Xung đột tâm lý dù mang tính chất công việc hay tính chất riêng tư đều để lại dấu ấn cảm xúc sâu sắc trong đời sống học sinh, sinh viên (HSSV), gây ra tâm lý căng thẳng, làm giảm hiệu quả học tập, hạn chế sự phát triển nhân cách…
Theo tác giả, người lãnh đạo, quản lý cần nhận diện và nắm vững bản chất của các kiểu, loại nhân cách để có những tác động phù hợp, kịp thời ngăn ngừa và giải quyết các xung đột có thể xảy ra (ảnh minh họa). Ảnh: Thành Nam
Tập thể nói chung và tập thể HSSV nói riêng trong quá trình tồn tại, phát triển tất yếu sẽ có những xung đột tâm lý nội bộ và xung đột giữa các nhân cách, đây là điều hoàn toàn tự nhiên. Do đặc điểm hoạt động của lứa tuổi thanh thiếu niên, xung đột tâm lý có những biểu hiện đặc thù như mâu thuẫn về nhận thức, về cách thức hành động trong thực hiện nhiệm vụ; mâu thuẫn về xúc cảm, tình cảm; vấn đề cá tính, tính cách liên quan tới những khía cạnh riêng tư khác nhau của mỗi HSSV.
Những biểu hiện này có nguồn gốc nảy sinh trong điều kiện hoạt động học tập, sinh hoạt cùng nhau. Song chủ yếu được bộc lộ trong thời gian nghỉ ngơi, ngoài giờ học tập của HSSV, hậu quả là gia tăng tính phức tạp của các mối quan hệ qua lại trong tập thể, đặc biệt có ảnh hưởng xấu tới bầu không khí tâm lý trong tập thể, đồng thời hạn chế sự phát triển nhân cách. Vì vậy, xung đột tâm lý cần được phòng ngừa và giải quyết của những người làm công tác lãnh đạo, quản lý trong nhà trường nói chung và tập thể HSSV nói riêng.
Để phòng ngừa và giải quyết xung đột tâm lý trong tập thể HSSV, điều quan trọng là tìm ra các nguyên nhân của vấn đề, có thể nêu lên một số nguyên nhân nảy sinh: nguyên nhân thuộc về chủ thể lãnh đạo, quản lý; nguyên nhân thuộc về khách thể lãnh đạo, quản lý; nguyên nhân thuộc về môi trường hoàn cảnh hoạt động. Tuy nhiên, với các phương pháp nghiên cứu khác nhau của tâm lý học nói chung và phương pháp quan sát, nghiên cứu thực tiễn nói riêng, chúng tôi xin được đề cập 7 kiểu, loại nhân cách điển hình dễ trở thành mầm mống nảy sinh xung đột tâm lý trong tập thể HSSV.
Thứ nhất, những người “hay lý sự”. Theo đó, những người này giống như một “công tố viên” kiên cường nhưng rất khó tính và rắc rối. Họ thích chơi trò đấu khẩu, thích bắt bẻ, “vặn vẹo” trong giao tiếp hàng ngày, hay đưa ra các tình huống trong sinh hoạt tập thể, có nhiều câu hỏi ác ý để chất vấn bất ngờ đối với người khác, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Kiểu nhân cách này thường hay gây ra mâu thuẫn cá nhân và xung đột tâm lý trong tập thể.
Thứ hai, những người “hay gây sự”. Đây là những người hay phản đối ý kiến người khác, họ phê phán và phủ nhận tất cả, và cho rằng chỉ có ý kiến của họ là hay, là đúng. Song thực chất những yêu cầu, những lập luận mà họ đưa ra rất phi lý, người nghe có cảm tưởng như đang ra sức thuyết phục chính mình hơn là thuyết phục người khác. Kiểu nhân cách này thường là đầu mối của các xung đột tâm lý trong tập thể.
Thứ ba, những người “thiếu văn hóa”. Đó là những người hay cáu gắt, ích kỷ, hẹp hòi, hay tò mò vào việc riêng tư của người khác; hay soi mói, bới móc những chuyện không liên quan. Trong giao tiếp hàng ngày, biểu hiện thái độ thô lỗ, thiếu lịch sự, ít người muốn tiếp xúc với họ, còn ai phải tiếp xúc với họ thì luôn cảm thấy khó chịu, bực bội. Họ thường là nguyên nhân của các mối quan hệ xung đột trong nhóm.
