Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Một thoáng chùa Trầm

Tạp Chí Giáo Dục

Nằm cách Hà Nội khoảng 25 km, danh thắng chùa Trầm là một địa điểm du lịch khá thú vị thuộc xã Phụng Châu (Chương Mỹ – Hà Nội). Không bề thế như chùa Trăm Gian, Chùa Mía, nhưng rất hợp với cái tên của mình. Hằng năm, cứ vào tháng 2 (âm lịch) chùa Trầm mở hội…

Chùa Trầm – khu di tích lịch sử văn hoá cách mạng

Chùa Trầm được xây dựng vào thế kỷ XVI, do một vị tướng quân xuất gia lập nên. Ngôi chùa mang tên ngọn núi mà nó dựa vào “Tử Trầm sơn”. Toàn bộ khu núi trầm này xưa kia từng là nơi đặt hành cung của vua Lê, chúa Trịnh. Nơi đây khung cảnh kì thú, xinh đẹp từng được không ít văn nhân đến thăm và đề thơ. Hiện trong động Long Tiên vẫn còn lưu giữ 15 bài thơ, phú khắc trên vách đá vịnh cảnh núi Trầm.

Không chỉ ghi dấu những vết tích của thời phong kiến xa xưa, đây còn là nơi đầu tiên Đài tiếng nói Việt Nam rời Hà Nội tiếp tục công tác phát thanh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, là nơi Bác Hồ đọc lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946.

 

Nét đẹp trầm mặc của chùa Trầm…
Chùa Trầm nhỏ bé, cổ kính từng lưu giữ không ít kỉ niệm về Bác Hồ. Nơi đây từng 4 lần được vinh dự đón Bác về thăm. Chuyện kể lại rằng: năm 1966, Bác về thăm chùa Trầm, đứng trước cửa chùa, thấy nhân dân gồng gánh lội qua sông đào nhà Bác về thăm chùa Trầm năm 1966. Bác liền hỏi mấy anh cán bộ: “Chú cho Bác hỏi, trước dân đi lối nào?”. Anh cán bộ trả lời: “Thưa bác, trước kia dân đi lối trước cửa chùa”. Bác lại hỏi: “Thế đi dưới nước hay đi trên bộ dễ hơn”. Anh cán bộ trả lời: “Thưa Bác, đi trên bộ dễ”. Bác liền trách: “Vậy tại sao các chú lại để dân gánh gồng lội dưới nước. Các chú làm công tác dân vận thế là chưa tốt”. 
Một tuần sau đó, cán bộ dân quân ở đây đã đắp một con đường dài khoảng 100m qua sông đào, con đưòng mang tên Quyết Thắng. Đó cũng là lần cuối Bác về thăm chùa Trầm … 
Nét đẹp lễ hội chùa Trầm

Quần thể chùa Trầm gồm nhiều thắng cảnh đẹp, đền Mẫu nằm lưng chừng núi; động Long Tiên với 15 bài thơ khắc trên vách đá, với kho tàng 60 pho tượng Phật, trong động có dòng nước ngầm chảy ra đền Mẫu, “tiếng nước chảy không nghe thấy nhưng hay hơn vạn cổ cầm”…Không ít câu thơ ngợi ca danh thắng chùa Trầm:

“Nhờ ai tô điểm nên linh tích
Nức tiếng danh thơm núi Lạc Hồng”

Đến hẹn lại lên, cứ mồng hai tháng hai âm lịch hàng năm, dân quanh vùng và du khách lại về chùa dự lễ hội. Người dân đi lễ để cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, cầu cho cuộc sống an lành. Hội chùa Trầm xưa mang đậm nét văn hoá dân tộc với những trò chơi dân gian: đu tre, rối nước, bàn cờ tướng, leo cột mỡ, đánh vật, chọi Gà… 

Ngày nay, những trò chơi xưa như leo cột mỡ, cờ tướng dù không còn phù hợp và được thay thế bởi bóng chuyền, bóng đá… song nét đẹp văn hoá hội chùa Trầm vẫn không vì thế mà phai nhạt. Điều đặc biệt là vào dịp lễ hội này, nhớ ơn Bác Hồ dân làng lại làm lễ rước ảnh Bác, tượng trưng cho Bác lại về thăm chùa Trầm.
 
Theo Kinh tế Nông thôn

 

Bình luận (0)