Vào những năm 1980, tại gian bán sách nước ngoài của những cửa hàng sách lớn ở Matxcơva có khá nhiều tác phẩm của các nhà văn Việt Nam được dịch ra tiếng Nga, in ấn rất đẹp, bìa cứng, minh họa trang trọng.
Khi đến thăm các nhà Việt Nam học ở thủ đô Nga, tôi từng cầm trên tay những quyển như Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài (Marian Tkachov dịch ra tiếng Nga là Châu chấu Mèn), Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi do Aliosin dịch, Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc do Marian Tkachov chuyển ngữ. Có cả tác phẩm của Nguyễn Minh Châu, Thu Bồn, Nguyễn Đình Thi, Chu Văn, Nguyễn Văn Bổng…
Nhiều dịch giả Nga biết tiếng Việt giỏi không chê vào đâu được, biết những điều mà mình là người Việt cũng không biết. Chẳng hạn, qua nhà Việt Nam học Nikolai Nikulin – người đã cho ra hơn 300 công trình về văn học dân gian, văn học cổ điển và hiện đại Việt Nam, chúng tôi mới biết Lục Vân Tiên là tác phẩm văn học Việt Nam đầu tiên được dịch ra tiếng nước ngoài…
Thời đó, Liên Xô có một chương trình quốc gia thành lập tủ sách Hợp tuyển văn học Việt Nam đồ sộ gồm 15 tập. Hội Nhà văn Liên Xô có hẳn một Ủy ban văn học Việt Nam chuyên phụ trách công việc nghiên cứu, dịch và giới thiệu văn học của ta. Tác phẩm của các nhà văn Việt Nam dịch ra tiếng Nga được xuất bản với số phát hành lớn đến mức khó tin. Chẳng hạn, Dế mèn phiêu lưu ký in năm 1959 với số lượng 165.000 bản, Tuyển tập Nguyễn Tuân tập 1 in năm 1977 với 50.000 bản… Liên Xô là nước đã dịch nhiều sách Việt Nam nhất.
Đó là thời Liên Xô. Hiện nay, ở các cửa hàng sách tại Matxcơva không thể tìm ra một quyển sách văn học Việt Nam nào bằng tiếng Nga. Sau khi Liên Xô sụp đổ, hầu như văn học Việt Nam không còn được dịch sang tiếng Nga.
Các dịch giả biết tiếng Việt thế hệ trước người đã mất, người quá già yếu, còn các nhà Việt Nam học trẻ không mặn mà với việc tra cứu từ điển, không ai đeo đuổi nghề dịch văn học với giá nhuận bút rẻ mạt, không đủ sống ở một thành phố đắt đỏ nhất thế giới.
Cộng đồng người Việt Nam ở Nga rất đông, nhiều người cần dịch hộ chiếu, điều lệ công ty, văn bản pháp luật, quảng cáo… với giá 20 USD cho một trang, nhiều khi chỉ cần điền theo bảng mẫu có sẵn. Dịch một trang sách văn học 1.800 chữ được trả công ít hơn thế mười lần!
Hằng năm, khi đi xem Hội chợ sách quốc tế Matxcơva, giữa mênh mông sách nước ngoài dịch ra tiếng Nga chúng tôi thường tự hỏi: làm sao để sách Việt lại được giới thiệu ở Nga như ngày xưa? Thời ngày xưa, nước bạn từng lập hẳn một chương trình nhà nước dịch văn học Việt Nam. Còn giờ đây, ta phải tự giới thiệu, tự quảng bá cho ta như thế nào?
Theo nhà Việt Nam học Anatoly Sokolov, những tác phẩm văn học Việt Nam dịch sang tiếng Nga bắt đầu được xuất bản ở Liên Xô vào cuối những năm 1950 đầu những năm 1960. Cuốn sách đầu tiên được dịch sang tiếng Nga vào năm 1955 là tập thơ của các nhà thơ Việt Nam hiện đại. Sau đó là tập truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan do cố giáo sư Nikolai Nikulin dịch (1956), tiểu thuyết Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, Marian Tkachov dịch (1961)… Chính nhờ được xuất bản bằng tiếng Nga mà các tác phẩm văn học Việt Nam đã được dịch và truyền bá rộng rãi bằng ngôn ngữ các nước thuộc phe xã hội chủ nghĩa. Theo số liệu của cơ quan in ấn toàn Liên Xô, chỉ tính đến ngày 1-1-1973 đã có tới 121 cuốn sách Việt Nam xuất bản bằng 19 thứ tiếng với số phát hành gần 4 triệu bản. |
NGUYỄN THỊ KIM HIỀN (Theo TTO)
Bình luận (0)