Hội nhậpGiáo dục phát triển

Một số tồn tại trong thực hiện kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ GV giai đoạn 2008-2012

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT vừa có một số đề nghị tới Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện Đề án kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008- 2012. Theo Bộ GD-ĐT, qua kiểm tra kết quả một năm thực hiện Đề án này ở một số tỉnh Lào Cai, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Bình Thuận, Đắk Lắk, Tây Ninh, Trà Vinh, Đồng Tháp, Cà Mau, cho thấy việc triển khai thực hiện Đề án của một số tỉnh, thành phố chưa đúng với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Để khắc phục các hạn chế và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án, Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý với các địa phương một số điểm cụ thể như: Ban Chỉ đạo Đề án của các địa phương (tỉnh, huyện) cần nghiên cứu, quán triệt đúng và đầy đủ nội dung Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg ngày 01-02-2008 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo để vận dụng trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Đề án.

Đề án trên được phê duyệt theo mục tiêu và danh mục cụ thể đã ghi trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đề án trên không đầu tư xây dựng thêm các phòng học để đáp ứng quy mô phát triển của các trường; Đối với nhà công vụ cho giáo viên, chỉ đầu tư xây dựng ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn (thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, các huyện miền núi ở các tỉnh miền Trung, các tỉnh Tây Nguyên), các xã có nhiều đồng bào dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long và một số địa phương khác.

Theo Bộ GD-ĐT, địa phương phải thực hiện theo đúng danh mục đã báo cáo với Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo cuối năm 2007, đảm bảo đúng mục tiêu và đối tượng của Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc điều chỉnh danh mục đầu tư xây dựng chỉ thực hiện đối với các dự án có sự lồng ghép với các chương trình, dự án khác, do điều chỉnh về quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn, do điều chỉnh về địa giới hành chính (tỉnh, huyện, xã) nhưng phải đảm bảo đúng mục tiêu và đối tượng của Đề án.

Về phân bổ vốn và giải ngân nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố cần xem xét, đảm bảo phân bổ vốn đúng mục tiêu, đối tượng, không được sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ để xây dựng các hạng mục khác ngoài mục tiêu của Đề án; chỉ đạo các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu, đơn vị tư vấn, cơ quan quản lý cấp phát vốn, kịp thời làm các thủ tục nghiệm thu, tạm ứng, thanh toán vốn và giải ngân nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ, không để đọng vốn ở Kho bạc Nhà nước.

Về việc vận dụng thiết kế mẫu và đơn giá xây dựng, các địa phương áp dụng các mẫu thiết kế trường học, phòng học đã ban hành thực hiện trong giai đoạn 1 và mẫu nhà công vụ giáo viên do Bộ Xây dựng mới ban hành; Đồng thời vận dụng các tài liệu về tiêu chuẩn, quy phạm xây dựng nhà ở và hướng dẫn áp dụng thiết kế mẫu phục vụ Đề án của Bộ Xây dựng, để chủ động trong việc vận dụng và điều chỉnh thiết kế đáp ứng các yêu cầu của Đề án và phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương. Trong khi lập dự án và thiết kế, các địa phương cần quán triệt yêu cầu như: Các công trình trường học, nhà công vụ giáo viên phải được xây dựng kiên cố, bền vững và theo đơn giá xây dựng hiện hành của địa phương; các cấp có thẩm quyền phê duyệt cần phê duyệt từng dự án, làm căn cứ để huy động vốn và bố trí vốn đầu tư, lựa chọn nhà thầu; không được tính giá xây dựng phòng học theo suất đầu tư và giảm cấp công trình.

Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các địa phương cần báo cáo nghiêm túc, kịp thời và chính xác số liệu và tình hình thực hiện Đề án theo quy định. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, Ban, ngành liên quan và các thành phố trực thuộc tỉnh, các huyện báo cáo tiến độ thực hiện Đề án và giao Sở GD-ĐT tổng hợp báo cáo Bộ GD-ĐT theo định kỳ.

Theo GD&TĐ

Bình luận (0)