Tàu Sangfish 01 do Lê Văn Sang làm chủ là con tàu vỏ thép lớn nhất miền Trung |
“Chọn nghiệp biển một phần vì kế mưu sinh, phần khác vì tình yêu dành cho biển cả – nơi cha ông mình từ thế hệ này nối thế hệ khác đã gắn bó với đại dương mênh mông. Biển cho con người mớ tôm, cân cá để tồn tại trong hành trình mưu sinh nhưng đồng thời nơi ấy đánh dấu cả cột mốc chủ quyền của Tổ quốc. Gắn bó với biển vì thế mang cả tình yêu và niềm thiêng liêng!”. Anh Lê Văn Sang (SN 1985) – chủ tàu cá Sangfish 01, ở quận Hải Châu (Đà Nẵng) bộc bạch.
Giấc mơ tàu lớn vươn khơi
Trên con tàu vỏ thép mang tên Sangfish 01, ngư dân Lê Văn Sang đang cùng các thủy thủ tất bật chuẩn bị cho chuyến biển đầu năm. Vội vã kiểm tra các dụng cụ cần thiết cho chuyến vươn khơi ở cảng cá Thọ Quang, anh Sang chỉ tay vào con tàu được đóng bằng vỏ thép đầu tiên ở Đà Nẵng, bảo: “Mới đó mà đã tròn một năm, kể từ ngày con tàu này hạ thủy. Một năm qua, không chỉ riêng mình mà cả thủy thủ đều thấy an tâm hơn mỗi lần vươn khơi bám biển bởi được đi trên con tàu vững chãi, không còn lo sợ chạm mặt tàu lạ trên vùng biển của mình”. Sang dẫn khách thăm một vòng trên con tàu hiện đại. Qua lời giới thiệu của anh, con tàu vững chãi được trang bị đầy đủ dần hiện ra với các trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, la bàn, radar… Anh bảo: “Nhờ có thiết bị định vị toàn cầu GPS, chúng tôi an toàn hơn khi hoạt động ngoài khơi xa”. Anh Phan Bé, trưởng tàu Sangfish 01 vui vẻ cho biết: “Tàu thiết kế cho 18 thuyền viên, nhiên liệu dự trữ đảm bảo hoạt động liên tục 2.000 hải lý, lương thực thực phẩm cho kíp tàu sử dụng trong khoảng thời gian kéo dài 1 tháng. Tuổi thọ trung bình của tàu vỏ thép gấp đôi tàu vỏ gỗ. Trong khi đó các công đoạn bảo trì, bảo dưỡng định kì diễn ra ít hơn nên chủ tàu tiết kiệm được phần chi phí đáng kể”. Bên cạnh đó, Sangfish 01 ngoài đánh bắt còn đảm nhận nhiệm vụ hậu cần nghề cá lớn nhất miền Trung ở vùng biển Hoàng Sa. Tàu được thiết kế 6 khoang hầm có khả năng chứa đến 220 tấn hải sản và bảo quản an toàn. Riêng những khoang chứa dầu trên tàu được thiết kế độc lập. Vì thế, những chuyến ra khơi được dài ngày, thời gian đi lại giữa bờ và các vùng ngư trường truyền thống như Hoàng Sa được rút ngắn để hải sản được tươi sống…
Lê Văn Sang trên con tàu hậu cần nghề cá chuẩn bị cho chuyến vươn khơi đầu năm |
Ngoài tàu vỏ thép Sangfish 01, anh Sang còn sở hữu thêm một con tàu gỗ đánh cá loại 1.290CV và hai con tàu làm hậu cần nghề cá loại 502CV và 90CV. “Để bám biển lâu dài, cần có những con tàu lớn, trang bị hiện đại để đánh bắt hải sản. “Chừng đó thôi chưa đủ, mình muốn đóng thêm tàu hậu cần nghề cá phần nào giúp bà con ngư dân bớt thiệt thòi về giá cả, nhất là khi họ không biết bán cho ai ngoài đầu nậu thu mua. Ngoài việc thu mua hải sản ngay trên biển cho bà con, mình còn đảm nhiệm luôn việc cung cấp lương thực, thực phẩm, dầu, đá lạnh… cho bà con tiếp tục đánh bắt trên biển để khỏi bỏ lỡ những ngày thời tiết thuận”, Sang nói. Hiện tại, với 4 con tàu của mình, anh Sang đã tạo công ăn việc làm cho 60 lao động với mức lương từ 4 đến 8 triệu đồng/tháng. Nhưng với anh, ước mơ tàu lớn vươn khơi vẫn chưa dừng lại. Sang bộc bạch: “Đầu năm 2016, mình sẽ cho hạ thủy tàu Sangfish 02 để phục vụ việc đánh bắt hải sản chuyên nghiệp hơn”.
Chọn nghề vì yêu biển
Rời âu thuyền Thọ Quang, vẫn nghe giọng Sang trầm ấm mà đanh rắn: “Mình vẫn nuôi khát vọng về những con tàu lớn, rồi thành lập hẳn một hợp tác xã hậu cần nghề cá để giải quyết bài toán về vốn và nhân lực, đồng thời giúp các chủ tàu cá có thể yên tâm bám biển dài ngày, vừa đánh bắt hải sản để mưu sinh, vừa bảo vệ vùng biển của mình”. |
Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghề biển. 17 tuổi, Sang đã thấm thía nỗi nhọc nhằn lênh đênh vươn khơi trên con tàu gỗ nhỏ bé, cũ kỹ. “Tàu nhỏ, biển cả thì sóng dữ khó lường, chỉ cần biển trở là mình bị nhồi say ngất ngư. Nhiều chuyến biển đi về tay trắng. Cực lắm”. “Những mùa bão nổi, phận người trên biển càng mong manh. Nhìn những người vợ, người mẹ đỏ mắt ngóng chồng con sau ngày bão lũ là xót lòng. Nhất là nỗi đau sau cơn bão Chanchu 2006, hàng chục ngư dân Đà Nẵng đi không có ngày về. Nhiều ngư dân bỏ mạng phần vì bão tố thiên tai những phần khác do phương tiện đánh bắt còn đơn sơ. Đã có lúc, mình nghĩ và rẽ sang một con đường mới. Mình chọn học ngành quản lý khách sạn ở TP.HCM. So ra với nghề biển, trong xu thế Đà Nẵng đang phát triển mạnh về du lịch thì nghề mình học không phải là không có chỗ đứng”. “Nghĩ là thế nhưng ngày tốt nghiệp mình lại chần chừ. Cứ nhìn thấy biển, nghĩ về biển là mình quay quắt nhớ. Sau nhiều suy tính, mình lại quay về với nghề biển…”. Sang bảo: “Điều trước tiên tồn tại trong ý nghĩ của mỗi ngư dân là tình yêu biển. Bám biển để giữ nghề truyền thống của cha ông. Đi miết rồi thấy biển đảo như ngôi nhà của mình vậy, một năm cũng có đến chín tháng lênh đênh trên tàu”. “Để đóng được những con tàu lớn như Sangfish 01, dù có hỗ trợ của Nhà nước nhưng mình cũng gặp không ít khó khăn. Bù lại, thỏa được cơn khát biển. Mình vừa đánh cá vừa thu mua cá cho bà con. Con tàu mình trở thành cái chợ nổi giúp bà con đỡ nhọc nhằn trên chặng đường về đất liền”. “Nghề biển hiểm nguy, người đi biển luôn phải nỗ lực, hướng về phía trước, yêu biển như chính mảnh vườn chôn nhau cắt rốn của mình”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)