Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Một sự tôn trọng cần thiết của người thầy

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư có kể lại một kỷ niệm khá thú vị thời đi học của ông trong tự truyện Đi qua trăm năm (Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM năm 2024):

“Một hôm có anh bạn cùng lớp tên là Ky được thầy giáo gọi lên đứng trước thầy để trả bài về môn Vạn vật học (Lecon de choses, Sinh vật học), đầu bài là con dơi. Anh ấy đọc rất thông, chứng tỏ thuộc bài, nhưng thay vì đọc con “dơi” thì anh ấy lại đọc con “rươi”, làm cả thầy giáo và lớp học ngạc nhiên, tưởng anh ấy chép bài sai. Thầy giáo nhắc lại cho anh là con dơi, nhưng anh vẫn ngập ngừng không đọc được con dơi mà vẫn đọc con rươi, làm cả lớp cười rộ lên. Thầy giáo hỏi tại sao, anh cho biết vì tên ông nội là Dơi, nên con cháu phải kiêng, không được nói đúng tên ấy. Cả lớp mới vỡ lẽ. Thầy giáo cũng tôn trọng phong tục riêng của học trò cho đọc con rươi nhưng dặn khi viết phải viết con dơi, nhất là khi đi thi, nếu viết con rươi giám khảo sẽ cho là lạc đề, sẽ bị đánh hỏng…” (trang 125).


Theo tác gi, khi gi ngưi thy là “k sư tâm hn”, chúng ta có th hiu theo nhiu cách (nh minh ha). Ảnh: Y.H

Theo lối thường, “tên cữ chữ đọc”, có nghĩa là chỉ kiêng tên ai đó, nhưng nếu tên trùng với chữ nào đó thì vẫn cứ đọc bình thường, bởi khó có thể dùng từ khác để thay thế. Dẫu vậy, tôi cũng không ít lần biết có người kiêng và tránh tên người thân của mình; chẳng hạn, có một gia đình người quen ít khi gọi đến từ “chót” mà thay bằng “cuối” vì cha của họ tên Chót; hoặc có gia đình người khác hay gọi bằng từ “cộ” thay cho “xe” vì cha của họ tên là Xe (khi đánh cờ tướng thì hay gọi là “xa”). Đó là chuyện của cuối thế kỷ XX, huống hồ gì ở những thập niên đầu thế kỷ này, lại ở một vùng nông thôn miền Bắc Trung bộ vốn còn lưu giữ những tập tục truyền thống xưa cũ. Do đó, việc một học sinh kiêng tên ông nội mình và tự chọn một từ khác có phát âm gần gần với từ đúng cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, ứng xử của người thầy mới linh hoạt và tế nhị làm sao! Trong điều kiện đó, thầy giáo hoàn toàn có quyền yêu cầu học trò đọc đúng, phát âm đúng từ cần đọc, vì gọi chệch đi vì bất kỳ lý do gì cũng làm nghĩa thay đổi: con rươi hoàn toàn khác con dơi. Trong lớp học, người thầy có quyền làm như vậy; hơn nữa, đây là giờ học thì phải tuân theo nội dung học, chứ không thể vì kiêng cữ mà gọi từ cần học khác đi được. Giả sử, một học sinh gọi là “rươi” vì người thân của mình tên Dơi, nhưng trong lớp đó lại có một học sinh khác cũng có người thân mang tên đó và gọi tránh thành con “rơi” thì khác nào lại có 2 con vật khác nhau và chẳng liên quan gì đến con vật đúng của bài học! Nên việc tôn trọng phong tục riêng của thầy giáo đối với sự kiêng cữ của trò là rất đáng quý, thể hiện tinh thần thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ và cũng rất yêu quý học trò. Nói theo ngôn ngữ hiện nay, đó là một người thầy rất dân chủ vì không áp đặt, không dùng khuôn phép để triệt tiêu những yếu tố riêng biệt của người học.

