Nghệ thuật thư pháp chữ Việt là một tài nguyên du lịch mới, có nhiều tiềm năng trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo của Việt Nam. Bởi nó có khả năng tích hợp văn hóa Đông – Tây, giúp các du khách trong và ngoài nước có thể hiểu nhau hơn trong quá trình giao lưu văn hóa, hội nhập thông qua nghệ thuật của văn tự.
Nghệ thuật thư pháp chữ Việt – tài nguyên du lịch đầy tiềm năng
Sản phẩm du lịch không chỉ là những giá trị trao đổi bình thường mà còn là những giá trị văn hóa đích thực (giá trị nhận thức, nhân bản, thẩm mỹ…). Điều này, tạo nên “đặc sản” độc đáo, lý thú và có thể đáp ứng tốt các nhu cầu văn hóa tinh thần của du khách (nhu cầu thông tin, chủ thể, giải trí, giao lưu…). Việc khai thác những sản phẩm du lịch mới, lạ, mang tính độc đáo, vừa có thể chuyển tải được hình thức (vật phẩm) vừa mang lại dấu ấn của nội dung (hoạt động/trình diễn) sẽ góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển sản phẩm du lịch của Việt Nam. Với “tiêu chuẩn” đó, nghệ thuật thư pháp chữ Việt đã hoàn toàn đáp ứng được.
Trong những năm gần đây, ở nhiều nơi trên khắp đất nước, “thư pháp chữ Việt”/ “thư pháp Quốc ngữ” (chữ Latinh) đã bắt đầu khởi sắc và trở thành phong trào phát triển khá mạnh mẽ. Hầu như chỗ nào ta cũng bắt gặp thư pháp chữ Việt. Từ việc in trên sách báo, viết trên lịch, đến vẽ trên áo, thêu trên vải, cũng như những cuộc triển lãm lớn, nhỏ ở khắp mọi nơi được công chúng quan tâm. Bên cạnh đó, cũng có không ít các câu lạc bộ, các lớp giảng dạy thư pháp được hình thành. Đặc biệt, trong các kỳ lễ hội, lễ tết, các khu du lịch thì không thể thiếu hoạt động của thư pháp.
Với những giá trị nhân văn và giàu bản sắc văn hóa của thư pháp chữ Việt, thiết nghĩ, nó là một tiềm năng lớn, trở thành sản phẩm văn hóa du lịch như các loại hình nghệ thuật phi vật thể khác trong tài nguyên du lịch Việt Nam. Bởi các lý do sau:
Trong sự phát triển du lịch, thực tế ấy cho thấy chiến lược sản phẩm chắc chắn sẽ là một trong những đề tài trọng tâm hàng đầu có ý nghĩa quyết định sự nghiệp xây dựng và phát triển du lịch Việt Nam thời gian tới đây. Trong xu hướng đó, việc tìm những sản phẩm du lịch độc đáo, đặc thù, mang bản sắc riêng và thuận tiện trong hoạt động du lịch là rất cần thiết. Nghệ thuật thư pháp chữ Việt là một trong những sản phẩm có thể đáp ứng được nhu cầu đó.
Xu hướng hiện nay tại các điểm du lịch là bày bán các hàng thủ công mỹ nghệ trong các khu lưu niệm, hệ thống khách sạn hay ở vùng lân cận để du khách có thể trở nên quen thuộc với nghệ thuật của dân địa phương. Đến xem cửa hàng nơi bày bán những mặt hàng thủ công là một hình thức giải trí hay của du khách. Các đồ vật được mua tại các làng nghề truyền thống trở thành các vật lưu niệm giá trị hơn nhiều so với các hàng cùng loại bán tại các siêu thị. Vì lẽ đó, những tác phẩm thư pháp chữ Việt hoàn toàn có thể trở thành những phẩm vật lưu niệm rất có giá trị đối với du khách. Như vậy, xét với góc độ thị trường thì thư pháp chữ Việt vừa là yếu tố cung vừa góp phần hình thành yếu tố cầu của hệ thống du lịch.
