Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Một nửa số người bị trầm cảm tại Trung Quốc là học sinh, vì sao?

Tạp Chí Giáo Dục

Áp lực gia tăng khiến giới trẻ Trung Quốc gặp nhiều vấn đề tâm lý hơn trước, chẳng hạn như trầm cảm. Và một chính sách mới đã được ban hành nhằm nỗ lực giải quyết tình trạng này.

Một học sinh ở TP.Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông chuẩn bị thi cao khảo vào tháng 6.2023. Đây là kỳ thi khắc nghiệt nhất tại đất nước tỉ dân, được cho là sẽ quyết định mức độ thành công trong sự nghiệp của mỗi người.. PARKER ZHENG

Gia đình, hệ thống giáo dục khiến học sinh bị trầm cảm

Tại Trung Quốc, gần 25% thanh thiếu niên được báo cáo là bị trầm cảm ở mức độ nhẹ hoặc nặng. Trong khi đó, ít nhất 30 triệu trẻ em và thanh thiếu niên dưới 17 tuổi phải đối mặt với các vấn đề về cảm xúc hay hành vi. Đây là thống kê do Viện Tâm lý học thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc công bố vào năm 2020.

Hai năm sau, tình trạng này vẫn chưa được "trị tận gốc". Bởi, theo sách xanh năm 2022 về trầm cảm ở Trung Quốc, khoảng một nửa số người bị trầm cảm tại nước này là học sinh. Và trong số những em bị trầm cảm, 41% trường hợp phải nghỉ học vì các bệnh lý tâm thiần.

Trả lời tờ China Daily, giáo sư Kiều Chí Hồng, công tác tại Khoa Tâm lý học thuộc ĐH Sư phạm Bắc Kinh, phân tích có 3 yếu tố chính ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên Trung Quốc, gồm hệ thống giáo dục, môi trường xã hội và vai trò của các thành viên trong gia đình đang trở nên mờ nhạt.

Cụ thể, hệ thống giáo dục của đất nước tỉ dân đã ngó lơ tính cách của học sinh khi chỉ đánh giá theo tiêu chuẩn duy nhất là điểm số. Các em bị thúc đẩy phải học và học chăm chỉ hơn nhưng lại không đạt được bất kỳ lợi ích cá nhân nào. Và khi trẻ mất đi niềm vui trong cuộc sống lẫn việc học do áp lực, các em rất dễ xảy ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần, giáo sư Hồng nhận định.

Cũng theo ông Hồng, những gia đình đơn thân hay có cha hoặc mẹ vắng mặt thường xuyên cũng có thể khiến trẻ gặp các vấn đề về tâm thần. "Chưa kể, bị ảnh hưởng bởi áp lực thi cử, cách chăm sóc con lệch lạc của nhiều bậc phụ huynh cũng phủ bóng đen lên sức khỏe tâm thần của con. Nhìn chung, cha mẹ nên tôn trọng cảm xúc của con nhiều hơn thay vì ra lệnh và gây áp lực", ông Hồng khuyên.

Học sinh Trung Quốc tham gia một lớp dạy thêm tại thủ đô Bắc Kinh vào năm 2021. AFP

Internet cũng là mối đe dọa đối với sức khỏe tâm thần của trẻ em. "Những gì xảy ra từ xa có thể ảnh hưởng đến cảm xúc của chúng ta và hình thành suy nghĩ tiêu cực về thế giới. Những điều này có thể truyền sang trẻ em hoặc chúng có thể tự mình biết đến", chuyên gia tâm lý chia sẻ, đồng thời chỉ ra thử thách lớn nhất với công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần ở trường học là thiếu vắng các đội ngũ chuyên nghiệp.

Động thái của Trung Quốc

Trước các dữ liệu nổi cộm nói trên, Bộ Giáo dục Trung Quốc ngày 15.11 đã thành lập ủy ban cố vấn quốc gia về sức khỏe tâm thần của học sinh với nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ chính phủ ra quyết định để tăng cường khả năng giải quyết các vấn đề về sức khỏe tâm thần của học sinh, Tân Hoa Xã đưa tin.

Theo đó, ủy ban này quy tụ sự tham gia của các cơ sở giáo dục ĐH, trường trung học, cơ quan y tế và bệnh viện. Những thành viên trong ủy ban chịu trách nhiệm nghiên cứu, tư vấn, giám sát, đánh giá và phổ biến khoa học về công tác sức khỏe tâm thần trong các trường ĐH, trung học và tiểu học trên toàn quốc.

Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng thông tin, mỗi khu vực tại nước này phải thực hiện ít nhất một sự kiện lớn mỗi năm học để đánh giá thực trạng học sinh trong khu vực và nắm bắt chính xác tình hình, xu hướng phát triển và các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần của các em. Những phát hiện, đề xuất về công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần của học sinh cũng được báo cáo lên ủy ban và chính quyền địa phương có liên quan.

Giáo sư Kiều Chí Hồng, người đồng thời cũng là Tổng thư ký của ủy ban, khuyến nghị các nguồn lực từ nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế và các tổ chức phi lợi nhuận nên được tích hợp để thúc đẩy phát triển sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên. "Tất cả sinh viên tại ĐH Sư phạm Bắc Kinh phải học tâm lý giáo dục để nâng cao khả năng giải quyết các vấn đề về sức khỏe tâm thần cho học sinh của mình", ông Hồng nói thêm.

Theo Ngọc Long/TNO

 

Bình luận (0)