Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Một thời làm cách mạng

Tạp Chí Giáo Dục

Năm nay tròn 85 tuổi và ông đã có 12 năm thâm niên làm công tác khuyến học. Với cương vị là Chủ tịch Hội Khuyến học TP.HCM, ông là người đã có nhiều cống hiến cho công tác xây dựng một xã hội học tập. Ông là Nguyễn Văn Hanh – Chủ tịch Hội Khuyến học TP.HCM, nguyên Phó trưởng ban Tuyên huấn Khu ủy Khu Trung Nam Bộ.

Ông Nguyễn Văn Hanh (trái) trong thời gian làm Trưởng đoàn chuyên gia Việt Nam tại Campuchia sau 1975. Ảnh: T.L

Vào bưng biền làm cách mạng
Nếu không được giác ngộ cách mạng thì có lẽ anh thanh niên Nguyễn Văn Hanh đã nối nghiệp cha bằng nghề thợ mộc chuyên đóng tủ giường bàn ghế trên đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM). Thế nhưng những ngày đang ngồi học trên ghế nhà trường, không khí đấu tranh cách mạng của công nhân thợ thuyền ở Sài Gòn đã bắt đầu bừng cháy trong anh ngọn lửa yêu nước và lòng căm thù giặc. Năm 1945, khi hòa vào dòng người lao động tham gia cướp chính quyền giữa mùa thu lịch sử, niềm tin cách mạng đã thôi thúc chàng trai Sài Gòn xếp bút nghiên tạm xa người thân lặng lẽ vào chiến khu hoạt động. Ông Hanh nhớ lại: “Khi tham gia cướp chính quyền tôi chỉ mới 20 tuổi. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không quên được không khí hào hùng của một dân tộc vươn lên từ bùn lầy để giành độc lập tự do. Một lý do khác để tôi tham gia kháng chiến là gia đình có người anh trai cả trước đó cũng đã vào chiến khu hoạt động. Chính người anh trai là tấm gương đi trước để tôi noi theo”. Bắt đầu từ đó, con đường cách mạng của người thanh niên Sài Gòn nối dài theo vùng căn cứ địa từ Long An đến Mỹ Tho và điểm dừng chân cuối cùng là tỉnh Bến Tre. Còn trai tráng, sức lực lại dẻo dai hầu như chỗ nào cũng có dấu chân ông đi làm công tác tuyên truyền vận động. Dần dần cuộc kháng chiến gian khổ và anh dũng của nhân dân Nam Bộ đã nuôi dưỡng anh thanh niên trí thức Sài Gòn lớn khôn hơn về nhận thức cách mạng và tôi luyện thêm ý chí trong chiến đấu.
Bây giờ ngồi nhớ lại, không thể lấy gì đo đếm được sự hy sinh và gian khổ của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ mà ông Tám Dân (bí danh của ông Nguyễn Văn Hanh) đã đi qua. Điều đọng lại trong ông là những bài học chiến lược về chiến tranh cách mạng mà người làm nên lịch sử là đồng bào Nam Bộ chứ không ai khác. Sáng ngời nhất là hình ảnh người phụ nữ quê ở Lương Hòa, Giồng Trôm – Thiếu tướng Nguyễn Thị Định. Mỗi lần gặp nữ tướng Nguyễn Thị Định ở vùng chiến khu, ông càng khâm phục hơn lòng yêu nước của người con gái xứ dừa và ông cũng thấy đó là hình ảnh chung của người phụ nữ miền Nam “anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang” trong cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta. Ông thật sự tự hào với cuộc chiến tranh nhân dân mà mình là người được chứng kiến: “Ít ai biết rằng người dân Nam Bộ đã đánh thắng Mỹ bằng ong vò vẽ, bằng những hầm chông, mũi ná. Giặc Mỹ rất sợ bắn tỉa, bắn lén nhưng cái mà chúng kinh hãi hơn chính là những hầm chông bủa giăng khắp nơi. Những mũi chông vót nhọn được tẩm thuốc độc đã trở thành nỗi kinh hoàng khiếp sợ của lũ giặc nên bọn chúng không dám làm càn. Đánh giặc bằng vũ khí thô sơ rồi sau đó lại lấy vũ khí của giặc đánh lại bọn chúng. Chiến tranh nhân dân thần kỳ là chỗ đó”.
Lên khu 8 làm tuyên huấn
Câu chuyện ông Hanh đi làm báo thời trai trẻ kể ra chắc ít người tin được. Một nhà báo chuyên nghiệp trước hết phải học qua trường lớp đàng hoàng, còn ông chẳng có vốn liếng gì của một phóng viên ngoài tinh thần yêu nước và căm thù giặc vậy mà vẫn “liều mình” viết xã luận, đưa tin và làm cả phóng sự cho một tờ báo. Cũng không phải là một học sinh giỏi văn, không phải là người vốn nuôi mộng trở thành anh ký giả nhưng cuối cùng ông đã gắn bó với nghiệp cầm bút, trở thành một nhà báo cách mạng thực thụ. Trong lửa đạn, ngòi bút của ông không hề được mài sắc bằng chuyên môn nghiệp vụ mà chỉ được trang bị sáng ngời tinh thần của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và lòng quả cảm sắt đá của một người thanh niên yêu nước. Biết tôi là nhà báo nên mỗi khi gặp nhau ông lại đem chuyện báo chí ra hàn huyên tâm sự.
Hơn 10 năm qua Hội Khuyến học TP.HCM đã trao tặng hàng vạn suất học bổng với số tiền từ 20 đến 25 tỷ đồng một năm. Đặc biệt Câu lạc bộ Khuyến tài mà ông Nguyễn Văn Hanh là một trong những người sáng lập nên đã chắp cánh cho nhiều em viết tiếp ước mơ đi học của mình.
