Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Một thời dấu yêu 7: Thầy trò nổi tiếng cùng vào bếp

Tạp Chí Giáo Dục

Một trong những hoạt động nổi bật của chương trình Một thời dấu yêu 7/2009 do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức với sự tài trợ của Công ty Acecook Việt Nam diễn ra tại Sân khấu Lan Anh ngày 20-11 chính là Ngày hội Thầy trò nổi tiếng cùng vào bếp. Đây sẽ là cơ hội cho các thầy cô giáo gặp lại học trò cũ của mình hiện là ca sĩ – diễn viên đã thành đạt. Hãy cùng nghe những “học trò nổi tiếng” tâm sự về người thầy sẽ cùng mình thi thố trong ngày hội này. 

Cô giáo Lưu Thị Bạch Lan – ca sĩ Ưng Hoàng Phúc
Hồi cấp 2, Phúc ngán nhất là môn Anh văn vì nói thật, cách phát âm của Phúc không chuẩn lắm. Lên cấp 3, được học môn Anh văn với cô Lan. Cô đã giúp Phúc khắc phục điểm yếu này bằng cách… nghe những bài hát tiếng Anh rồi bắt chước phát âm theo. Khi tổng kết hay phát thưởng, Phúc đều xung phong lên hát một ca khúc tiếng Anh. Nhờ siêng tập luyện bằng cách… hát nên Phúc đã bớt sợ Anh văn, cộng thêm việc trau dồi từ vựng và ngữ pháp nên điểm trung bình môn tiếng Anh của Phúc đã “vượt chỉ tiêu” mong đợi. Khi trở thành ca sĩ được nhiều người yêu mến, khi trình bày ca khúc nhạc ngoại nào Phúc cũng đều nhờ đến cô. Phúc rất vui và hạnh phúc khi được cùng cô tham gia ngày hội với món lẩu thập cẩm mà cô trò vẫn thường hay đi ăn với nhau.
Nhạc sĩ, thầy giáo Vũ Quốc Bình – ca sĩ Trương Quỳnh Anh
Ba thầy trò Công Ninh – Hoàng Mập – Kim Huyền
Người thầy và cũng là người chú mà Quỳnh Anh chịu ảnh hưởng nhiều nhất chính là nhạc sĩ Vũ Quốc Bình – đồng thời cũng là giảng viên thanh nhạc. Có lẽ vì những buổi học của Quỳnh Anh và nhạc sĩ Vũ Quốc Bình chưa bao giờ có phấn trắng bảng đen, nên hai chữ thầy trò cũng được thay bằng những cách gọi thân thương: chú và cháu. Bằng sự cần mẫn, tinh tế, chu tất, chú Bình đã dẫn dắt Quỳnh Anh mở dần cánh cửa âm nhạc. Với âm nhạc, chú Bình chỉ dẫn Quỳnh Anh nắm vững những quy tắc sáng tạo và cũng là thước đo giá trị của từng ca khúc. Về phương pháp truyền nghề của chú Bình không đơn giản là “cầm tay chỉ việc” mà chú truyền đạt theo cách rất riêng. Cho đến bây giờ, Quỳnh Anh vẫn nghĩ mình là đứa cháu nhỏ vụng về, kém cỏi của chú Bình. Hai chú cháu đến với ngày hội bằng món phở Hà Nội, sẽ bất ngờ lắm…
Giảng viên thanh nhạc Lư Anh – ca sĩ Nhật Quốc – Tấn Quốc
Người thầy mà tụi Quốc chịu ảnh hưởng và không bao giờ quên chính là nhạc sĩ – giảng viên thanh nhạc Lư Anh. Cô luôn vui vẻ và tận tình với học trò của mình. Một kỷ niệm về cô mà tụi Quốc rất nhớ là ngày đầu mới dạy luyện thanh cho hai anh em, cô cứ bị lộn hoài. Do dạy luyện thanh mỗi lần dạy chỉ có một người nên khi Nhật Quốc vừa học xong ra ngoài thì Tấn Quốc vào, cô ngạc nhiên hỏi: “Ủa, em mới luyện thanh mà sao bây giờ lại tiếp tục nữa”. Cả lớp đùa: “Nó biến hình đó cô”. Sau đó cô cũng phát hiện ra tụi Quốc là anh em sinh đôi: “Cô nhớ ra rồi, lúc nãy cô dạy cho Nhật Quốc, em ít nói và có kiểu chải tóc rẽ bên phải còn Tấn Quốc dạn dĩ, lanh lợi hơn có kiểu chải tóc rẽ trái, đúng không?”. Sự quan tâm đặc biệt này của cô làm tụi Quốc vô cùng cảm động. Hai anh em luôn hứa với cô là sẽ cố gắng học nhạc, vũ đạo thật tốt để có nhiều khán giả yêu mến, không phụ lòng cô. Thời gian qua, tụi Quốc cũng hát rất nhiều ca khúc do cô sáng tác. Trong ngày hội này, tụi Quốc sẽ cùng cô nấu món ăn mà cô rất thích: canh chua cá lóc và cá rô kho tộ.
Thầy giáo, nghệ sĩ Công Ninh – nghệ sĩ hài Hoàng Mập, Kim Huyền
Hoàng Mập cho biết: “Là người thầy rất mực yêu thương, tận tâm với học trò, nhưng thầy Công Ninh cũng nổi tiếng là người rất khó tính trong giảng dạy. Nhưng chính cái “khó tính” ấy mà nhiều học trò khi thành danh không thể nào quên thầy. Ngoài những lúc nghiêm khắc trên bục giảng, thầy còn là một người rất vui tính và có tấm lòng bao dung với học trò. Một điều nữa mà tôi rất nể phục thầy là suốt bao năm đi dạy, thầy ít khi nào khen mà chỉ toàn chê thôi để chúng tôi không ảo tưởng mà làm tốt hơn cho sau này…”. Diễn viên Kim Huyền thì bộc bạch: “Thầy là chủ nhiệm của lớp tôi suốt ba năm học ở Khoa Diễn viên – Trường Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM. Thầy rất lo cho học trò, nhưng cái quan trọng nhất là thầy hiểu được từng người. Thầy dạy theo cách dựa vào từng người chứ không áp đặt cái của mình cho học trò. Tôi luôn tâm niệm những lời thầy dạy: “Trong kiến thức chuyên môn, thầy không dạy cho các em những tiểu xảo cho mau nổi bật, mà dạy những căn bản vững vàng để các em đi dài lâu trên chính đôi chân của mình… Tham gia ngày hội này, tôi và Hoàng Mập cùng thầy sẽ nấu món cá tai tượng chiên xù chấm mắm nêm, ngon lắm đó…”.
SONG MINH

Bình luận (0)