Hội nhậpThế giới 24h

“Một Trung Quốc đáng sợ”, Thời Báo Hoàn Cầu giới thiệu

Tạp Chí Giáo Dục

 Những độc giả nước ngoài không khỏi lo sợ giống như ông Seong Hyon Lee – người Hàn Quốc – khi đọc tờ Thời Báo Hoàn Cầu (TBHC) của Trung Quốc.

Ông là một người đọc trung thành, chăm chỉ và có học đàng hoàng của tờ báo này. Ông tốt nghiệp Đại học Harvard, lại là chuyên gia nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu truyền thông quốc tế của Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh.
Tờ Thời Báo Hoàn Cầu – phụ bản của Nhân Dân Nhật Báo – Ảnh: C.I.
Trên báo Tài Kinh mới đây, ông đã lên tiếng báo động: tại hội thảo về “ngoại giao nhân dân” và hình ảnh quốc tế của Trung Quốc một vài ngày trước đó ở Bắc Kinh, ông đã nêu rõ rằng TBHC là “một trong những kẻ thù tệ hại nhất đối với nền ngoại giao nhân dân của Trung Quốc và đã đến lúc Trung Quốc cần phải “khai tử” tờ báo này!”.
Ông cho biết rất nhiều người nước ngoài biết đến Trung Quốc, biết tiếng Hoa và đọc TBHC “rất chăm chỉ”, bởi biết rõ tờ báo phản ánh “những quan điểm bên trong” của đảng cầm quyền, nhất là khi nó lại được cầu chứng dưới nhãn hiệu của Nhân Dân Nhật Báo. Thế nhưng, ông nhận xét: “Khi đọc, TBHC lại cho tôi cũng như phần lớn những người đọc nước ngoài khác một ấn tượng xấu về đất nước Trung Quốc. Tờ báo đang “vẽ” lên một Trung Quốc đang gặp nguy khốn, bị vây bủa tứ bề bởi những cuộc tấn công liên tiếp từ bên ngoài. Cứ theo hình ảnh mà TBHC “vẽ” lên thì Trung Quốc đang là một đất nước bị cô lập, không có mấy bạn bè, các thiện ý của nó luôn bị giải thích sai lệch. Do vậy, nó đang phải tả xung hữu đột để “thoát ra”. Mỹ, phương Tây, các “thế lực chống Trung Quốc” và các phương tiện truyền thông nước ngoài cứ liên tục “ra đòn”…”.
Theo ông, trên TBHC, người đọc luôn bắt gặp từ “thổi phồng”. Tờ báo cáo buộc báo chí phương Tây, của Anh, của Chính phủ Mỹ luôn “thổi phồng” khía cạnh tiêu cực của các sự kiện diễn ra tại Trung Quốc! Báo chí phương Tây luôn thổi phồng “mối đe dọa của Trung Quốc”. Có hôm tờ báo còn đăng một bài viết với tít tựa là “Hãy tỉnh táo trước làn sóng chống Trung Quốc ồ ạt do phương Tây phát động!”.
Hậu quả là đối với người đọc trong nước, như ông Lee nhấn mạnh, “thế giới do TBHC “vẽ” lên là một thế giới đầy nguy hiểm và đầy những âm mưu. Bởi vậy, người đọc của tờ báo này dễ bị tiêm nhiễm một thứ “não trạng của kẻ bị vây hãm”, luôn cảnh giác với thế giới bên ngoài. Về mặt tâm lý, từ chỗ bị lừa phỉnh như thế, những người đọc này có nguy cơ đánh mất sự tự tin. Từ chỗ liên tục bị lặn hụp trong những ngộ nhận như thế, họ sẽ lần hồi đâm ra ngờ vực và thù nghịch thế giới bên ngoài”.
Trong một bài viết trên Weibo của mạng Tân Lãng, Hồ Tích Tiến – một trong những biên tập viên của TBHC – lại khẳng định tờ báo đang giới thiệu “một đất nước Trung Quốc đích thực”! Trước “tuyên ngôn” này, Seong Hyon Lee không khỏi giật mình: “Trên thực tế đất nước Trung Quốc này lại đang xuất hiện một cách đáng sợ trong mắt người nước ngoài. Nhiều nhà quan sát cho rằng ban lãnh đạo của tờ báo này đã chọn chiến lược tiếp thị an toàn nhất trong bối cảnh của Trung Quốc là giương cao ngọn cờ yêu nước. Khi Trung Quốc và phương Tây nay đang cọ xát với nhau về nhiều vấn đề như mô hình phát triển và các hệ thống giá trị thì việc giương cao ngọn cờ chủ nghĩa yêu nước sẽ dễ dàng thu hút sự chú ý của độc giả, nhờ đó tăng được số lượng phát hành và thu được nhiều quảng cáo. Nhưng người ta lại đang tự hỏi liệu đó có phải là chủ nghĩa yêu nước đích thực hay là thứ chủ nghĩa yêu nước “giả cầy” vì mục tiêu thương mại…”.
Với mong muốn Trung Quốc sớm nhận ra nguy cơ này, ông đề nghị trong bối cảnh phát triển cực kỳ sôi động và có nhiều thay đổi của mình, “Trung Quốc cần bình tâm suy xét để phân tích tình hình một cách lý tính”.
Người đọc nước ngoài từng biết và yêu mến Trung Quốc qua Tam quốc chí, Thủy hử, Tây du ký, không khỏi “sợ” TBHC!
Nhật Bản “câu cá”, Trung Quốc bất bình
Truyền thông Trung Quốc tỏ ra bất bình trước việc Nhật Bản tổ chức thi câu cá (âm Hán việt là “điếu ngư”) tại vùng biển lân cận quần đảo tranh chấp Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) ngày 10-6.
TBHC cho biết 15 tàu cá của Nhật Bản đã xuất phát từ đảo Ishigaki tối 9-6 để đến vùng biển lân cận đảo Senkaku/Điếu Ngư. Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cũng có mặt để tuần tra bảo vệ cuộc thi câu cá này của sáu nghị sĩ quốc hội cùng 30 chính trị gia các đảng chính trị của Nhật Bản.
Nhân Dân Nhật Báo cảnh báo động thái này của Nhật Bản sẽ tạo ra mâu thuẫn không đáng có và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ hai nước.
ĐÔNG PHƯƠNG
 
Theo TTO

Bình luận (0)