Không chỉ đánh giặc bằng võ trang mà đường lối của Đảng ta thời bấy giờ là kết hợp võ trang với đấu tranh chính trị và binh vận. Vì thế sau khi được phân công về khu 8 (khu Trung Nam Bộ gồm các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang) ông Tám Dân lao vào công tác tuyên giáo. Đây là thời kỳ đầu nhưng cũng là thời kỳ sung sức nhất của Ban Tuyên huấn khu 8. Những ngày tháng này đời sống văn hóa của nhân dân đã được Ban Tuyên huấn Khu ủy thổi vào một luồng sinh khí mới. Ban đêm văn công đốt đèn măng-sông diễn trong đình hoặc đầu chợ cho bà con xem. Trong lúc đó anh em bên bộ phận tuyên truyền lại ôm từng chồng báo ra ngoài lộ chặn xe đò phát miễn phí cho bà con. Những bài viết in trong tờ Giải Phóng đã dần thức tỉnh bà con vùng tạm chiếm hiểu rõ hơn cương lĩnh chính trị của mặt trận, tố cáo vạch trần tội ác và âm mưu bình định của kẻ địch, chia sẻ tình cảm với các “gia đình đau khổ” (tên gọi các gia đình binh sĩ) kêu gọi con em họ lập công chuộc tội quay súng trở về với nhân dân. Nhờ làm tốt công tác binh vận mà đường lối “nội công ngoại kích” của ta đã đem lại những thắng lợi giòn giã trong chiến dịch phá ấp chiến lược đánh chiếm các đồn bốt của giặc. Thế nhưng Ban Tuyên huấn khu 8 không dừng chân ở đó. Để nâng cao trình độ cho con em cán bộ và dân quân du kích, nhiều lớp học được mở trong vùng tự do và căn cứ. Khó khăn không phải là thiếu trường thiếu lớp mà là thiếu giáo viên. Không có cách nào khác Ban Tuyên huấn quyết định lấy một trung đội nữ du kích cho đi học lớp văn hóa để làm cô giáo. Thế là chỉ sau hai tháng những chiến sĩ pháo binh đã trở thành những cô giáo dạy chữ trên lớp. Được học chữ nên du kích mới biết đọc nhật trình, thảo công văn công tác tuyên truyền càng thêm thuận lợi. Lớp học thì gặp đâu mở đó, có khi dạy ở nhà dân, dạy trong lán trại. Ghe xuồng, trận địa cũng có thể làm thành lớp học được. Dạy “hết chữ” các thầy các cô lại đi học tiếp để có “vốn liếng” về dạy cho các học trò khóa sau. Chỉ đến khi lực lượng giáo viên được chi viện từ ngoài Bắc vào năm 1964 thì các trường sư phạm vùng chiến khu mới được chuyên môn hóa. Thế nhưng kỷ niệm đọng lại nhiều nhất trong ông đó là những năm làm báo, niềm tự hào đã hiện rõ trên khuôn mặt ông: “Cũng từ những năm đó tờ Giải Phóng lần đầu tiên ra đời trong chiến khu. Do hoàn cảnh khó khăn nên mỗi quý chỉ ra được một số nhưng thật sự quý hơn vàng. Báo được in khổ lớn nên cũng hoành tráng lắm”. Thời gian này ông là Phó ban Tuyên huấn Khu ủy khu 8 nên ông là người trực tiếp viết các bài chính luận trong trang mục xã luận. Những bài báo ký tên Tám Dân luôn mang tính định hướng chỉ ra sách lược đường lối đánh giặc của quân và dân ta. Theo ông viết xã luận phải có tính chiến đấu cao, lập luận sắc bén, bút pháp điêu luyện không được dễ dãi với những câu, những ý nghèo nàn. Để có sức thu phục nhân tâm bài báo không chỉ thấu lý mà phải đạt tình, dễ đi vào lòng bạn đọc. Cùng với xe tăng, đại bác những bài báo của tác giả Tám Dân, các bài nghị luận của tờ Giải Phóng đã có sức chiến đấu to lớn trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Không chỉ làm báo chữ ông cùng Ban biên tập tờ Giải Phóng còn tham gia làm báo tiếng bằng cách viết bài và đưa tin cho Đài Tiếng nói của Mặt trận Giải Phóng miền Nam Việt Nam. Tất cả đã hòa vào dòng chảy cơ quan ngôn luận của Đảng để cùng chung sức làm nên chiến thắng mùa xuân năm 1975 hào hùng và oanh liệt.
Sau 30 năm thoát ly gia đình đi làm cách mạng, năm 1975 ông mới được trở về gặp lại cha mẹ và anh em. Thế nhưng bước chân ông vẫn không hề ngơi nghỉ khi sau đó ông lại được cử sang Campuchia làm Trưởng đoàn chuyên gia giúp thành phố Phnôm Pênh hồi sinh trong nạn diệt chủng của bọn Khơme Đỏ. 65 năm đi theo và cống hiến cho cách mạng trên ngực ông có không biết bao nhiêu là huân huy chương nhưng cho đến bây giờ, điều ông trăn trở nhất là vẫn chưa tìm được hài cốt người anh cả đã hy sinh anh dũng ở chiến trường miền Tây Nam Bộ. Cũng vì thế mà hơn 40 năm qua dù đã cống hiến trọn đời cho Tổ quốc nhưng người anh cả vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ. Nhìn ánh mắt đăm chiêu và đầy suy nghĩ của ông, tôi chỉ hy vọng đến một ngày nào đó điều trăn trở này sẽ được giải tỏa và lúc đó chắc chắn tâm hồn ông sẽ thanh thản hơn nhiều.
Phan Ngọc Quang

Bình luận (0)