Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Một sinh viên có 7 công trình sáng tạo

Tạp Chí Giáo Dục

Đã hoàn thành 7 công trình nghiên cứu và đang bắt tay thực hiện 7 dự án khác, Lê Minh Vương, sinh viên Trường ĐH Sài Gòn, chưa hề có dấu hiệu… hài lòng, mà vẫn luôn sôi sục tìm kiếm các ý tưởng mới.

Chàng trai Lê Minh Vương miệt mài với những đề tài nghiên cứu.

Ý tưởng nối tiếp ý tưởng

Lê Minh Vương, chàng trai xuất thân từ một vùng quê ở H.Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, cho hay một trong những đề tài khiến bạn tốn nhiều công sức nhất là “Sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và kết hợp với nuôi trùn quế từ bùn thải ao nuôi tôm thẻ chân trắng”.

Tôi có một ước mơ nho nhỏ là tập hợp những bạn trẻ, sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học để cùng nhau hợp tác và làm nên những sản phẩm hiện thực hóa từ những ý tưởng

Lê Minh Vương

Giải thích việc dồn tâm huyết làm công trình này trong gần 3 năm, Minh Vương chia sẻ: "Ở quê, gia đình tôi cùng với bà con lối xóm có nuôi tôm nhưng tôm bị chết nhiều, gây lỗ nặng. Nguyên nhân chính là do ô nhiễm nước và bùn sau khi thu hoạch, dẫn đến dịch bệnh trên ao nuôi. Vì vậy, tôi muốn giúp người nông dân xử lý mầm bệnh tiềm ẩn trong bùn có hại cho tôm đồng thời tận dụng chất thải bùn từ các ao nuôi, tạo ra lượng phân bón dồi dào phục vụ trồng trọt”.

Với đứa con tinh thần này, Minh Vương đã nhận được học bổng Tiếp sức những ước mơ, trị giá 15 triệu đồng. Hơn thế nữa, nhiều người nuôi tôm ở một số tỉnh miền Tây Nam bộ, Quảng Ngãi, Đà Nẵng… rất quan tâm đến dự án trên, nên Vương đã không ngần ngại chuyển giao quy trình để họ áp dụng tại nhà.

Tháng 12.2014, dự án này đã được một công ty lớn tại TP.HCM tài trợ để ứng dụng đại trà vào thực tiễn.

“Tôi muốn đóng góp công sức của mình bằng cách làm cho môi trường xanh – sạch – đẹp, làm ra các sản phẩm ứng dụng phục vụ bà con nghèo ở nông thôn và cho cả gia đình thuần nông của tôi nữa’’, Minh Vương tâm niệm.

Theo đuổi sự ưu tú

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, suốt 4 năm học ĐH, Minh Vương đều di chuyển bằng xe buýt từ nhà trọ ở Q.12 tới Q.5 (gần 30 km) để học, cũng như cả những lúc đi làm thêm. Nhưng cũng nhờ vậy, Vương tranh thủ thời gian ngồi trên xe buýt để đọc sách, mở mang kiến thức. Không chỉ mê những sách về công nghệ khoa học, nhất là về lĩnh vực môi trường và thiên nhiên, Minh Vương còn đọc ngấu nghiến những cuốn sách như: Quốc gia khởi nghiệp, Tư duy đột phá, Nghĩ giàu làm giàu, Đắc nhân tâm…

Đặc biệt, chàng trai “lỳ đòn” này chưa bao giờ từ bỏ bất cứ những buổi đi khảo sát hay đi lấy mẫu nghiên cứu, dù có xa cỡ nào và dù hạn chế phương tiện di chuyển. Đeo bám đến tận cùng vấn đề, không chấp nhận sự qua loa, hời hợt, có những đề tài Minh Vương làm vượt cả yêu cầu của phía đối tác đặt ra.

Hiện tại, Minh Vương đã lập Fanpage về Thế hệ ưu tú với mong muốn tạo môi trường kết nối, phát triển ý tưởng của người trẻ. Trong cuộc thi “Tuổi trẻ với sáng kiến vì môi trường bền vững” do Tổng cục Môi trường tổ chức năm 2014, Lê Minh Vương đã gửi một bức thư cho ban tổ chức, trong đó có đoạn: “Tôi viết bức thư này với hết tâm tình của mình và mang trong mình một khát vọng chính đáng vì một tương lai VN tươi sáng. Tôi mong muốn cùng có thêm những người bạn, những chiến hữu thật sự cùng chung tay làm nên những giá trị cho xã hội cũng như khẳng định giá trị, năng lực của bản thân. Tôi có một ước mơ nho nhỏ là tập hợp những bạn trẻ, sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học để cùng nhau hợp tác và làm nên những sản phẩm hiện thực hóa từ những ý tưởng…”.

Minh Vương cho biết đôi khi bạn cũng thấy chán nản, bế tắc với những khó khăn trong cuộc sống và trong nghiên cứu. Nhưng Vương luôn tự xốc mình dậy bằng nghị lực kiên cường và bằng những câu châm ngôn: “Không có gì là không thể, nếu chúng ta có lòng tin” và “Hãy theo đuổi sự ưu tú, chắc chắn sự thành công sẽ đến với bạn”.

7 đề tài đã được thực hiện – dự thi của Lê Minh Vương

1. Mô hình chuyển hóa nước mặn thành nước ngọt (model nhỏ và model lớn)

2. Tủ lạnh đất sét – Kết hợp với lọc nước

3. Mô hình lọc nước cải tiến sử dụng ánh sáng mặt trời

4. Ba lô lọc nước

5. Chai mặt trời cải tiến – Chai mặt trăng 2014

6. Sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và kết hợp nuôi trùn quế từ bùn thải ao nuôi tôm thẻ chân trắng

7. Nghiên cứu sử dụng tảo Chlorella sp xử lý nước thải chế biến thủy sản.

Nguyễn Như

(TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)