Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Một số kinh nghiệm ôn tập môn Lịch sử hiệu quả

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2012, trong đó có môn Lịch sử. Đây là môn học được nhiều học sinh cho là “khó nuốt” nhất trong kì thi tốt nghiệp năm nay. Làm sao để ôn tập môn Lịch sử có hiệu quả vẫn là một câu hỏi khó đối với các bạn học sinh lớp 12. Dưới đây, tôi xin nêu ra một số kinh nghiệm nhỏ với mong muốn giúp các bạn học sinh ôn tập có hiệu quả hơn môn Lịch sử.
(ảnh minh họa: Internet)
1. Nắm tổng thể nội dung của chương trình trước khi học các nội dung cụ thể
Để không bị lạc vào trong khối sự kiện quá lớn của chương trình Lịch sử lớp 12, trước khi ôn tập từng nội dung cụ thể, các bạn cần phải nắm một cách khái quát về tiến trình lịch sử:
Phần Lịch sử Việt Nam từ 1919 đến 2000 được trình bày theo tiến trình lịch sử: Giai đoạn 1919 – 1930 (gồm 2 giai đoạn nhỏ: 1919 – 1935 và 1925 – 1930); Giai đoạn 1930 – 1945 (gồm 4 giai đoạn nhỏ: 1930 – 1931, 1931 – 1935, 1936 – 1939 và 1939 – 1945); Giai đoạn 1945 – 1954 (gồm 4 giai đoạn nhỏ: 02/9/1945 – 19/12/1946, 1946 – 1950, 1951 – 1953 và 1953 – 1954); Giai đoạn 1954 – 1975 (gồm 5 giai đoạn nhỏ: 1954 – 1960, 1961 – 1965, 1965 – 1968, 1968 – 1973 và 1973 – 1975) và Giai đoạn 1975 đến 2000 (gồm 3 giai đoạn nhỏ: 1975 – 1976, 1976 – 1986 và 1986 – 2000). Dựa vào phân kì lịch sử này, các bạn tiến hành xác định những sự kiện lịch sử chính (chưa cần đi vào nội dung chi tiết) gắn liền với từng giai đoạn lịch sử cụ thể.
Phần Lịch sử thế giới từ 1945 đến 2000 được trình bày theo 6 chủ đề: 1/ Sự hình thành trật tự thế giới mới sau chiến tranh thế giới thứ hai; 2/ Liên Xô và các nước Đông Âu (1945 – 1991) và Liên bang Nga (1991 – 2000); 3/ Các nước Á, Phi và Mĩ Latinh (1945 – 2000); 4/ Mĩ, Tây Âu, Nhật Bản (1945 – 2000); 5/ Quan hệ quốc tế (1945 – 2000); 6/ Cách mạng khoa học công nghệ và xu thế toàn cầu hóa.
2. Học theo từng chủ đề lịch sử cụ thể
Việc nhóm các vấn đề lịch sử cùng đặc điểm, liên quan với nhau thành một chủ đề là một cách giúp học sinh ôn tập hiệu quả hơn, có thể kể đến một số chủ đề như sau: “Quá trình thành lập Đảng: Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước  truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê nin vào Việt Nam  sự xuất hiện của 3 tổ chức cộng sản  thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam”; “Các hiệp định trong giai đoạn từ 1945 đến 1975: Hiệp định Sơ bộ, Hiệp định Giơ-ne-vơ và Hiệp định Pa-ri”; Phong trào yêu nước theo xu hướng dân chủ từ 1919 đến 1930.
3. Học một nhóm các sự kiện lịch sử có liên hệ với nhau
Đặc điểm của lịch sử là diễn ra liên tục, kết quả của sự kiện trước có liên hệ đến sự kiện sau. Do đó, nếu các bạn học cả một chuỗi sự kiện có liên hệ với nhau trong cùng một giai đoạn lịch sử, thì sẽ thấy hấp dẫn, thú vị và nhớ có hệ thống hơn, cụ thể như:
Thứ nhất, diễn biến của cách mạng Việt Nam từ 1939 đến 1945 xoay quanh 4 sự kiện lớn là: Hội nghị Trung ương 6 (11/1939), Hội nghị Trung ương 8 (5/1941), Hội nghị Ban thường vụ TW Đảng 12/3/1945 (ra chỉ thị Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta) và cuối cùng là Hội nghị toàn quốc của Đảng (13-15/8/1945).
Nếu nhóm cả 4 sự kiện này lại (từ bối cảnh đến nhận định tình hình, xác định kẻ thù, đề ra chủ trương của Đảng và quá trình triển khai các chủ trương đó), thì các bạn sẽ thấy được quá trình phát triển liên tục của Cách mạng Việt Nam từ 1939 đến 1945: từ chỗ bảo toàn được lực lượng vừa mới phục hồi (chủ trương của Hội nghị Trung ương 6) đến chuẩn bị lực lượng (chủ trương của Hội nghị Trung ương 8), rồi khởi nghĩa từng phần, chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa (quyết định của Hội nghị Ban thường vụ TW Đảng 12/3/1945) và cuối cùng là tiến lên tổng khởi nghĩa thắng lợi (quyết định của Hội nghị toàn quốc của Đảng).
