Tôi đang theo học một lớp cao học tại TP.HCM, đồng thời cũng nắm bắt cách học của một số bạn bè và qua đó ghi nhận cách thể hiện bài giảng của các giảng viên như sau:
Cách 1, giảng viên phân bố đều thời lượng của các bài, rồi lần lượt giảng các bài, học viên chép được tới đâu thì chép, trong quá trình đó có kết hợp diễn giải những nội dung có liên quan, hạn chế trao đổi, thảo luận. Cách 2, giảng viên giảng kỹ những bài đầu, kết hợp thảo luận, còn những bài sau vì không còn thời gian nên chỉ đi lướt và yêu cầu học viên tự tìm hiểu. Cách 3, giảng viên giới thiệu nội dung bài học trong giáo trình hoặc tài liệu để học viên tìm đọc, nghiên cứu, trên lớp chỉ làm rõ những vấn đề liên quan, đồng thời kết hợp thảo luận. Cách 4, giảng viên lần lượt nêu những điểm chính của bài giảng, trong quá trình đó đặt các câu hỏi có liên quan đến bài giảng cho học viên trả lời. Cách 5, giảng viên cung cấp trước một bản tóm tắt những điểm cơ bản của bài giảng, vào học bài nào thì chia lớp thành các nhóm để thảo luận, cuối buổi giảng viên chốt lại các vấn đề chính, định hướng cho những ý kiến chưa phù hợp và giải đáp những thắc mắc của học viên đặt ra.
Mặc dù ở lớp cao học nhưng vẫn có giảng viên giảng bài theo cách 1, hoặc do chưa có giáo trình hoặc giảng viên ít đầu tư cho bài giảng. Đó là không kể có một vài trường hợp cá biệt, giảng viên gần như “khoán trắng” bài học cho học viên tự tìm hiểu mà không có sự định hướng, gợi mở nào, trong thời gian lên lớp, giảng viên nói về bài chỉ lớt phớt, còn lại nói chuyện về bản thân hoặc chuyện phiếm. Mà bản thân học viên đôi khi cũng muốn vậy cho… thoải mái, nên xong chương trình gần như không để lại nhiều kiến thức, cũng không học được nhiều về phương pháp nên suốt môn học chỉ bảo đảm vấn đề điểm danh và… qua môn!
Trong 5 cách giảng đó, có lẽ cách 1 là còn “dấu vết” của lối giảng bài của bậc trung học với kiểu đọc – chép truyền thống, cách 2 thể hiện sự thiếu khoa học trong bố trí thời lượng bài giảng, từ đó vô tình tạo ra sự ngộ nhận của học viên về “trọng tâm” của môn học, 3 cách còn lại đều phát huy tính chủ động, sáng tạo của học viên với các mức độ khác nhau. Qua quá trình học, tôi nhận thấy rằng, với cách giảng nào mà học viên càng có sự chủ động đối với buổi học thì học viên càng vất vả nhưng không khí học tập càng sinh động và kết quả buổi học càng có chất lượng. Vất vả vì hầu như không học viên nào được thụ động với bài học, nếu không chuẩn bị trước thì trong giờ học cũng phải động não để trả lời các câu hỏi của giảng viên hoặc của các nhóm khác, hay ít nhất cũng có thông tin để tham gia thảo luận với lớp. Sinh động vì trong lớp có sự trao đổi thông tin nhiều chiều, giữa giảng viên với học viên (và ngược lại), giữa các học viên với nhau; vì vậy không học viên nào có thể thụ động trong khi các bạn mình liên tục phát biểu, tranh luận. Có chất lượng vì học viên không chỉ tiếp thu bài học ngay trên lớp mà còn có điều kiện tiếp cận với nhiều thông tin và nhiều kiến thức bổ trợ do quá trình tự tìm hiểu, do sự cung cấp của các bạn và sự định hướng của giảng viên. Đặc biệt, quá trình đó có thể minh định, xác tín với một số vấn đề, một số nội dung hoặc kiến thức có sẵn trên mạng nhưng giờ đây có thể nhận rõ là chưa phù hợp, chưa chính xác, hoặc cần nhìn ở các góc độ khác nhau.
