TT – Trên đời này ai cũng có “một nửa” của riêng mình để sống, để yêu, để hi sinh và hạnh phúc. Có những người phụ nữ đi qua cuộc chiến cũng sống, cũng yêu, cũng hi sinh và hạnh phúc… Nhưng “một nửa” ấy của họ mang tên Tổ quốc.
Mái tóc đã bạc trắng. Những nét chân chim đua nhau hiện ra trên gương mặt mỗi khi cô Sáu Liên cười. Đôi mắt không còn tinh anh, cô chậm chạp nhìn mọi người xung quanh rồi nhìn xa xăm như tìm về quá khứ.
Nét xuân sắc, kiên nghị vẫn còn vương trên gương mặt của người phụ nữ 67 tuổi này. Cô Sáu chưa chồng. Từ gần 10 năm nay, Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè đã thành nhà của cô và nhiều người phụ nữ cùng cảnh ngộ. Đó là những cô bộ đội, những cô giao liên, những cô thanh niên xung phong của mấy mươi năm về trước… Khi ấy còn chiến tranh.
Tuổi 20 dành cho Tổ quốc
Một thời hào hùng đã qua, trở về từ cuộc chiến họ đâu còn là những cô gái xuân sắc, đâu còn lành lặn khỏe mạnh và đâu còn có thể hạnh phúc như một người phụ nữ bình thường. Họ lại lao vào công tác trong thời bình. Cô Sáu Liên lúc làm bên hội phụ nữ, khi làm chủ tịch rồi bí thư phường Thủ Thiêm, rồi tham gia Ban tị nạn Campuchia.
Cô Luân gắn bó bao nhiêu năm bên Hội Phụ nữ Thủ Đức. Khi về hưu, cả hai cô đều không nhà, không chồng, không con và vào Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè như một chốn dừng chân cuối cùng. Các cô nhặt nhạnh niềm vui qua từng nụ cười, từng ánh mắt của những người xung quanh… Đôi khi xót xa cho phận mình. |
Tham gia cách mạng khi vừa tròn 20 tuổi, cô Sáu Liên (Nguyễn Thị Kim Liên, quê Đức Hòa, Long An) đã trở thành nữ binh vận năng nổ và hoạt động hiệu quả tại chiến trường miền Đông. Đôi mắt sáng, thông minh, ăn nói có duyên, nụ cười hiền hòa, cô dễ dàng lấy được cảm tình và thuyết phục người khác. Vừa hoạt động vừa học tập, cô đi về như con thoi. Cô Liên cười kể lại: “Cái chân này xưa đi ghê lắm. Ngày ấy có khi vừa đi vừa vác bao lúa nửa tạ trên người gần cả ngày đường”.
Và cũng không biết từ khi nào Kim Liên trở thành cái tên đáng nhớ của các anh bộ đội và cả những người đàn ông ở phía bên kia chiến tuyến. Bao chàng đeo đuổi nhưng cô gái kiên nghị miền Nam lúc ấy chỉ biết đến hai từ “Tổ quốc”. Cô bảo: “Khi ấy chỉ nghĩ một điều làm sao trả nợ nước, trả thù nhà. Nếu mình yêu đương sẽ bị chi phối không làm hết khả năng được. Và thế là cứ lắc đầu lia lịa bao lời ngỏ của nhiều người”.
Chiến tranh ngày càng khốc liệt, cô Sáu Liên bị bắt khi vừa tròn 27 tuổi, bị đày từ nhà lao này đến nhà lao khác. “Cũng không nhớ mình bị cùm hết bao nhiêu nhà lao ở miền Nam này. Chỉ nhớ ở Côn Đảo được bốn năm, ở tù tổng thảy là bảy năm. Đó là những thời gian kinh hoàng nhất”.
Đồng cảnh ngộ với cô Sáu Liên, cô Luân (Đoàn Thị Luân, 76 tuổi, Thủ Đức, TP.HCM) đã ở viện dưỡng lão này gần tám năm. Ngày trước cô Luân được xem là người phụ nữ xuân sắc ở đơn vị phụ vận y tư. Cô rắn rỏi, sắc sảo nhưng cũng hồn nhiên và rất mạnh mẽ. Điều cô Luân ghét nhất là hai chữ “khuất phục”. Tham gia cách mạng ở tuổi đôi mươi, cô chỉ biết điều duy nhất: “Làm sao chiến tranh nhanh kết thúc, mỗi lần nghe tiếng súng là tôi lại thấy đau lòng. Vì chắc chắn khi ấy sẽ có người bị chết, bị thương”. Cô nói tíu tít về mọi thứ, đặc biệt cô kể về chuyện ở tù của mình như một kỷ niệm vui. Ở tù 12 năm, nếm đủ mùi từ đánh đập, điện châm, đi máy bay (cột hai tay, treo lơ lửng trên trần nhà), bị kiến đốt…
Những năm ở Côn Đảo đối với cô Luân là những ngày tháng phải kiên cường và rắn rỏi nhất. “Dù đau đớn thế nào cũng nhất quyết không khai gì cả. Sức mạnh duy nhất của mình là lòng yêu nước và căm thù giặc. Bây giờ có kể cho bọn cháu nghe cũng không thể nào hình dung nổi đâu”. Cô còn đọc vanh vách bài thơ Ở tù Côn Đảo sướng như tiên của một đồng đội ở chung, để kể về những năm tháng chiến đấu trong tù.
