Nghệ nhân Nguyễn Thận đang tạo hình một tác phẩm |
Trong cuộc đời sáng tác nghệ thuật, nghệ nhân Nguyễn Thận tâm đắc nhất là tác phẩm Sống mãi với lòng dân. Đây là tác phẩm được ông thực hiện công phu trên thân và gốc rễ cây vú sữa hàng trăm năm tuổi. Ông đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để sáng tạo nên tác phẩm nghệ thuật này với mong muốn thể hiện tình cảm của nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Quảng Ngãi nói riêng đối với Bác Hồ.
1. Tôi gặp ông như đã hẹn. Chén trà nóng làm ông hào hứng hơn khi tôi gợi lại quá trình và những kỉ niệm ngày ông tạo nên tác phẩm điêu khắc về Bác Hồ cách nay hơn 8 năm. Không học trường lớp điêu khắc hay hội họa nào, nhưng ông Nguyễn Thận vẫn cho ra đời những tác phẩm độc nhất vô nhị. Tất cả các tác phẩm đó đều được thực hiện trên gốc và thân cây. Là người am hiểu về kinh dịch có tiếng ở Quảng Ngãi, nên những đường nét nguyên bản của gốc cây được ông chạm, khắc cách điệu và lý giải theo nhiều góc cạnh khác nhau nhưng lại rất thuận theo quy luật âm dương, trời đất, hợp với kinh dịch.
Tác phẩm đầu tay của ông nói về hậu quả chất độc da cam mà người Mỹ đã gây ra cho nhân dân Việt Nam. Đó là tác phẩm Cõi thức. Cái tên Cõi thức là nhằm thức tỉnh lương tri của nhân loại về chất độc da cam/dioxin, đặc biệt là người Mỹ đã gây ra cho người dân Việt Nam trong chiến tranh. Chỉ vào những khuôn mặt người đàn ông với hình thù quái dị, biến dạng trên tác phẩm, ông kể: “Tôi hoàn thành tác phẩm này vào năm 2004. Đây cũng là năm Tòa án Mỹ đã bác đơn của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam kiện công ty Mỹ đã sử dụng chất độc này trong chiến tranh Việt Nam, gây ra nhiều di chứng cho các thế hệ người Việt Nam sau này”.
Năm 2005, Bộ Chính trị phát động phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhân cách và tư tưởng của Bác đã thôi thúc ông quyết thực hiện một tác phẩm lớn hơn, quy mô hơn và có giá trị nhân văn hơn. Và tác phẩm Sống mãi với lòng dân ra đời. “Bác và tư tưởng của Bác sẽ sống mãi với người dân Việt Nam. Bác luôn ngự trị trong trái tim tôi và triệu triệu trái tim người Việt Nam. Đó là lý do tôi đặt tên cho tác phẩm của mình là Sống mãi với thời gian”, nghệ nhân Nguyễn Thận giải thích.
2. Để có được gốc vú sữa đường kính gần 2m, có 3 nhánh to đúng như ý tưởng ban đầu, ông Thận đã bỏ ra mấy tháng ròng rã, đi hết 14 huyện, thành phố của Quảng Ngãi tìm kiếm. Ông cho biết, tìm được gốc ưng ý rồi, còn phải năn nỉ chủ nhà bán lại. Sau khi biết ông thực hiện tác phẩm về Bác Hồ họ mới đồng ý. Cả năm 2005, ông dành thời gian để thực hiện ý tưởng của mình. Từ bé đến giờ, ông chưa bao giờ cầm đục, chạm để đẽo khắc trên gỗ. Thế nhưng với tình yêu, sự kính phục tài năng, đức độ của Bác ông đã hoàn thành tác phẩm điêu khắc này. Trong vòng một năm, tất cả những ý tưởng xuyên suốt về tư tưởng Hồ Chí Minh được ông thể hiện rõ nét trên từng chi tiết của tác phẩm. Tác phẩm có chiều cao gần 5m, phía trên có 3 nhánh. Trên đỉnh của 3 nhánh là 3 cặp chim bồ câu quấn quýt vào nhau. Bên dưới gốc là 9 nhánh của gốc cây được cách điệu thành dòng Cửu Long Giang. Ở giữa là chân dung của Bác Hồ. Mặc dù không phải là điêu khắc chuyên nghiệp, nhưng ông Thận đã tạc nên bức tượng Bác, với đôi mắt sáng rực đang hướng về phía trước. Bức chân dung của Bác được khắc dính liền vào gốc vú sữa cho người xem một cảm giác vừa trân trọng vừa gần gũi.
