Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Một từ khuôn, hai cuộc đời

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Miêu tả nhân vật Thúy Vân, Nguyễn Du viết: Khuôn trăng đầy đặn… Chắc không ai hiểu máy móc mặt của Thúy Vân khi thể hiện phải nhờ đến com-pa trong toán học. Đây cụ Nguyễn chỉ muốn nói đến khuôn mặt bầu bĩnh, phúc hậu. Một khuôn mặt mà thầy tướng số mới thấy đã phán: cuộc sống êm đềm, hậu vận phú quý… Nhưng không, ở đây còn có nghĩa Thúy Vân được đúc trong khuôn phép của xã hội lúc bấy giờ.
Như vậy, hẳn là tính tình đạo đức, hành vi xử thế của Thúy Vân nằm trong một khuôn mẫu. Điều ấy sẽ bàn sau. Chỉ riêng chuyện tả sắc đẹp của Thúy Vân cũng rõ. Vân cười như hoa nở, nói như tiếng ngọc kêu… tức dẫu cái cười của Vân đẹp đến mấy cũng chỉ ở mức thiên nhiên có sẵn, dẫu tiếng nói của Vân trong trẻo, êm dịu đến đâu, điều ấy cũng ngang bằng với cuộc sống trong đời. Nếu Thúy Vân có vượt lên đôi tý, thiên nhiên cũng vui vẻ chịu thua, nhường nhịn.
Vậy còn Thúy Kiều? Liệu Nguyễn Du có dành cho Thúy Kiều một từ khuôn? Quả nhiên, Thúy Kiều cũng như Thúy Vân, Thúy Kiều có một từ khuôn nhưng là cái khuôn đặc biệt. Khi Mã giám sinh lừa dối mua được Thúy Kiều, cụ Nguyễn viết: mẹo lừa đã mắc vào khuôn! Cái khuôn của Kiều là khuôn định mệnh, là số kiếp đoạn trường. Chả thế mà, ngay từ bé thơ thầy tướng số đã khẳng định: Anh hoa phát tiết ra ngoài/ Nghìn năm bạc mệnh một đời tài hoa. Mặc cho Thúy Vân can gián, Thúy Kiều vẫn soạn bản nhạc Bạc mệnh oán phổ vào hồ cầm, người nghe ai ai cũng rơi lệ. Có lúc Thúy Kiều tự hỏi: Đoạn trường là số thế nào/ Bài ra thế ấy vịnh vào thế kia? Đến khi Kiều rơi vào tay Mã giám sinh, Thúy Kiều mới cảm thấy nỗi đau đớn của… kiếp đoạn trường. Kiều đã giấu một con dao: Phòng khi nước đã đến chân / Dao này thì liệu với thân sau này. Thúy Kiều quyết tự tử tức Kiều muốn trốn thoát cái khuôn đau lòng, đứt ruột mà ông xanh đã trùm lên đời Kiều – Sự việc đến, Thúy Kiều bị Tú bà lăng nhục, mắng nhiếc, Kiều tự tử. Đạm tiên – hiện thân của định mệnh liền bảo Kiều: Số con nặng nghiệp má đào/ Người dù muốn quyết, trời nào đã cho! Tự tử không xong, phải trốn, trốn khỏi lầu xanh, chốn địa ngục trần gian của các cô gái lương thiện. Nhưng Sở Khanh đã thông đồng với Tú bà, Thúy Kiều bị bắt và phải chấp nhận số kiếp đau đớn thay ấy! Ở lầu xanh: Vui là vui gượng kẻo mà/ Ai tri âm đó mặn mà với ai? Nhưng Thúc sinh đến, Thúc sinh thật sự yêu Kiều và mong Kiều chấp nhận một tình nghĩa vợ chồng. Thế rồi Hoạn thư đánh ghen! Như vậy, tại Lâm Truy: một lần tự tử không chết, một lần chạy trốn không xong và một lần lấy chồng không được. Bị Hoạn thư hành hạ, Kiều trốn khỏi nhà Hoạn, nương nhờ cửa Phật. Có người phát giác chuyện chuông vàng, khánh bạc! Kiều lại rơi vào lầu xanh lần thứ hai. Tưởng yên thân với người anh hùng Từ Hải nhưng việc chẳng thành, Kiều phải nhảy xuống sông Tiền Đường tự vẫn. Nhưng Kiều lại được cứu sống. Hai lần tự tử, hai lần chạy trốn, hai lần lấy chồng để thoát khỏi cái khuôn ác nghiệt, tất cả đều không thành.
Khi đoàn tụ gia đình, Thúy Vân nói: Khuôn thiêng lừa lọc đã dành có nơi. (Chị đã được trời cởi khỏi cái khuôn bạc mệnh rồi. Khuôn ấy còn dành cho người khác).
Hình như trời đã chia nhỏ cái khuôn ấy, mỗi người chúng ta đều có một định mệnh!
Thúy Kiều là chị/ em là Thúy Vân, câu thơ có hai vế đối, cũng như mỗi người một từ khuôn, một cuộc đời!
Lê Xuân Lít

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)