Với những nét đặc thù vốn có của nghệ thuật thư pháp, khiến cho thư pháp chữ Việt nếu khai thác một cách triệt để có thể tham gia vào nhiều loại hình du lịch khác nhau, mở rộng biên độ của nó bởi không bị giới hạn như các loại hình nghệ thuật khác. Có thể ứng dụng thư pháp trong du lịch văn hóa, du lịch lễ hội, du lịch MICE, du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm, du lịch chuyên đề… |
Cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác, thư pháp chữ Việt là sản phẩm của văn hóa. Nếu như âm nhạc, vẽ tranh, tạc tượng… là nguồn chủ yếu để mua vui và làm hài lòng du khách trong các cơ sở lưu trú (khách sạn, resort…) có thể mang lại cơ hội cho khách thưởng thức văn hóa dân tộc một cách tốt nhất, thì thư pháp chữ Việt cũng có thể trình diễn những đường bay, lượn múa của nét chữ qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân. Các buổi biểu diễn thư pháp kết hợp với âm nhạc dân tộc, đều tăng thêm khía cạnh nghệ thuật đang tồn tại của quốc gia đó. Các tác phẩm thư pháp lưu niệm mà khách có thể mua được là phương tiện rất hiệu quả nhằm duy trì, gìn giữ văn hóa bản địa.
Nghệ thuật thư pháp chữ Việt với chức năng chuyển tải chức năng thông tri của ngôn ngữ dân tộc, khiến cho các quốc gia hiểu biết lẫn nhau. Và do đó nó đảm bảo được chức năng của du lịch là cầu nối hòa bình giữa các dân tộc. Nó trở thành văn hóa quà tặng rất hiệu quả trong chức năng giao tiếp, ngoại giao.
Khai thác thư pháp chữ Việt trong hoạt động du lịch
Nghệ thuật thư pháp chữ Việt lại có ưu điểm nổi bật so với các loại hình nghệ thuật khác trong việc tổ chức các hoạt động trình diễn, hoạt động du lịch chính là sự đơn giản đặc thù của nó. Không giống như nghệ thuật trình diễn khác như nghệ thuật cải lương, chèo, tuồng, rối nước… phải phụ thuộc vào không gian, sân khấu, phụ thuộc vào bạn diễn, kịch bản sân khấu, còn thư pháp có thể trình diễn một cách độc lập, cơ động, linh hoạt ở mọi lúc, mọi nơi. Hoặc không giống như những vật phẩm mang tính cố định/bất định ở các cửa hàng lưu niệm (đồ mỹ nghệ, gốm, tượng gỗ…) thì thư pháp lại mang tính sống động của nó là tạo ra sản phẩm, viết trực tiếp tại chỗ cho du khách thưởng lãm. Chính đặc điểm này khiến cho thư pháp chữ Việt trong nhiều năm qua tuy không ồn ào trong hoạt động du lịch nhưng lại là “mạch ngầm”, luôn xuất hiện một cách hiệu quả cho các hoạt động du lịch trong các lễ hội, khu vui chơi, giải trí, các cơ sở tôn giáo.
Với những lợi thế của thư pháp chữ Việt về một thú chơi tao nhã, nó vừa giới thiệu được truyền thống của dân tộc (truyền thống yêu chữ, kính chữ, phong tục xin chữ đầu năm…), vừa thuận tiện, linh hoạt, không cồng kềnh (không nhiều đạo cụ, phụ kiện) trong việc biểu diễn viết chữ (sản phẩm vô hình), vừa được trao sản phẩm trực tiếp tại chỗ cho du khách mang về (sản phẩm hữu hình), lại là sản phẩm quà tặng độc đáo, ấn tượng cho du khách, khách hàng (hội nghị MICE), tái diễn lại hình ảnh ông đồ xưa, phong vị Tết Việt… Tất cả điều đó, nếu nhận diện được, thư pháp chữ Việt đủ điều kiện trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, có thể đưa vào khai thác một cách hiệu quả trong hoạt động du lịch. Có thể nói, trong tương lai gần thư pháp chữ Việt là một yếu tố góp phần đưa nghệ thuật Việt Nam hòa nhập vào nền nghệ thuật thế giới, và là một sản phẩm du lịch độc đáo của Việt Nam.
ThS. Nguyễn Hiếu Tín
Bình luận (0)