Tôi vẫn không thể nào hiểu hết được ngụ ý và những đường nét trên tác phẩm này. Bởi mỗi vị trí trên tác phẩm đều được ông cách điệu bằng những hình ảnh tượng trưng cho một sự vật, sự kiện khác nhau. Tất cả đều hài hòa để tạo nên một nhân cách lớn, bậc vĩ nhân của dân tộc Việt Nam.
3. Dẫn tôi đi quanh tác phẩm, chỉ vào từng chi tiết ông giải thích: “Trải qua hai cuộc kháng chiến, biết bao người con của Việt Nam sinh ra phải chịu đau khổ. Chính vì sự đau khổ đó mà nhân dân ta, quân đội ta đi theo con đường của Bác để giành lại tự do độc lập cho đất nước của mình. Mục đích tôi tìm, tôi thực hiện tác phẩm này bằng cây vú sữa là vì nhớ lại kỉ niệm ngày xưa đồng bào miền Nam kính dâng Bác cây vú sữa để trồng. Để Bác nhớ về đồng bào miền Nam ruột thịt của mình. Xung quanh gốc cây có 9 nhánh, thể hiện cho 9 con rồng. Đó là Cửu Long Giang. Phía bên trái chân dung Bác là hình cách điệu lăng của Bác. Trước lăng có hai hàng tre canh giấc ngủ ngàn đời cho Bác. Giữa lăng có một mầm tre non đang trỗi dậy. Điều đó nói lên, dù Bác đã ra đi, nhưng dân tộc Việt Nam vẫn cùng chí hướng, nối gót theo con đường, theo tư tưởng của Bác. Phía trên có 3 thân cây vươn lên trời cao thể hiện cho 3 miền của đất nước, thống nhất một nhà, được cách điệu trên thân con rồng. Muốn nói rằng Việt Nam là con rồng cháu tiên và Việt Nam sẽ là con rồng châu Á. Chính giữa tượng đài là hình trái tim dân tộc Việt Nam. Dân tộc Việt Nam có hình chân dung của Bác. Tôi muốn khẳng định rằng, tuy Bác ra đi nhưng dân tộc Việt Nam vẫn còn nhớ mãi trong trái tim của mình. Cho nên tôi mới tạc hình ảnh chân dung của Người trong trái tim của người dân Việt Nam. 3 nhánh cây là 3 con rồng, phía trên cùng là 3 đôi chim bồ câu, giao đầu vào nhau thể hiện dân tộc Việt Nam luôn khát khao hòa bình cho mình và cho toàn thể nhân loại. Trên một nhánh có 3 trái vú sữa thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc ta. Và đặc biệt nói lên sự thống nhất của 3 miền Bắc – Trung – Nam. Điều đó thể hiện sự tự do, hạnh phúc mà chúng ta đang hưởng do công ơn của vị Cha già dân tộc mang lại. Cây vú sữa có trái thể hiện tư tưởng đạo đức của Hồ Chí Minh. Tượng đài này cũng chính là phát huy tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh vào năm 2005. Và tôi nghĩ, tư tưởng của Bác vẫn mãi mãi tồn tại”.
4. Không am hiểu nhiều về nghệ thuật điêu khắc, nhưng tôi biết, tình yêu, sự tôn kính của nghệ nhân Nguyễn Thận đối với Bác Hồ và tư tưởng của Người là rất đặc biệt. Đã có nhiều người hỏi mua tác phẩm này với số tiền rất lớn, nhưng ông không bao giờ bán. Ông cho rằng, tác phẩm này là vô giá đối với mình. Ông đang ấp ủ thực hiện một phòng đọc sách ở trong nhà mình, chỉ chuyên về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác và tư tưởng của Người.
Chia tay, ông cũng không quên nói với tôi rằng: “Nói đến tư tưởng của Bác là nói đến sự trường tồn mãi mãi không bao giờ phai mờ trong muôn dân”.
Bài, ảnh: Phước Trung
Bình luận (0)