Thứ tư, những người “bảo thủ”. Những người này có ưu điểm là bộc trực, thẳng thắn, trung thực trong tranh luận, nhất quán giữa thái độ với hành vi bên ngoài, không đóng kịch, không che đậy và kiên trì bảo vệ chân lý đến cùng. Tuy nhiên, họ thiếu khéo léo tế nhị, thường không mềm mỏng trong quan hệ tập thể, nhiều khi quá thiên về bảo vệ ý kiến của mình sinh ra bảo thủ. Trong sinh hoạt thường hay để ý tới quan điểm của người khác trái với mình và phân tích chúng một cách cứng nhắc, có cách nhìn định kiến, bảo thủ. Họ thường bắt đầu từ những căng thẳng trong công việc rồi nhanh chóng chuyển sang đối địch cá nhân, từ đó gây ra xung đột tâm lý.
Thứ năm, những người thích “phô trương”. Đây là những người luôn cố gắng trở thành trung tâm chú ý, họ cố tìm kiếm sự đồng tình ủng hộ từ những người xung quanh, nhưng lại không có khả năng trong những nỗ lực lâu dài, không có khả năng “lập kế hoạch hợp lý” cho hành vi của mình, suy nghĩ và hành động thiếu sâu sắc, khi chưa được mọi người ủng hộ, hưởng ứng thì dễ bị kích động bởi những cảm xúc âm tính. Vì vậy, họ là cội nguồn của những xung đột về mặt cảm xúc, tình cảm trong tập thể.
Thứ sáu, những người “kỹ tính”. Đó là những người rất cẩn thận, luôn thể hiện tính tỉ mỉ, cụ thể, chi tiết và chính xác trong đánh giá hoạt động của mình và của người khác theo những “tiêu chuẩn” tự đặt ra; họ luôn yêu cầu cao với bản thân mình và những người xung quanh. Trong khi người khác lại coi những yêu cầu đó là những sự xét nét, bắt bẻ hoặc sự thái quá trong sinh hoạt. Vì vậy, đôi khi gây ra tâm lý ức chế, bất đồng trong tập thể.
Thứ bảy, những người “không tự điều khiển”. Đây là những người thường hành động tự phát, thiếu suy nghĩ, không kiểm soát được bản thân. Do đó, các xung lực và xúc cảm của họ thường bộc lộ rõ nét, họ không quan tâm đến hoàn cảnh và chuẩn mực của nhóm, không có khả năng điều khiển hành vi của mình trước ý kiến xung quanh. Hành vi đó dễ trở thành những phản ứng xâm kích. Những phản ứng này thường hay hướng về người khác. Kiểu nhân cách này cũng thường gây ra những xung đột tâm lý khác nhau trong tập thể.
Ngoài những kiểu, loại nhân cách điển hình thường gây ra xung đột tâm lý nói trên, trong tập thể HSSV, cá biệt còn có những người trong mọi hoàn cảnh đều sẵn sàng làm cho các mối quan hệ cá nhân trở nên nặng nề. Có những sự kiện tưởng như đơn giản, ít có ý nghĩa nhưng cũng bị họ thêu dệt, thổi phồng lên xuất phát từ những lý do và nguyên tắc họ tự đặt ra mang tính chủ quan. Cũng có những người lại đa nghi quá mức, luôn xét nét, bắt bẻ người khác hoặc đổ lỗi cho người khác trong cuộc sống và sinh hoạt. Có những người quá nhạy cảm với sự thay đổi trong quan hệ người – người, trong cuộc sống họ chỉ thấy một chuỗi những quan hệ xúc cảm căng thẳng với những người xung quanh. Và lại có những người thực dụng đến lạnh lùng, sẵn sàng lao vào mọi thứ chỉ để đạt được lợi ích riêng cho bản thân mà không đếm xỉa đến người khác cũng như tập thể. Hay có những người luôn biểu hiện sự ganh tỵ, muốn sinh sự, thích châm chọc và kích động người khác… Những người có đặc điểm tâm lý cá biệt như vậy nhiều khi là nguồn gốc gây ra các xung đột tâm lý trong tập thể.
Có thể nói, các kiểu, loại nhân cách thường gây ra xung đột tâm lý trong tập thể HSSV rất phong phú, đa dạng. Vì vậy, người lãnh đạo, quản lý cần nhận diện và nắm vững bản chất của các kiểu, loại nhân cách trên để có những tác động phù hợp, kịp thời ngăn ngừa và giải quyết các xung đột có thể xảy ra nhằm tạo ra bầu không khí lành mạnh, nội bộ đoàn kết, thống nhất; góp phần nâng cao hiệu quả học tập, nghiên cứu và xây dựng tập thể vững mạnh.
Nguyễn Ngọc Sáng
Bình luận (0)