Trong đó có câu: Ở tù Côn Đảo sướng như tiên. Đánh đập triền miên như đấm bóp. Nhịn đói triền miên như Phật thiền. Cô Luân còn kể về tuyệt chiêu đấu tranh của các chiến sĩ trong Côn Đảo là tuyệt thực để làm yêu sách với giặc. Có lần cả phòng tù của cô phải tuyệt thực gần hai tuần, người gầy như que củi.
Khác với cô Liên và cô Luân đều là các chiến sĩ chống Mỹ, cô Lương (Phạm Thị Lương, 89 tuổi, quê tại Hà Nội) là người tích cực tham gia kháng chiến chống Pháp. Cô đã ở Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè được 12 năm. Không trực tiếp tham gia tại các chiến trường để chiến đấu, cô Lương có một nhiệm vụ đặc biệt hơn là khai thác thông tin từ trong lòng địch. Ngày ấy, cô Lương là thư ký xinh đẹp cho quan Pháp. Cô nói tiếng Pháp điêu luyện, viết tiếng Pháp tốc ký như người Pháp. Tuy nhiên, người Pháp không ai tin cô thư ký nhỏ nhắn xinh đẹp của mình lại có thể hoạt động cho Việt Minh. Vừa nuôi cán bộ cách mạng vừa khai thác thông tin từ bên trong, lúc nào cô Lương cũng luôn đề cao cảnh giác, thông minh ứng biến mọi trường hợp có thể xảy ra. Và cô đã qua mặt được họ. Cô gái Hà thành ấy đã trở thành bao niềm mơ ước của nhiều chàng trai nhưng cô đã chọn cách “vì cách mạng nên càng liên hệ ít người càng tốt, và càng không dính đến ái tình”.
Côi cút đường về
Chỉ tại cái thân già đã sức cùng lực kiệt nên mới phải vào đây. 11 năm sau khi về hưu, cô làm đủ nghề để sống, khi trông trẻ, khi nấu ăn, sống nhờ hết nhà người bạn này đến nhà người bạn khác. Giờ già rồi, không thể phiền bạn hoài…”. Trên tủ của cô Liên từng lọ thuốc chi chít xếp lên nhau: thuốc loãng xương, thuốc hạ huyết áp, thuốc trợ tim… Cô cười: “Già rồi, ai chả phải bệnh… nhưng tự lo được ngày nào thì cố ngày ấy”.
Mỗi lần có ai vào thăm là cô Luân tìm mọi cách kéo dài thêm một phút nữa: “Ngồi thêm chút nữa đi con. Để cô gọt trái xoài cho ăn…”. Cô cứ kiếm hết cớ này đến cớ khác để kéo dài thêm “một phút” ngắn ngủi. Lúc thì cô bảo uống thêm ly nước, lúc cô bảo để cô gọt này cho ăn, khi cô bảo để cô hát bài này hay lắm cho nghe… Ai cũng hiểu nên cũng cố nán lại với cô thêm một ít phút. Và khi tất cả đi rồi, cô thường nhìn xa xăm.
Nét rắn rỏi, mạnh mẽ ngày thường nhường chỗ cho sự ngậm ngùi đơn côi. Nhưng rồi khi có ai đó an ủi, cô phì cười: “Tụi bay tào lao, tao có sao đâu, mình sống chiến đấu cho quê hương, giờ không nghe tiếng súng, tiếng bom là tao hạnh phúc. Vinh dự lắm!”.
Còn cô Lương không còn đi lại nhiều được nữa. Cô trầm ngâm: “Cũng biết mình gần đất xa trời nên hậu sự đã chuẩn bị cả rồi. Sống đến bây giờ là may mắn lắm rồi. Nhiều đồng đội hi sinh mà có biết mồ mả ở đâu đâu…”.
Theo TTO
Bình luận (0)