Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Một Quan Vân Trường khác lạ

Tạp Chí Giáo Dục

Hai đạo diễn Mạch Triệu Huy và Trang Văn Cường đã tạo ra hình tượng Quan Vũ giản dị và “đời” hơn so với những gì người ta hình dung xưa nay về nhân vật này.

Quan Vân Trường (Chân Tử Đan) và Khởi Lan (Tôn Lệ) trong phim – Ảnh: Megastar

Bộ phim võ thuật lịch sử do Hồng Kông sản xuất Quan Vân Trường (The lost bladesman) bắt đầu từ lúc Quan Vũ (Chân Tử Đan đóng) dù buộc phải quy hàng Tào Tháo (Trương Văn) vẫn một lòng trung thành với Lưu Bị và tìm đường quay về giúp Lưu Bị gầy dựng nghiệp lớn. Truyền kỳ Quan Vũ qua 5 cửa ải, giết 6 tướng được những nhà làm phim hư cấu thêm chi tiết sau khi ra sức chiêu dụ Quan Vũ, Tào Tháo lập mưu gài bẫy tẩm thuốc mê trong thức ăn để người yêu cũ của Quan Vũ là Khởi Lan (Tôn Lệ) – người chuẩn bị là tiểu thiếp của Lưu Bị – được cận kề Quan Vũ, tạo cơ hội khiến Quan Vũ làm chuyện bất nghĩa với Lưu Bị, nhưng không thành. Vì tình yêu bị từ chối, Khởi Lan đã ra tay hạ sát Quan Vũ ở cuối phim nhưng không được. Tình tiết này tạo nên một Quan Vũ cũng có nỗi niềm riêng, gần gũi hơn với người xem. Bên cạnh đó, góc máy đẹp, những thế võ cực kỳ hấp dẫn, diễn xuất của các diễn viên như Chân Tử Đan, Tôn Lệ, Vương Học Binh, Vương Bách Kiệt, Nhiếp Viễn… đạt yêu cầu, đặc biệt vai diễn Tào Tháo của Trương Văn được người xem đánh giá cao qua khả năng thể hiện diễn biến tâm lý.

Tuy nhiên, tất cả những điểm đó vẫn chưa thể làm Quan Vân Trường thỏa mãn những khán giả khó tính, những người không chấp nhận một Quan Vũ khác đi so với hình tượng truyền thống. Chân Tử Đan vóc dáng tầm thước, không cao lớn như trong sách mô tả. Đạo diễn Mạch Triệu Huy và Trang Văn Cường cũng không hóa trang gương mặt Chân Tử Đan như những gì mà thơ văn diễn đạt về Quan Vũ (Xích diện bỉnh xích tâm, kỵ Xích Thố truy phong, trì khu thời, vô vong Xích đế – (tạm dịch: Mặt đỏ lòng son, cưỡi Xích Thố như gió, khi rong ruổi không quên vua Đỏ). Một số chi tiết trên phim khiến nhân vật Quan Vũ trở thành người tình cảm, yếu đuối dù vẫn còn đó lòng trung thành, hào hiệp, nghĩa khí. Nhiều câu thoại giữa Quan Vũ với Tào Tháo về chiến tranh, về chuyện chém giết, tình người cũng như mong muốn hòa bình, mưu cầu một cuộc sống bình lặng lại quá ủy mị, không phù hợp lắm với khí chất của một võ tướng. Đạo cụ vũ khí trên phim được chăm chút cẩn thận nhưng khán giả vẫn không thể thấy được sự lợi hại của 2 vật đã gắn liền với hình tượng Quan Vũ là thanh long đao và ngựa Xích Thố.

Với mong muốn tạo ra một Quan Vũ giản dị và “đời” hơn nên hai đạo diễn Mạch Triệu Huy và Trang Văn Cường đã thay đổi hình ảnh của ông khác đi. Việc thay đổi này vẫn khó có thể được đa số khán giả chấp nhận. Dù sao thì Quan Vân Trường vẫn là phim hành động võ hiệp có thể “đốt cháy” phòng vé vào mùa hè năm nay. Chỉ trong tuần đầu tiên công chiếu tại Trung Quốc kể từ ngày 28.4, bộ phim thu về gần 17 triệu USD.

Phim khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 27.5.

Đỗ Tuấn (Theo TNO)

Bình luận (0)