Sự tôn trọng ấy làm tôi nhớ đến một chuyện đã từng đọc ở đâu đó rằng người thầy giáo tuy biết cha của một học trò mình đang ở tù do ngộ sát nhưng luôn bảo vệ cậu bằng cách khẳng định lời của cậu nói về cha mình rằng ông ấy đang đi làm ăn ở nơi xa… Người thầy giữ bí mật ấy một cách rất tự nhiên vì không muốn làm tổn thương đứa trẻ và chắc còn vì yêu thương đứa trẻ ấy vốn đã thiệt thòi do thiếu tình thương của cha, sẽ đau khổ lắm khi biết cha mình là một người phạm tội. Hay một chuyện khác về một người thầy tìm lại đồ bị đánh cắp trong lớp nhưng nhất định giữ kín thân phận của kẻ cắp, vốn cũng là một học trò của mình… Nhiều năm sau, đứa trẻ ấy bây giờ đã trưởng thành và là một người thành đạt đã rơi lệ cảm ơn người thầy không bắt tội mình – mà nếu bắt tội chắc cuộc đời cậu ấy sẽ hoàn toàn khác; còn người thầy cũng có một ứng xử rất tuyệt vời là nói rõ thực ra ông cũng không biết kẻ cắp là ai vì lúc ấy ông cũng nhắm mắt như các trò… Những câu chuyện ấy thể hiện tinh thần cao thượng, nhân bản của những người thầy. Trong chừng mực nào đó, người thầy đã vượt trên nhiều người khác một bậc, không chỉ ở vị trí của một người thầy dạy chữ bình thường mà còn là một kỹ sư tâm hồn thực sự. Những người thầy đã thực sự tôn trọng, có trách nhiệm với số phận học trò của mình vì nếu bản thân người thầy có sự bất cẩn, sơ suất nào đó thì có thể ảnh hưởng rất lớn đến học trò của mình, có khi hậu quả không thể nào cứu vãn được. Như người thầy vô tình “bật mí” về thân phận người cha tù tội thì em học trò kia hẳn sẽ đau khổ biết bao và bao nhiêu tình cảm tốt đẹp dành cho cha có thể sẽ thay đổi khi biết rằng ông ấy thực ra là một tên sát nhân.

Cho nên, khi gọi người thầy là “kỹ sư tâm hồn”, chúng ta có thể hiểu theo nhiều cách. Cách thông thường là đề cao vai trò hoàn thiện, có khi là sửa chữa các khiếm khuyết, dị tật trong tâm hồn của người học. Từ một đứa bé non nớt về nhận thức, ứng xử, chưa hoàn thiện nhân cách, hoặc có một khuyết tật nào đó trong tâm hồn, người thầy bằng kiến thức, tình thương, trách nhiệm và trải nghiệm của mình sẽ đào luyện, uốn nắn, bồi đắp, điều chỉnh để đứa học trò ấy trở nên hoàn thiện mình, tích cực hơn, đúng đắn hơn. Một cách hiểu khác là khẳng định chính người thầy đã là những hình mẫu để người học và nhiều người khác học theo, làm theo. Bởi suy cho cùng, liệu có người thầy nào chỉ có rao giảng, dạy dỗ người khác theo lý thuyết, theo sách vở mà bản thân mình không là một hình mẫu nào đó? Tức là trước khi yêu cầu trò phải làm điều này, phải là thế kia, phải trở nên thế nọ thì bản thân người thầy cũng ít nhiều phải thể hiện được những điều đó. Tức là người thầy cũng chính là người đã sửa chữa các hạn chế, thậm chí khuyết tật, của mình, trước khi sửa cho người khác!

Trong số nhiều yêu cầu để người thầy có thể thể hiện được những điều đó có một đòi hỏi hết sức quan trọng là phải luôn tôn trọng người học. Sự tôn trọng gắn với yêu thương, bình đẳng, dân chủ, trách nhiệm…, đều là những đòi hỏi lớn lao mà không phải người thầy nào cũng thực hiện được. Chẳng hạn, có khi người thầy hay dùng vị thế và quyền uy của mình để buộc trẻ sợ, buộc trẻ làm theo răm rắp mà ít quan tâm điều đó có thực sự cần thiết hoặc tốt cho trẻ hay không. Hoặc có khi người thầy không thực sự đối xử bình đẳng với trẻ, vẫn xem học trò của mình ở một vị trí thấp hơn, cả về tuổi tác, chức phận, thành ra áp đặt hoặc ít chịu lắng nghe một cách thấu đáo. Cũng có khi chính vì vậy mà trở nên thiếu dân chủ, chỉ có ý kiến một chiều, không tạo điều kiện để trẻ bày tỏ chính kiến hoặc có để cho nói nhưng không lắng nghe, thậm chí chỉ nghe nhưng không điều chỉnh. Tất cả những điều đó rõ ràng là không tôn trọng người học, điều không phù hợp với quan điểm lấy người học làm trung tâm trong bối cảnh hiện nay.

Do đó, một mẩu chuyện nhỏ về việc kiêng tên gọi cũng cho chúng ta những suy nghĩ không nhỏ về hoạt động giáo dục nói chung, việc giảng dạy của giáo viên nói riêng.

Nguyn Minh Hi

Bình luận (0)