Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Một số điều cần lưu ý khi ôn thi môn hóa

Tạp Chí Giáo Dục

Cũng như những môn học khác, đối với môn hóa học sinh cần lập kế hoạch ôn tập. Các em phải tính toán thời gian còn lại đến trước ngày thi, chia ra tuần này ôn tập phần nào, tuần sau ôn tập phần nào và cố gắng thực hiện theo kế hoạch đã định. Tuy nhiên, những nội dung có độ khó khác nhau thì thời gian ôn tập có thể xê xích so với kế hoạch đề ra. Các em cần chú ý tránh tình trạng môn học yêu thích thì tập trung ôn tập trong khi lơ là những môn khác.

Khi ôn tập, nhất thiết phải có sách giáo khoa và vở ghi bài ở lớp. Kế đến, các em nên có thêm sách hướng dẫn ôn tập dùng cho GDTX và những tài liệu hỗ trợ khác như sổ tay hóa học, các bảng tóm tắt kiến thức… để tra cứu khi cần thiết.
Một nguyên tắc cần lưu ý khi ôn tập là phải ôn đi ôn lại nhiều lần. Trước khi ôn phần mới phải dành thời gian ôn tập lại phần trước đó. Tốt nhất là viết ra giấy những gì mình nhớ được. Việc viết ra giấy tuy có hơi mất thời gian nhưng sẽ giúp các em dễ tìm ra chỗ sai sót, nhớ bài lâu hơn là chỉ đọc thuộc lòng. Sau khi viết, các em tự kiểm tra lại. Chỗ nào còn thiếu hoặc có sai sót thì dùng bút đỏ bổ sung, sửa chữa, dùng bút dạ quang để đánh dấu. Lần sau các em sẽ nhớ và tránh được chỗ sai đó.
Khi ôn tập một bài, một nội dung cụ thể, các em nên tự mình tóm tắt lại kiến thức theo kiểu sơ đồ, bảng, hình vẽ; ghi lại nội dung cần nhớ bằng những câu ngắn gọn nhưng chứa đủ ý chính, dùng các kí hiệu để dễ học bài, dễ nhớ.
Việc ôn tập đạt kết quả như thế nào chủ yếu phụ thuộc bản thân học sinh. Trong quá trình ôn tập nếu có chỗ nào vướng mắc các em cần ghi chú lại để trao đổi với bạn bè, thầy cô. Trong thời gian ôn tập ở lớp, thầy cô sẽ nhấn mạnh những nội dung cơ bản, những nội dung khó, học sinh hay bị sai chứ không thể dạy lại kĩ càng tất cả các nội dung như khi vào bài mới. Do đó, các em cần chủ động hỏi bài ở lớp.
Trong đề thi tốt nghiệp BT-THPT năm 2008 và các đề thi tham khảo cho kì thi năm 2009, số lượng câu hỏi là bài toán hóa học chỉ chiếm khoảng 8/40 câu. Còn lại là các câu hỏi lí thuyết. Một số câu hỏi lí thuyết ở dạng thuộc bài là trả lời được, phần lớn câu hỏi ở dạng vận dụng kiến thức để trả lời. Do vậy, trong quá trình ôn tập các em chú ý ôn tập kĩ phần lí thuyết, vận dụng lí thuyết để phân biệt, so sánh, giải thích tính chất, hiện tượng, lựa chọn phương án đúng/sai… Với những em yếu phần giải toán, hãy học thật kĩ phần lí thuyết sau đó mới ôn tập phần bài toán.
Các dạng bài toán thường gặp trong các đề thi là: bài toán tìm công thức phân tử, công thức cấu tạo của chất hữu cơ (este, amin, aminoaxit, cacbohidrat); xác định tên nguyên tố (kim loại); bài toán hỗn hợp hai kim loại tác dụng với dung dịch axit hoặc dung dịch kiềm hoặc dung dịch muối (có giải hệ phương trình hoặc không); bài toán tăng/giảm khối lượng vật kim loại khi nhúng trong dung dịch muối; bài toán xác định khối lượng muối tạo thành khi cho CO2 tác dụng với dung dịch NaOH, KOH hoặc dung dịch Ca(OH)2, Ba(OH)2; bài toán xác định công thức của oxit sắt. Đây là các dạng toán cơ bản nhất mà các em cần ôn tập.
HÀ THỊ PHƯƠNG
(Giáo viên môn hóa TTGDTX Thủ Đức)

Bình luận (0)