Phiên tòa giả định tổ chức tại Trường THPT Tenlơman |
Không ồn ào, không khoa trương nhưng vẫn đều đặn diễn ra – đó là đặc điểm của “Phiên tòa giả định” – một cầu nối gắn kết giữa HS các trường THPT với SV Trường ĐH Luật TP.HCM.
Sân chơi thiết thực
“Phiên tòa giả định” hay “Phiên tòa tập sự” là một sân chơi do SV Trường ĐH Luật TP.HCM phối hợp cùng các quận đoàn, đoàn trường THPT tổ chức. Năm 1994, một nhóm SV Trường ĐH Luật TP.HCM tham gia câu lạc bộ học thuật đã có ý tưởng mở các “phiên tòa tập sự”. Mục đích chính là nhằm tuyên truyền pháp luật tới đông đảo mọi người, nhất là đối tượng HS – lứa tuổi đang chập chững bước vào đời. 15 năm trôi qua, những phiên tòa vẫn đều đặn diễn ra và ngày càng sát sao với thực tế cuộc sống đã thu hút được đông đảo mọi người quan tâm.
6 giờ 45 sáng ngày 12-10, chúng tôi có mặt tại Trường THPT Tenlơman, hồi hộp cùng hàng trăm HS lẫn GV chờ giờ… mở phiên tòa. Vụ án hôm nay liên quan tới một vụ buôn bán, vận chuyển các chất ma túy. Nạn nhân, đồng thời cũng là bị cáo là một chàng trai đang ở lứa tuổi học sinh. Do hoàn cảnh gia đình ly tán, bị cáo trở thành con nghiện và phải vận chuyển ma túy để trừ nợ. Tiếng vị chủ tọa phiên tòa vẫn đều đặn cất lên. Ở hàng bị cáo, hai gương mặt cúi gầm xuống tỏ vẻ buồn bã, ăn năn. Sân trường thỉnh thoảng lại rì rầm những lời bàn luận của những HS. Nhưng tất cả đều chung một thái độ nghiêm túc, chăm chú lắng nghe mọi diễn tiến diễn ra trên sân khấu. Phương Nguyên (học sinh Trường Tenlơman) chia sẻ: “Em chỉ được xem các phiên tòa qua phim ảnh, các bản tin thời sự trên truyền hình. Đây là lần đầu tiên em được chứng kiến trình tự một phiên tòa diễn ra như thế nào. Em cứ ngỡ như mình đang được tham dự một phiên tòa thật sự”. Đó không phải là suy nghĩ của riêng một mình Phương Nguyên. “Hầu hết HS đều chỉ biết tới những phiên tòa trong những chương trình truyền hình, thậm chí họ còn không quan tâm vì nó quá khô khan và mất thời giờ. Phiên tòa giả định là dịp để các em hiểu rõ hơn về quy trình của một phiên tòa. Đồng thời cũng là dịp để các em hiểu biết hơn về pháp luật” – anh Phạm Duy, cán bộ Đoàn quận I khẳng định. Để không mất thời gian và ảnh hưởng tới việc dạy và học của nhà trường, hầu hết các phiên tòa đều phải “tranh thủ” những giờ chào cờ, những buổi sinh hoạt toàn trường. Điều này đồng nghĩa với việc phiên tòa chỉ diễn ra trong khoảng thời gian từ 45 phút đến 1 tiếng. Nhưng không vì thế mà phiên tòa diễn ra sơ sài.
Mang tính giáo dục cao
Tuy chỉ mang tính “giả” nhưng để diễn ra được một phiên tòa theo đúng trình tự, các bạn SV Trường ĐH Luật TP.HCM đã phải chuẩn bị kĩ lưỡng mọi khâu từ việc xin án, nghiên cứu các tài liệu sao cho phù hợp với từng đối tượng. Nội dung các án phạm thường xoay quanh những vụ vi phạm thường diễn ra ở lứa tuổi HS như tai nạn giao thông, buôn bán, sử dụng các chất ma túy, những mâu thuẫn trong học đường. Và để công việc diễn ra suôn sẻ, không bị gián đoạn, những “diễn viên” của Trường ĐH Luật TP.HCM đã phải tập dượt rất nhiều lần. Trà Giang, người có “thâm niên” ba năm trong “nghề” cho biết: “Tất cả những người tham gia đều là những người trong CLB Học thuật. Trong quá trình chuẩn bị, tụi mình rất chú trọng tới phần nội dung, nhất là những phần mang tính tuyên truyền. Để mang tính giáo dục cao, hầu hết các án phạm đều hướng tới đối tượng là học sinh THPT và đều được xử phạt ở mức án cao nhất. Các kịch bản không được phép lặp lại và luôn phải thay đổi nội dung tùy theo điều kiện cho phép của mỗi trường”. Còn Thùy Dung, chủ nhiệm CLB Học thuật cho biết, tuy các em ở thành phố nhưng sự hiểu biết về pháp luật còn nhiều hạn chế. Các em chỉ hiểu biết một cách mơ hồ chứ chưa đi sâu vào các vấn đề. Bên cạnh việc xử án, chúng tôi còn tạo điều kiện cho các em được giải đáp những thắc mắc về những chuyện pháp luật. Ngoài ra, đây cũng là dịp để những SV Trường ĐH Luật có điều kiện được trải nghiệm thực tế, được áp dụng những gì mình được học. Điều này rất có lợi cho SV sau khi ra trường”.
“Phiên tòa giả định tuy chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng rất có ý nghĩa. Có tác động giáo dục tới HS, giúp HS sống và làm việc theo pháp luật” – Cô Nguyễn Thị Hương, giáo viên Trường THPT Tenlơman nhận xét. |
Ngọc Anh
Bình luận (0)