Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Một số điều nên biết về ung thư cổ tử cung

Tạp Chí Giáo Dục

Cổ tử cung là đoạn nối giữa tử cung và âm đạo. Cổ tử cung là phần thấp và hẹp của tử cung, cho phép kinh nguyệt chảy ra ngoài âm đạo trong thời kỳ kinh nguyệt.

Trong giai đoạn mang thai, cổ tử cung đóng chặt để giữ thai nhi bên trong cho đến khi bé chào đời.
Một chức năng quan trọng khác của cổ tử cung là ở thời điểm chuyển dạ, cổ tử cung giãn và mở rộng để thai nhi di chuyển từ tử cung xuống âm đạo.
Trên toàn cầu, mỗi năm có khoảng 500.000 trường hợp ung thư cổ tử cung mới, trong đó 40% là ở thành thị và 60% là ở nông thôn.
1. Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung
Mặc dù chưa biết được nguyên nhân chính xác dẫn đến ung thư cổ tử cung, nhưng dưới đây là một số yếu tố nguy cơ liên quan tới căn bệnh này:
– HPV: Phần lớn phụ nữ ung thư cổ tử cung bị nhiễm HPV. Loại vi-rút này có thể lây từ người này sang người khác qua quan hệ tình dục không an toàn. Phụ nữ có quan hệ tình dục sớm hoặc có nhiều bạn tình dễ bị nhiễm HPV vì loại vi-rút này chủ yếu lây truyền qua đường tình dục.
– Quan hệ tình dục sớm: Các tế bào nội mạc cổ tử cung chưa phát triển đầy đủ cho đến năm 18 tuổi, và việc này làm tăng nguy cơ nhiễm HPV.
– Các bệnh lây qua đường tình dục: Phụ nữ bị ung thư cổ tử cung thường có tiền sử nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục. Một số bệnh như bệnh lậu, nhiễm Chlamydia, giang mai hoặc HIV/AIDS làm tăng nguy cơ nhiễm HPV.
– Hút thuốc lá: Người hút thuốc lá dễ bị ung thư cổ tử cung hơn.
– Dùng thuốc viên tránh thai dài ngày: uống thuốc tránh thai trong một thời gian dài (trên 5 năm) có thể tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung ở những phụ nữ nhiễm HPV. Tuy nhiên, nguy cơ sẽ giảm xuống khi phụ nữ dừng uống thuốc.
2. Triệu chứng của ung thư cổ tử cung
– Chảy máu bất thường: Phụ nữ ung thư cổ tử cung có thể bị chảy máu bất thường; chảy máu ít hoặc nhiều trong tháng.
– Nhiều dịch tiết bất thường: Dịch tiết âm đạo tăng là một triệu chứng của ung thư cổ tử cung. Dịch tiết có thể có mùi hôi, lỏng, đặc hoặc chứa chất nhày.
– Đau vùng chậu không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt bình thường có thể là một triệu chứng ung thư cổ tử cung. Cơn đau có thể tăng dần, từ đau âm ỉ đến đau quặn và kéo dài trong nhiều giờ.
– Đau khi đi tiểu: Đau bàng quang hoặc đau khi đi tiểu có thể là triệu chứng của ung thư cổ tử cung giai đoạn muộn.
– Chảy máu không mong muốn: chảy máu giữa các chu kỳ kinh nguyệt đều đặn, sau khi quan hệ tình dục hoặc khi khám vùng chậu có thể là các triệu chứng của ung thư cổ tử cung. Điều này là do kích ứng của cổ tử cung khi thực hiện các hoạt động trên.
Hãy lưu ý rằng các triệu chứng trên không phải là các dấu hiệu chắc chắn của ung thư cổ tử cung. Nhưng nếu thấy các triệu chứng trên, hãy đi khám bệnh để điều trị bệnh ở giai đoạn đầu.
3. Điều trị ung thư cổ tử cung
Điều trị ung thư cổ tử cung phụ thuộc vào kích thước và vị trí khối u, giai đoạn của bệnh, tuổi và sức khỏe toàn thân của bệnh nhân. Ung thư cổ tử cung có thể được điều trị bằng một hoặc kết hợp nhiều phương pháp: phẫu thuật, xạ trị và/hoặc hóa trị liệu.
Minh Châu (TPO)
Theo HMU

Bình luận (0)