Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Một tấm gương tự học, tự rèn

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà giáo, nhà khoa học Nguyễn Văn Lê(Kỷ niệm 1 năm ngày mất của nhà giáo, nhà khoa học Nguyễn Văn Lê: 2-8-2007 – 2-8-2008)

Tôi quen biết và công tác cùng anh gần nửa thế kỷ, từ đầu thập kỷ 60, tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chúng tôi tuổi xấp xỉ nhau.

Bức thư viết ngày 21-5-2007, anh cho tôi biết bệnh tình của anh ổn định, và hẹn gặp nhau vào cuối năm để trao đổi một số vấn đề về khoa học sáng tạo. Tôi rất mừng! Nhưng rồi anh đã ra đi đột ngột, để chúng tôi không bao giờ được gặp nhau nữa!

Nhớ nhà giáo Nguyễn Văn Lê không thể không nói đến tinh thần tự học, tự rèn luyện, tự nghiên cứu khoa học bền bỉ và hiệu quả. Thầy góa vợ đã lâu, quyết ở vậy nuôi, dạy con, không đi bước nữa, thường hay nói: “Có gia đình không còn thì giờ để nghiên cứu khoa học, kịp thời phục vụ đất nước”. Thật vậy, thầy say mê nghiên cứu nhiều môn học mới cần cho xã hội, rồi giảng dạy, viết sách. Như năm 1997, viết 7 quyển sách; năm 1998 – 6 quyển, dày 150 – 200 trang/mỗi quyển, năng suất lao động hiếm có ở nhà khoa học tuổi gần 70.

Từ những năm 1960 có Nghị quyết của Đảng “Đưa lao động sản xuất vào nhà trường” – thầy Lê nghiên cứu, phát hiện có khoa học lao động trên thế giới và thầy là người đầu tiên đưa khoa học này vào ngành giáo dục và nhiều ngành nghề khác một cách bài bản bằng cách nghiên cứu sâu sắc lý luận kết hợp với thực tiễn sinh động, biên soạn nhiều quyển sách phục vụ tăng năng suất lao động của các ngành nghề đó. Nhiều nhà khoa học đã tôn vinh thầy Lê là “Nhà khoa học của năng suất lao động”.

Đặc biệt GS quan tâm đến bốn nội dung cốt lõi của lao động các ngành nghề là đạo đức, tâm lý, giao tiếp, tổ chức. Từ đó nhiều sách đã ra đời: “Đạo đức lãnh đạo” (1998); “Đạo đức và y học” (1998); “Tâm lý học về kinh doanh và quản trị” (1993); “Tâm lý học du lịch” (1997); “Tâm lý học khách hàng và văn minh thương nghiệp” (1995); “Sự giao tiếp trong kinh doanh và quản trị” (1994); “Nhập môn khoa học giao tiếp” (1998); “Giao tiếp phi ngôn ngữ” (1996); “Khoa học lao động và việc tổ chức khoa học sản xuất” (1978); “Những kiến thức phổ thông về tổ chức và quản lý tổ chức” (1984)…

Khoa học sáng tạo – (sáng tạo học) đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế văn hóa, giáo dục, đến nay còn nhiều cán bộ lãnh đạo chưa nhận thức đầy đủ, nhưng cách đây 10 năm, GS Nguyễn Văn Lê đã hiểu rõ, nghiên cứu, viết tác phẩm về sáng tạo đầu tiên trong nước “Cơ sở khoa học của sự sáng tạo” (1998) và 6 năm sau cùng với đồng nghiệp viết cuốn “Khơi dậy tiềm năng sáng tạo” (2004) đã được độc giả, ngành giáo dục đánh giá cao, được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT gửi thư khen và đánh giá là “Sách rất có ích cho mọi người, đặc biệt cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục” (2004) đang chuẩn bị in lần thứ tư (2007).

Những năm gần đây người ta nói nhiều đến dạy học phải coi học sinh, sinh viên là trung tâm. Nhưng cách đây hơn 20 năm, TS Nguyễn Văn Lê đã nghĩ đúng: người dạy học “Phải coi học sinh, sinh viên là ngọn đuốc cần phải thắp sáng, chứ không phải coi họ như cái hũ cần rót đầy kiến thức”. GS hướng dẫn sinh viên tự học, tự nghiên cứu khoa học, thường xuyên học trong tổ, trong nhóm, đi thực tế nghiên cứu khoa học ở các cơ sở sản xuất – văn hóa. Học như thế, kiến thức được mở rộng, nhớ lâu, trí sáng tạo được phát huy. Sinh viên rất thích thú học với thầy Lê. Người người đã viết thư, làm thơ ca ngợi cách dạy hiện đại của thầy.

GS còn là ân nhân của nhiều người trong dòng họ gặp khó khăn về kinh tế, về tâm lý, đến nhiều bạn bè đồng nghiệp, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm viết sách, viết báo, nghiên cứu khoa học.

Chu An

Nguyễn Văn Lê sinh năm 1928 tại xã Tân Hương, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông giảng dạy ở trường cao đẳng rồi đại học. Năm 1960 – 1964 ông nghiên cứu viết luận án về đề tài “Hợp lý hóa các thao tác lao động sản xuất” tại Liên Xô. Về nước ông giảng dạy và tiếp tục nghiên cứu hoàn thành và bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ). Với những thành tích xuất sắc hướng dẫn áp dụng khoa học lao động làm tăng năng suất ở nhiều ngành nghề, TS. Nguyễn Văn Lê được phong tặng học hàm phó giáo sư – 1984.

PGS Nguyễn Văn Lê nghiên cứu sâu khoa học lao động trong 3 lĩnh vực giáo dục – văn hóa – kinh tế – dịch vụ nhằm góp phần tăng năng suất của nhiều nghề trong 3 lĩnh vực đó, giảng dạy nhiều bộ môn ở nhiều trường đại học, đã viết 40 tác phẩm và hàng trăm bài báo, còn mang giá trị bổ ích hấp dẫn cho tới ngày nay.

Quyển sách và bài báo cuối cùng của GS “Văn hóa đạo đức trong giao tiếp ứng xử xã hội”. NXB Văn hóa Thông tin – 2005. “Đối với nhân dân, công an phải kính trọng lễ phép như thế nào” – An Ninh Thế Giới – 9-5-2007.

Bình luận (0)