Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Một thời để nhớ…

Tạp Chí Giáo Dục

Sau 49 năm gii phóng min Nam, thng nht đt nưc, nhìn nhng thành tu ca ngành giáo dc TP.HCM hôm nay có bao nhiêu ngưi biết đưc thành ph đã có nhng n lc thế nào đ đt đưc các thành qu đó. Lp tr ngày nay, ngay các thy cô giáo tr cũng khó th hình dung đưc khung cnh trưng lp my mươi năm trưc ngay ti thành ph này.


Thy và trò chp hình lưu nim cnh lp hc cách đây 40 năm

Tốt nghiệp trường sư phạm, tôi được phân công về vùng ngoại thành. Ngày trình diện, tôi đạp xe đi mãi mà không tìm thấy trường, phải hỏi thăm người dân nhiều lần tôi mới tìm ra trường. Cổng trường là 2 cây cừ tràm và treo trên đó là tấm bảng tên trường. Trường không có hàng rào, chung quanh là đất đai, ruộng lúa, ao hồ… Trâu bò được thả ăn cỏ khắp nơi. Dãy phòng học phía trước là tường xây, quét vôi cũ kỹ, lợp tôn xi măng, nền tráng xi măng nham nhở. Dãy phòng học phía sau là vách lá, mái lá, nền đất lồi lõm. Trong lớp, bàn ghế giáo viên lẫn học sinh xiêu vẹo, chắp vá. Tấm bảng đen bị mối mọt đến độ giáo viên không dám đè mạnh phấn khi viết bảng. Trường cũng không có nhà vệ sinh. Học sinh có “nhu cầu” thì cứ thoải mái đi ra cánh đồng, mảnh đất quanh trường. Giáo viên thì thật là cực khổ vì phải đi ra “cầu cá tra” cách trường khoảng hai chục mét. Đến mùa nước lớn, nước dâng lên ngập cả sân trường và lớp học. Thầy cô phải xắn quần lội vào trường và đứng trong nước ngập đến gối để dạy. Học sinh thì ngồi “co giò” trên ghế để không ướt chân. Tôi nhớ có một cô giáo sinh về trình diện vào mùa nước lên. Cô thấy thầy cô đứng trước văn phòng – chỗ duy nhất khô ráo, cô hét to: “Thầy cô ơi, làm sao vô trường?”, một thầy giáo trẻ trả lời đùa giỡn: “Đợi xuồng ra rước!”. Cô đứng mãi ngoài đường đất rồi ra về, sau đó cô bỏ nhiệm sở, không đến trường dạy. Giáo viên thiếu càng thiếu, mỗi giáo viên dạy 2 lớp là chuyện bình thường. Có năm thiếu phòng học, thiếu giáo viên, trường có đến 3 ca học: sáng, trưa, chiều. Ban giám hiệu cũng phải dạy lớp. Thầy cô lúc ấy chỉ có 2, 3 bộ đồ đi dạy. Học sinh thì có gì mặc nấy khi đến lớp, đồ mặc ở nhà rồi đi học luôn. Học sinh lúc đó toàn đi chân không đến lớp. Đoàn – Đội nhà trường đã phát động phong trào “mang dép khi đến trường”. Suốt mấy tuần, học sinh vẫn đi học với đôi chân trần. Vậy là lúc đó, trường ra quy định, học sinh không mang dép, không cho vào lớp. Thầy cô chủ nhiệm kiểm tra gắt gao mỗi ngày, học sinh bắt đầu mang dép đến lớp nhưng có gì mang đó. Dép rộng, dép chật, dép “chiếc đực, chiếc cái” (2 chiếc khác kiểu). Có hôm, trên đường đi dạy, học sinh chào thầy, tôi nhìn thấy học sinh không mang dép. Thế nhưng khi đến lớp, tất cả học sinh đều mang dép, tôi hỏi, em thì bảo sợ dép dơ vì đường bùn sình, em thì bảo mang không quen nóng chân… Giờ đây, trường lớp khang trang, học sinh mặc đồng phục đẹp đến trường. Điều đó đủ minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng, cho sự đầu tư cao về cơ sở vật chất trường lớp của ngành giáo dục thành phố trong mấy mươi năm qua.

