong lớp niêm mạc ở những khu vực này có xu hướng tồn tại tương đối ngắn so với miễn dịch trên toàn cơ thể.
Điều này cũng có thể giải thích vì sao khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng, thường bắt nguồn từ phổi, kéo dài hơn khả năng bảo vệ chống lại nguy cơ lây nhiễm.
Sau bao lâu khỏi bệnh F0 có thể tái mắc Covid-19?
Một nghiên cứu tại Anh trên 25.661 người từ tháng 6 đến tháng 12/2020 cho thấy F0 giảm 84% nguy cơ tái nhiễm nCoV trong 7 tháng sau đó. Dưới 2% tình nguyện viên có kết quả mắc Covid-19 lần thứ hai.
Dù vậy, sự xuất hiện của chủng mới khiến các khả năng bảo vệ của kháng thể từ lần mắc trước đó dần bị rút ngắn.
Tháng 10/2021, một nghiên cứu xem xét khả năng tái nhiễm các chủng nCoV khác nhau và phát hiện một người từng mắc Covid-19 có thể tái nhiễm trong vòng 3 tháng đến 5 năm nếu không được tiêm vaccine. Thời gian trung bình là 16 tháng.
Tuy nhiên, một số F0 tái mắc sớm hơn thời gian này, thậm chí chỉ sau 1-2 tháng.
GS.TS William Schaffner, Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, Mỹ, cho biết: “Một số người quan niệm sau khi khỏi Covid-19, bạn sẽ được bảo vệ vĩnh viễn như từng mắc sởi. Nhưng hai loại virus gây hai bệnh này hoàn toàn khác nhau. Khả năng bảo vệ khỏi nCoV sẽ mất đi một cách tự nhiên sau thời gian”.
Điều này đồng nghĩa mỗi người có thể tái mắc Covid-19 không chỉ hai mà nhiều lần.
Một nghiên cứu vào tháng 10/2021 của Trường Y tế Công cộng Yale cho thấy người chưa được tiêm vaccine sẽ có khả năng miễn dịch chống lại tái nhiễm trong khoảng 3-6 tháng. Song, dữ liệu này tính toán trước khi Omicron xuất hiện.
Và hiện tại, các chuyên gia nhấn mạnh chưa đủ dữ liệu để biết một F0 có thể tái nhiễm Omicron nhiều lần hay không.
Tuy nhiên, UKHSA khẳng định nguy cơ này hoàn toàn có thể xảy ra. Và tiêm vaccine vẫn là cách giúp bảo vệ chúng ta trước nguy cơ tái nhiễm.
CDC trích dẫn một nghiên cứu cho thấy người chưa được tiêm chủng có nguy cơ tái nhiễm cao gấp 2 lần nhóm đã tiêm vaccine Covid-19.
Nghiên cứu khác cũng chỉ ra người chưa tiêm vaccine có nguy cơ nhập viện cao gấp 5 lần nếu mắc Covid-19 lần hai.
NT (theo khoahoc.tv)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)