Thứ hai, trong giai đoạn từ 1946 đến 1954, các bạn cần chú ý đến 4 kế hoạch của thực dân Pháp: Bôlae (1947), Rơ-ve (1949), Đờ-lát-đơ Tát-xi-nhi (1950) và Nava (1953). Nếu nhóm 4 kế hoạch trên và quá trình ta đánh bại từng kế hoạch của địch bằng những sự kiện lịch sử cụ thể, các bạn sẽ thấy được một thực trạng thú vị là các kế hoạch của Pháp đề ra theo kiểu “thua keo này, bày keo khác”, sau một lần thất bại của kế hoạch trước, thực dân Pháp thay tướng và đưa ra một kế hoạch mới, nhưng cuối cùng đều bị quân và dân ta đánh bại, buộc phải kí hiệp định Giơ-ne-vơ rút quân về nước.
Thứ ba, trong giai đoạn 1954 – 1973, ở miền Nam Việt Nam, các bạn cần chú ý đến giai đoạn 1954 – 1960 (trước đây gọi là chiến tranh đơn phương) và 3 chiến lược: chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ và Việt Nam hóa chiến tranh.
Nếu lập bảng tổng hợp tất cả các chiến lược trên với các nội dung: “Âm mưu, thủ đoạn”, “quá trình triển khai” và “quá trình nhân dân ta đánh bại các chiến lược của Mĩ”, các bạn sẽ thấy được một đặc điểm thú vị là sau mỗi lần thất bại, Mĩ lại can dự sâu hơn vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam: từ chỗ chỉ viện trợ kinh tế, quân sự cho chính quyền Sài Gòn (1954 – 1960), tiến đến đưa cố vấn quân sự vào chỉ huy, phong tỏa miềm Bắc,… (1961 – 1965), đưa quân đội trực tiếp tham chiến, ném bom hậu phương miền Bắc (1965 – 1968) và cuối cùng Mĩ đành phải chấp nhận rút quân đội ra khỏi Việt Nam  bằng cách tăng cường sức mạnh cho quân đội Sài Gòn song song với việc mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương, thương lượng với Liên Xô và Trung Quốc giảm viện trợ, làm cho cách mạng miền Nam suy yếu dần (1969 – 1973). Và đừng quên những thắng của ta trong từng chiến lược qua những sự kiện lịch sử và số liệu cụ thể.
Thứ tư, đối với các chiến dịch: Tây Nguyên, Huế – Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, các bạn bắt đầu từ chủ trương và kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam. Lúc đầu, Đảng ta đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong 2 năm, nhưng sau khi chiến dịch Tây Nguyên diễn ra, Đảng ta đã liên tục điều chỉnh rút ngắn kế hoạch giải phóng miền Nam. Cuối cùng, trong chưa đầy 3 tháng, ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam. Vấn đề còn lại chỉ là nhớ những sự kiện cơ bản của 3 chiến dịch này.
4. Một số lưu ý khác
Thứ nhất, đối với giai đoạn 1930 – 1931 và giai đoạn 1936 – 1939, các bạn chú đến cấu trúc: bối cảnh, chủ trương của Đảng, diễn biến, ý nghĩa và kết quả.
Thứ hai, đối với bài Việt Nam trong năm đầu tiên sau khi giành được độc lập (1946), các bạn cần lập một sơ đồ có cấu trúc gồm 2 vế: thứ nhất là tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong năm 1946 (bối cảnh, những khó khăn về đối nội, đối ngoại), thứ hai là quá trình giải quyết những khó khăn về đối nội và đối ngoại tương ứng.
Thứ ba, trong những năm gần đây, nhiều đề thi thường hỏi về mối quan hệ giữa lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam (chủ yếu rơi vào giai đoạn từ 1919 đến 1945). Chính vì vậy, các bạn cần chú ý đến mối liên hệ giữa lịch sử Việt Nam với các kiến thức lịch sử thế giới có liên quan trong sách giáo khoa.
Thứ tư, đối với phần lịch sử thế giới và các nội dung còn lại chưa được đề cập ở trên, có lẽ các bạn phải tự tìm cho mình một phương pháp học thích hợp.
Không thể có một phương pháp học tập phù hợp cho tất cả mọi đối tượng học sinh, hy vọng rằng những kinh nghiệm nhỏ trên đây sẽ giúp ích ít nhiều cho các bạn học sinh trong kì thi sắp tới. Chúc các bạn đạt kết quả cao nhất trong kì thi tốt nghiệp và kì thi tuyển sinh năm 2012.
TS. Phạm Phúc Vĩnh

(Giảng viên Trường Đại học Sài Gòn)

Theo GDTD

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)