Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Một tin rất “sốc”

Tạp Chí Giáo Dục

Đọc bài viết “Đầu vào tuyển sinh sư phạm: “tuột dốc” không phanh” trên, những ai quan tâm đến sự nghiệp giáo dục nước nhà không khỏi bị choáng. Nếu những thông tin trong bài báo này là chính xác thì việc tuyển sinh của ngành sư phạm mới đây là một cú “rơi tự do” không có bảo hiểm.

Số lượng học sinh đăng ký thi vào sư phạm sụt giảm; kết quả trúng tuyển nguyện vọng 1 rất thấp. Nhiều ngành ở nhiều trường không đạt chỉ tiêu. Một số ngành không tuyển được người học sẽ phải đóng cửa.
Không ít thí sinh tiếng là trúng tuyển nhưng lại là kết quả của sự “bòn mót” đến kiệt cùng của ban tuyển sinh các trường. Chẳng hạn thi vào khoa sử mà có thí sinh chỉ đạt 1 điểm, nửa điểm (0,5) thậm chí 1/4 điểm (0,25) môn sử. Việc tuyển lựa có năm nào thảm hại như thế không?
Tôi không hiểu các thầy cô ở các khoa, các trường ĐH sư phạm trong cả nước sẽ thần thông biến hóa như thế nào để phù phép giúp những thí sinh yếu kém cực kỳ như thế sau bốn năm lại có thể vững vàng đứng trên bục giảng ở các trường THPT?!
Muốn trò giỏi phải có thầy giỏi, đó là nguyên lý thép. Tôi không hiểu mai này các học sinh của chúng ta sẽ học hành như thế nào với các thầy cô giáo trẻ nhiệt tình có thể có thừa nhưng tiềm lực khoa học quá mỏng như những thí sinh trúng tuyển năm nay.
Ở thập niên thứ hai của thế kỷ 21 này, khi chất lượng giáo viên của các nước láng giềng cũng như của rất nhiều nước khác trên thế giới không ngừng được nâng cao thì chúng ta lại sắp đào tạo một thế hệ giáo viên mới với chất lượng đầu vào như thế đấy.
Nhưng thế hệ sinh viên sư phạm trẻ này không có lỗi. Trách nhiệm thuộc về chúng ta, đặc biệt đối với những người đang làm công tác quản lý, vì vậy ngay bây giờ chúng ta buộc phải sửa sai.
Dư luận xã hội nói chung, nguyện vọng của hơn 1 triệu giáo viên nói riêng đã và đang đòi hỏi sớm có một chiến lược cải cách giáo dục tổng thể, nhằm đạt yêu cầu “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục VN” như nghị quyết Đại hội Đảng XI đã xác quyết.
Chiến lược cải cách ngành sư phạm, đào tạo và sử dụng giáo viên phải có một vị trí quan trọng trong chiến lược tổng thể đó. Hàng loạt vấn đề cần được cân nhắc và xử lý: làm thế nào để động viên những học sinh THPT ưu tú (chế độ miễn học phí hiện nay chưa đủ mạnh) vào ngành sư phạm? Sắp xếp tinh giản hệ thống trường ĐH sư phạm, khắc phục tình trạng đào tạo tràn lan (tỉnh nào cũng có trường hoặc khoa sư phạm), manh mún (mỗi tỉnh vài ba trăm hoặc ít hơn), phô trương hình thức (gần như đồng loạt “lên đời”, mang danh xưng ĐH sư phạm dù thực chất còn rất lỏng). Công khai và luật hóa chế độ đãi ngộ vật chất và tinh thần đối với giáo viên (giáo viên và cán bộ y tế nên có ưu đãi về lương bổng, về thưởng tết – coi như tháng lương thứ 13; luân phiên được đi tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ dài hạn cả năm chứ không phải dăm ba ngày; luân phiên giảng dạy ở vùng sâu vùng xa có hạn kỳ, sau đó nhất thiết phải được chuyển về đồng bằng, thành thị).
Tóm lại, cần có một cương lĩnh về cải cách sư phạm thật công bằng, minh bạch và thực thi nghiêm túc, chứ không để cương lĩnh đó ở mãi tình trạng “bánh vẽ”.
Hơn nửa thế kỷ gắn bó với bảng đen và bục giảng, tôi cả tin là đã hiểu người thầy giáo VN và hệ thống sinh viên ĐH sư phạm. Hầu hết họ rất tự trọng. Họ tự nguyện sống chết với nghề nhưng cũng rất dễ mang mặc cảm tủi hổ khi bị đối xử chưa đàng hoàng, khi được vinh danh là kỹ sư tâm hồn nhưng trên thực tế bị coi nhẹ và thường xuyên bị nợ áo cơm ghì sát đất.
“Sau cơn mưa trời lại sáng”? Tình hình tuyển sinh sư phạm vừa rồi là một trận mưa lớn. Đừng để tình trạng này tiếp tục lặp lại. Các cấp có trách nhiệm cần suy nghĩ, xử lý để sớm cải thiện triệt để tình hình này.
Theo TRẦN HỮU TÁ
(TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)