Có thể thấy, với cách giảng nào mà học viên có được sự chủ động trong việc tiếp thu bài học thì bản thân giảng viên phải làm chủ được bài giảng. Đó là giảng viên phải chuẩn bị được một cái “sườn” cho buổi giảng (nếu không được bản tóm tắt nội dung hoặc các slide để chiếu bằng PowerPoint thì cũng phải giáo án cụ thể). Đó là giảng viên phải có kiến thức vững vàng để dẫn dắt buổi học, để đủ uốn nắn những nhận xét sai lầm, để giải đáp những câu hỏi của học viên, thậm chí đủ sức tranh luận với học viên. Đó là giảng viên phải chủ động tổ chức bài giảng và tổ chức hình thức học của lớp, tùy theo bài học, tùy theo không khí học tập… Nói cách khác, giảng viên phải có sự đầu tư cho môn học, cho bài giảng một cách chu đáo. Đồng thời, giảng viên cũng phải hiểu được học viên của mình, như về độ tuổi, kinh nghiệm, lĩnh vực công tác thực tế, năng lực cá nhân và những điều kiện khác để có phương pháp truyền đạt, quản lý lớp phù hợp hiệu quả. Chẳng hạn, với một lớp có nhiều học viên lớn tuổi hơn giảng viên mà giảng viên ứng xử như với sinh viên chính quy thì e là không hay lắm.
Từ thực tế bản thân, tôi thấy rằng nếu học viên được tham gia như là một thành viên chủ động và có trách nhiệm trong buổi học thì kiến thức tiếp thu được vừa sâu, vừa rộng, vừa lâu bền hơn sau khi học xong môn học. Bên cạnh đó, với cách kiểm tra bằng cách tạo điều kiện (mà cũng áp lực) để học viên có được “sản phẩm” sau khi học hết môn (bằng việc xây dựng các mô hình theo ý tưởng cá nhân hay thực hiện các tiểu luận – thực chất là các công trình khoa học ở mức độ chưa phức tạp) thì kiến thức về môn học đó được củng cố hơn.
Hay một vấn đề khác cũng rất cần chú ý trong quá trình dạy và học ở bậc cao học. Đó là việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phục vụ các hoạt động liên quan. Thời gian gần đây, việc sử dụng các ứng dụng AI trở nên rất phổ biến, với ChatGPT, Google Gemini, Amazon Alexa, ELSA Speak, Poe…, giúp gợi ý các vấn đề chính, cung cấp dàn bài (sườn) cho một số chủ đề trong quá trình soạn bài giảng, thực hiện bài tập hoặc các tiểu luận. Tuy nhiên, đôi lúc, tôi thấy có sự lạm dụng đáng kể. Đó là việc nào dù đơn giản cũng sử dụng AI mà không biên tập, bổ sung, chỉnh sửa nên ngôn ngữ thể hiện rất… máy, làm người tiếp nhận cảm thấy người thực hiện không chủ động, không có đầu tư. Đó là lệ thuộc vào kiến thức, dữ liệu của AI, dẫn đến một số nội dung không phù hợp, thậm chí sai lệch, kể cả sai về mặt quan điểm, nhận thức, nhưng không được điều chỉnh, nếu không được phát hiện và “nói lại” thì rất nguy hiểm. Đó là đánh mất khả năng suy nghĩ, phối hợp của các học viên do mọi thứ đều lấy từ AI hoặc trên mạng, nhưng chính giảng viên cũng không uốn nắn và lưu ý…
Hay một vấn đề khác cũng đáng nói là trong quá trình học, giảng viên không chú trọng truyền đạt hoặc gợi ý về mặt phương pháp cho học viên; bản thân học viên cũng không quan tâm nhiều đến việc cải thiện năng lực thực hiện các yêu cầu ở góc độ phương pháp mà quan tâm nhiều đến kiến thức, thông tin cụ thể. Đây là cách học có lẽ không phù hợp ở bậc cao học và điều đó không nâng cao người học một cách thực sự.
Với các cách học ở lớp cao học như vừa kể, tôi thấy rằng có mặt tích cực lẫn mặt chưa tích cực. Với mặt tích cực, thiết nghĩ nên mở rộng để áp dụng cho giáo dục phổ thông và đại học, với yêu cầu và mức độ khác nhau. Với mặt hạn chế, cần phải sớm khắc phục, nếu không, chương trình cao học có thể chỉ đáng xem là chương trình cấp… V, sau cấp IV là bậc đại học!
Trịnh Minh Giang
Bình luận (0)