Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Một thời đi tập huấn…

Tạp Chí Giáo Dục

Từ lúc nhận nhiệm vụ làm chuyên viên bộ môn của một sở giáo dục, tôi không nhớ mình đã đi tập huấn chuyên môn bao nhiêu lần… Hầu hết là những chuyến đi xa; chương trình tập huấn nhiều nhưng trình tự, cách thức làm giống như nhau và hiệu quả nhiều khi không như ý!

Theo tin tức các báo, sẽ có nhiều thay đổi trong cách tập huấn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả. Đó là một trong những biện pháp cần thiết, không thể kéo dài tình trạng tập huấn kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” (mà ngày nay là “ngồi xe xem hoa”)…

Tập huấn không phải là cơ hội “du lịch không mất tiền” mà là những chuyến đi học tập, làm việc thật sự, cật lực. Vì có như vậy mới lĩnh hội được tinh thần đổi mới, nội dung chương trình để còn về tập huấn tại địa phương, cơ sở…

Tập huấn phải có hiệu quả thực chất, không nặng về “Giấy chứng nhận đã học xong lớp tập huấn A, B” như đã từng làm. Bi hài nhất là có những đợt tập huấn xong, ban tổ chức phát cho các đoàn một xấp giấy chứng nhận… Trưởng đoàn phân công người viết chữ đẹp điền tên các học viên đoàn mình vào chỗ trống vì có cả con dấu đỏ và chữ ký sẵn rồi! Xong phát cho mỗi thành viên mang về, coi như “hoàn thành nhiệm vụ”.

Tập huấn cũng là một cơ hội giao lưu với các bạn bè, đồng nghiệp nhiều địa phương trong cả nước. Nếu thực hiện tốt, có kế hoạch, có mục tiêu thì hiệu quả việc giao lưu, học tập lẫn nhau rất hiệu quả vì cùng nhau trao đổi những cách làm hay cũng như tránh được những lối mòn mà ở cơ sở mình chưa có điều kiện nhìn thấy được.

Để những đợt tập huấn chương trình mới sắp tới có hiệu quả, xin đề xuất mấy ý sau đây:

Một là: Chọn cán bộ, giáo viên có năng lực, có tinh thần trách nhiệm cao. Những cán bộ, giáo viên cốt cán này phải được giao nhiệm vụ cụ thể, có báo cáo kết quả cho lãnh đạo khi tập huấn trở về.

Hai là: Bộ nên đưa chương trình, nội dung trước nhiều tháng để cơ sở có đủ thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng. Trước đây, khi đến nơi mới nhận tài liệu để nghiên cứu nên khó nắm được nội dung (chỉ cách một ngày, thậm chí một buổi là vào ngay tập huấn chính thức – cách làm này rất hình thức, làm cho có).

Ba là: Phân công trước các đơn vị làm những chuyên đề, bài tập (nếu có). Cho các nhóm gồm nhiều tỉnh cùng làm, như vậy sẽ có sự trao đổi, thông tin trước. Từ đó có sự bàn bạc, trao đổi và thống nhất giữa các trường, các đơn vị…

Mong rằng “một thời tập huấn” của chúng tôi sẽ không lặp lại trong những kỳ tập huấn sắp tới vì mục đích của chương trình tập huấn là truyền đạt nội dung, cách thức thực hiện chứ không chỉ có một mục đích là “giải ngân”!

ThS. Lê Đc Đng (Sóc Trăng)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)