Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Một quyển sách hay về thư pháp!

Tạp Chí Giáo Dục

ThS. Nguyễn Hiếu Tín hiện là Trưởng bộ môn Du lịch – Trường Đại học Tôn Đức Thắng, anh cũng là cái tên khá quen thuộc trong giới những người yêu thư pháp ở TP.HCM. Từng là chủ nhiệm đầu tiên của CLB Thư pháp “Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM và đoạt nhiều giải thưởng tại các cuộc triển lãm tem trong và ngoài nước. Mới đây, Nguyễn Hiếu Tín đã tạo sự bất ngờ khi “trình làng” tác phẩm “Thư pháp là gì?”, do NXB Hồng Đức ấn hành. Được biết đây là tác phẩm đầu tay của anh, sau 16 năm, nay mới được tái bản, thể hiện sự tìm tòi, khám phá thư pháp bằng tất cả niềm say mê.


Bìa sách “Thư pháp là gì?” ca tác gi Nguyn Hiếu Tín

Thật ấn tượng với một quyển sách “nặng ký” dày dặn, với gần 400 trang, đầy ắp tư liệu, nghiên cứu nghiêm túc và nghệ thuật, in ấn rất công phu được viết từ một chàng trai trẻ (ấn bản đầu tiên khi tác giả mới 27 tuổi). Lại bất ngờ hơn với phần giới thiệu và đặc biệt phần phụ lục liệt kê hơn 60 bài viết, công trình, triển lãm liên quan đến nghệ thuật thư pháp của tác giả. Bởi sẽ khó cảm nhận được sức lao động miệt mài, sáng tác của tác giả, phải có một tấm lòng thiết tha, yêu quý với thư pháp chữ Việt.

Đọc tác phẩm, người đọc sẽ như bị lôi cuốn bởi sự phân tích, đánh giá, giảng giải và đưa ra những luận chứng, luận cứ thuyết phục về cái hay, cái đẹp của thư pháp, đưa người đọc tìm về với thời kỳ chữ viết mới xuất hiện, đến khi được nâng lên một tầm cao hơn mang đậm tính nghệ thuật. Thư pháp – viết chữ nghệ thuật – không đơn thuần là vẽ, mà phải chuyển tải được trạng thái tinh thần, cái hồn của chữ, của người viết. Đây là một cái thú rất kén chọn người chơi. Nguyễn Hiếu Tín đã có sự so sánh, đối chiếu giữa thư pháp Việt với các trường phái thư pháp khác từ Đông sang Tây như: Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Tây Tạng, Ả Rập, các nước Âu Mỹ… Qua đó, giúp cho người đọc hiểu rằng nghệ thuật thư pháp phương Đông và phương Tây, tuy khác nhau về phương tiện, hình thức, mục đích, nhưng gặp nhau ở cái đẹp.

Tác giả đã dành nhiều công sức hơn cho phần giới thiệu về thư pháp Việt, phân tích được tính kế thừa, sự nối mạch, sự cách tân từ thư pháp chữ Hán, phù hợp với quy luật phát triển của nghệ thuật nói chung. Bởi lẽ, trong tiến trình lịch sử của một dân tộc, nghệ thuật luôn có sự vận động, tiến hóa. Thư pháp chữ Việt đã phần nào minh chứng điều đó. PGS.TS Trần Hồng Liên đánh giá: “Giá trị tác phẩm chính là đã nêu lên được tính sáng tạo trong đặc trưng dân tộc người Việt, góp phần phát huy và bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam trong quá trình hội nhập. Qua tác phẩm, chúng ta thấy được ngọn lửa nhiệt tình của thế hệ trẻ tiến vào lĩnh vực nghệ thuật, biết cảm nhận và thể hiện tâm hồn của mình qua ngòi bút sắc bén và nồng ấm niềm đam mê đối với thư pháp chữ Việt”.

Hy vọng rằng, sau “Thư pháp là gì?”, Nguyễn Hiếu Tín sẽ tiếp tục dấn thân vào lĩnh vực mình đam mê, để khai thác hết những cái hay, độc đáo giới thiệu cùng độc giả; bằng những công trình nghiên cứu sâu hơn, rộng hơn, để khẳng định hồn của thư pháp và sức sống mãnh liệt của nó, dù đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử.

A.Khôi

Bình luận (0)