Học sinh thuở ấy không học thêm, không học trước chương trình. Tôi thật sự cảm phục các giáo viên lớp 1 những năm đó. Các giáo viên ấy thật sự là những người mẹ ở trường. Tôi nhớ mãi cô giáo mới ra trường được phân công dạy lớp 1. Cô nhận lớp khoảng chừng một giờ đồng hồ là chạy lên văn phòng nói: “Thầy ơi, em không dạy lớp 1 đâu. Các em ngồi không yên chỗ, em không dạy gì được hết!”. Học sinh lớp 1 lúc ấy chưa em nào được học qua mầm non. Các em cứ chạy nhảy suốt trong lớp, cô giáo ổn định được chừng năm, mười phút là các em lại nói chuyện, đùa giỡn. Bởi từ trước đến giờ, các em chưa bao giờ phải ngồi ngay ngắn một chỗ, im lặng lắng nghe trong mấy tiếng đồng hồ. Học sinh lớp 1 cũng chưa bao giờ cầm đến cây bút chì. Vậy là vào những buổi học đầu tiên ở các lớp 1, ban giám hiệu, nhân viên văn phòng đều được tăng cường xuống phụ giáo viên đứng lớp hướng dẫn từng học sinh cách cầm bút chì nếu không các em cầm bút như cầm con dao hay cái muỗng. Học sinh tiểu học lúc ấy còn viết cây bút mực có ngòi chấm. Em quên bình mực, em hết mực. Thầy cô phải bỏ tiền mua những viên mực tím, ngâm vào bình to để cho học sinh sử dụng khi cần. Có một học sinh lớp 1 ngày nào cũng nghịch phá, làm mực đổ ướt cả hai tay, quần áo, sách vở. Cô giáo lớp 1 dẫn lên văn phòng nhờ tôi hù dọa. Hôm đó, văn phòng có chuẩn bị thớt và dao để chia 350g thịt heo cho mỗi giáo viên theo tiêu chuẩn hàng tháng thời bao cấp. Tôi dọa học sinh, kêu em đặt hai tay dính mực lên thớt, chỗ nào dính mực sẽ chặt bỏ. Em khóc lóc thảm thiết, hứa không bao giờ làm đổ mực nữa. Việc hù dọa có tác dụng thật sự, kể từ đó em không còn nghịch phá làm dính mực như thế nữa. Hằng ngày đến lớp nhiều học sinh chưa rửa mặt, chải tóc…, thầy cô cũng là người giúp học sinh rồi dặn dò, chỉ dẫn các em phải vệ sinh cá nhân trước khi đi học. Thuở ấy, không hiểu sao gần như học sinh nào cũng có các con chí trên đầu. Các cô đem theo lược chải chí cho các em. Có nhiều học sinh tóc dài, chí nhiều, các cô cắt ngắn cho học sinh luôn. Lúc ấy, thật sự chúng tôi chỉ muốn làm những gì tốt đẹp nhất cho học sinh mà thôi. Nếu xét theo quan điểm ngày nay thì chúng tôi xử lý rất nhiều tình huống không đúng sư phạm. Ngày nay ở các lớp 1, chỉ cần một vài học sinh đọc chậm, viết yếu là giáo viên đã than van. Tôi chợt nhớ đến các cô giáo lớp 1 của ngày xưa ấy.

Tôi kể những câu chuyện trường lớp, dạy học của mấy mươi năm về trước không phải để cho rằng các thầy cô ngày nay dạy học sướng hơn các thầy cô ngày xưa, mà để thấy rằng việc dạy và học ngày nay đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ cả về chất lẫn lượng so với trước đây rất nhiều. Thế nhưng, giáo viên hiện nay đang bị nhiều áp lực từ nhiều phía. Nếu như trước đây, một lớp học ở lại lớp 3 đến 5 học sinh là chuyện bình thường thì giờ đây tỷ lệ lên lớp 100% dường như là điều đương nhiên, nên chỉ cần lớp có 1 học sinh yếu kém là giáo viên đã bị căng thẳng. Nếu như trước đây, chúng tôi có thể cắt tóc học sinh vì quá dài, nhiều chí; hù dọa chặt tay học sinh vì nghịch ngợm… thì giờ đây những việc làm ấy sẽ bị quy tội là xúc phạm nhân phẩm trẻ em, là vi phạm đạo đức nhà giáo. Nếu như trước đây, mỗi lời nói, hành động của thầy cô để học sinh học tốt hơn, ngoan ngoãn hơn đều được nhận lại lời cảm ơn từ phụ huynh, lời đồng tình từ ban giám hiệu thì ngày nay, mỗi lời nói, hành động của giáo viên đối với học sinh đều được phụ huynh soi mói để chê bai và thưa kiện; đều bị ban giám hiệu dò xét sợ phụ huynh “quậy” làm ảnh hưởng đến nhà trường.

Đã từ lâu rồi, nghề dạy học trở thành “nghề nguy hiểm”! Bởi vì chỉ một chút vô tình, một tý vô ý hay một xíu sai sót, thầy cô có thể bị mắng chửi, bị hành hung, bị kỷ luật và bị cả cộng đồng mạng “chặt chém” không thương tiếc. Nhiều lần, tôi đã nhớ về ngày xưa ấy. Lúc đó, thầy cô chỉ đặt cái tâm vào việc dạy học mà không phải lo lắng, bất an về bất cứ điều gì…

Bài, ảnh: Lê Phương Trí

 

Bình luận (0)