Sự kiện giáo dụcTin tức

Một số mặt hàng giá bắt đầu tăng

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 8-7, Sở Công thương TP.HCM đã có báo cáo nhanh về tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn TP. Trong đó, tình hình giá cả các mặt hàng thiết yếu tại chợ truyền thống có xu hướng tăng. Mặt hàng thịt heo tăng khoảng 10% – 20% so với ngày 7-7, cụ thể: thịt heo đùi 160.000 đồng/kg (tăng 20.000 đồng), thịt heo vai 150.000 đồng/kg (tăng 20.000 đồng), chân giò 140.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng), thịt ba rọi 210.000 đồng/kg (tăng 30.000 đồng).


Giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm có xu hướng tăng do số lượng chợ tạm dừng hoạt động tăng cao

Mặt hàng thịt gia cầm cũng tăng, trong đó thịt vịt giá bán lẻ dao động 90.000 – 91.000 đồng/kg (tăng 3.000 đồng), thịt gà công nghiệp, gà thả vườn, gà ta dao động 52.000 đồng/kg (giá bình ổn 40.000 đồng), thịt gà ta 94.000 đồng/kg (giá bình ổn 84.000 đồng), thịt gà thả vườn 63.000 đồng/kg (giá bình ổn 59.000 đồng).

Mặt hàng rau củ quả cũng tăng khoảng 2% – 5% so với ngày 7-7, cụ thể: dưa leo 14.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng), bầu 14.000 đồng/kg (tăng 2.000 đồng), bí đao 15.000 đồng/kg (tăng 2.000 đồng), cà rốt Đà Lạt 17.000 đồng/kg (tăng 3.000 đồng), khổ qua 18.000 đồng/kg (tăng 3.000 đồng).

Riêng mặt hàng gạo trứng gia cầm có giá ổn định. Giá gạo thường duy trì ở mức 14.000 – 15.000 đồng/kg, gạo jasmine 17.000 – 19.000 đồng/kg. Tương tự trứng vịt loại 1 dao động 32.000 – 35.000 đồng/chục, trứng gà loại 1 từ 27.000 – 30.000 đồng/chục.

Theo Sở Công thương, nguyên nhân khiến một số hàng hóa tăng giá do có thông tin chính thức TP sẽ thực hiện áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 nên người dân đổ xô mua sắm để dự trữ hàng hóa. Cùng với đó, nhiều chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động do có liên quan đến tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, một số thương nhân đã áp dụng các hình thức bán hàng trực tuyến tại nhà như thương nhân chợ Phùng Hưng, chợ Minh Phụng… Qua ghi nhận, tình hình mãi lực tại hệ thống chợ ngày 8-7 tăng khoảng 30% so với ngày 7-7. Tương tự, mãi lực tại hệ thống siêu thị ngày 7-7 tăng 50% so với ngày 6-7 và tăng gấp 2 lần so với ngày thường. Các mặt hàng có mãi lực tăng cao chủ yếu tập trung vào ngành hàng tươi sống như rau củ quả, thịt cá.

Tính đến ngày 8-7, bên cạnh 3 chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức còn có 148/234 chợ truyền thống cũng tạm đóng cửa. Bên cạnh đó, có 6/106 siêu thị, 85/2.616 cửa hàng tiện lợi cũng tạm đóng cửa. Khảo sát hàng hóa về các kho bãi, các điểm tập kết hàng hóa xung quanh 3 chợ đầu mối khoảng 900 tấn/ngày đêm. Lượng hàng các thương lái lớn bán hàng qua kênh điện thoại, Zalo, giao hàng trực tiếp không về điểm tập kết ước khoảng 1.200 tấn/ ngày đêm. Ngày 8-7, tổng lượng hàng đạt 2.100 tấn/ngày đêm giảm hơn 34% so với ngày 7-7 (3.188,9 tấn). Trong đó nhóm mặt hàng thịt gia súc đạt 300 tấn/ngày đêm; nhóm mặt hàng thủy hải sản đạt khoảng 50 tấn/ngày đêm; nhóm mặt hàng rau củ quả, trái cây đạt khoảng 1.750 tấn/ngày đêm. Số lượng heo tiêu thụ trung bình khoảng 4.000 con/đêm (khoảng 75 kg/con).

Trước tình hình khó khăn trong công tác vận chuyển hàng hóa và việc người dân đổ xô mua sắm các mặt hàng nhu yếu phẩm để dự trữ, Sở Công Thương đã chủ động trao đổi làm việc với các hệ thống phân phối chủ lực trên địa bàn để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong trường hợp TP áp dụng Chỉ thị 16. Theo đó, một số đơn vị Saigon Co.op, Satra, Aeon Mall, Bách Hóa Xanh, Lotte… cho rằng hiện nay việc yêu cầu kết quả âm tính của tài xế xe chở hàng vào TP gây tăng chi phí bán hàng cho doanh nghiệp, dẫn đến tăng giá bán sản phẩm. Tình trạng bị động trong công tác điều phối xe tải chở hàng do khâu kiểm soát giấy chứng nhận âm tính theo cách thức thủ công gây ùn ứ hàng hóa, không đảm bảo 5K. Công tác xét nghiệm chưa có sự điều phối, hiệp đồng thống nhất giữa TP.HCM và các tỉnh, thành nên thời gian lấy giấy chứng nhận tại các điểm xét nghiệm chậm trễ.

Trên cơ sở này, Sở Công thương kiến nghị TP có hướng dẫn rõ ràng là hàng hóa của địa phương nào thì có hướng dẫn, phân bổ địa điểm xét nghiệm cụ thể trên địa bàn của từng tỉnh, thành đó. Cụ thể, nên tổ chức xét nghiệm tại các trạm kiểm soát để chủ động xử lý các trường hợp phát sinh đột xuất. Đồng thời, thống nhất chỉ cần yêu cầu xét nghiệm nhanh thời gian hiệu lực 3 ngày và có hiệu lực lưu hành 3 ngày.

N.Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)