Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Một tuần ở xứ sở kanguru

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

HS, giáo viên VN và HS, giáo viên Úc chụp hình chung

Đầu tháng 3-2010, một số giáo viên và 49 học sinh của hai trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM đã cùng nhau đến thăm xứ sở kanguru (Úc). Ở đây, thầy – trò Việt Nam đã được học tập và sinh hoạt cùng học sinh, người dân bản địa. “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, cô Lê Thị Ngọc Điệp – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm nhận xét về chuyến đi…
Làm quen
Vừa đặt chân xuống xứ sở kanguru, thầy – trò Việt Nam (VN) vô cùng ngạc nhiên trước sự đón tiếp nồng nhiệt của thầy – trò Trường Philips Chiristian College cũng như những người dân bản địa sinh sống quanh khu vực trường. Rồi tất cả cùng lâng lâng khi Quốc ca VN vang lên…
Sau đó, mỗi học sinh (HS) VN được một HS của Trường Philips Chiristian College kèm cặp. “Bạn này được gọi là budy. Budy của con tên là Kyle (10 tuổi), bạn ấy giúp con hòa đồng với môi trường học tập và sinh hoạt ở đây”, Thạch Đỗ Khôi Nguyên – HS lớp 3/2 Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (NBK) cho biết.
Vì đã từng đi “du học một tuần” ở Singapore năm trước nên Lê Xuân Phương Trang – HS lớp 5/1 Trường Đinh Tiên Hoàng (ĐTH) rất có kinh nghiệm. Trong chuyến đi Úc lần này, ngoài những vật dụng cần thiết phục vụ cho sinh hoạt cá nhân, em còn mang theo một cuốn sách ảnh về phong cảnh đất nước và con người VN để giới thiệu với các bạn HS Úc. “Các bạn HS Úc rất thích thú khi nghe con nói: “Đất nước VN của tôi cong cong hình chữ S”. Sau đó các bạn cùng con tìm VN trên bản đồ thế giới”, Phương Trang vui vẻ kể lại.
Còn Đặng Thanh Thuận Nhi – HS lớp 5/3 Trường NBK thì tự hào kể với budy của mình về chiếc áo dài truyền thống VN.
Món quà Lê Đình Khôi – HS lớp 5/1 Trường ĐTH mang tới xứ sở kanguru rất đặc biệt. Đó là ba quả cầu. Ở xứ sở kanguru, HS không biết trò chơi đá cầu nên khi nhìn thấy các bạn HS VN chơi, các em rất thích. “Tụi con đã dạy cho các bạn ấy chơi. Sau đó con tặng cho budy của mình một quả…”, Đình Khôi nhớ lại.
Và qua các budy của mình, HS VN cũng hiểu hơn về đất nước Úc, về loài chuột túi (kanguru)…
Học

Cho kanguru ăn

Lần đầu tiên bước vào lớp học của Trường Philips Chiristian College, HS VN thật sự choáng vì phòng học quá rộng. Bàn ghế thì xếp “lung tung”, không trật tự như ở các trường học của VN. Bốn bức tường treo đầy tranh ảnh, có những bức tranh vẽ nguệch ngoạc. Hỏi ra thì được biết đó là tác phẩm của các bạn HS trong lớp…
“Phòng học thì rộng gấp 2-3 lần phòng học của mình nhưng ngược lại sĩ số HS chỉ bằng 1/2 so với sĩ số lớp 5/3 của con”, Quách Ngọc Nhã Quỳnh – HS lớp 5/3 Trường NBK nói.
“So với HS VN, HS Úc học rất nhẹ nhàng. Thời gian học của các em bắt đầu từ 9 giờ sáng và kết thúc vào 3 giờ chiều. Các em ra chơi ba lần, trong đó có một lần nghỉ trưa vào lúc 12 giờ – 1 tiếng. Lúc đó các em sẽ lấy thức ăn được đem từ nhà ra ăn. Các em có thể ngồi ăn ở bất kỳ nơi nào trong khuôn viên trường học. Hoàn toàn không có bảo mẫu phục vụ như ở VN. Điều đó giúp HS Úc tự lập hơn nhiều so với HS VN”, cô Ngọc Điệp – Trường NBK cho biết.
Về chương trình giảng dạy, cô Mai Thị Ngọc Lan – Hiệu trưởng Trường ĐTH nhận xét: “HS được học cái mà thực tế cần, chứ không lớn lao và cao siêu như ở VN. Qua Úc, HS lớp 5 của mình làm được toán lớp 8, HS lớp 3 làm được toán lớp 5 nhưng thua kém nhiều thứ khác. HS Úc được dạy về quy trình trồng và chăm sóc cây, các em ứng dụng ngay trong vườn của gia đình. Đất nước Úc có nhiều gỗ nên HS được học nghề mộc, các em có thể đóng một cái chuồng gà, chuồng gia súc và thậm chí là một ngôi nhà. Trong trường cũng có bếp nhưng bếp không phải để nấu bữa trưa cho HS mà để dạy các em nấu ăn. Có hai loại bếp, bếp nấu cho gia đình và bếp nấu cho nhiều người ăn. HS được dạy nấu ăn ở cả hai loại bếp để phục vụ gia đình và khi cần thiết thì phục vụ khách du lịch. Và các em có thể kiếm được tiền khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường…”.
Chơi

Vui mừng vì “săn” được một con cá mập

Ở Úc, sân chơi cũng rất rộng – rộng tới 4-5 lần so với các trường học ở VN. Và sân chơi có đủ thứ trò chơi, từ những trò chơi nhẹ nhàng, thư giãn đến những trò chơi vận động. “Có lẽ vì vậy mà không HS nào của Trường Philips Chiristian College bị béo phì. Hoàn toàn khác với VN, trường nào cũng có HS béo phì…”, cô Ngọc Điệp nói.
Đoàn HS VN còn cùng các budy của mình đi thăm trang trại. Ở đó, các em được tận mắt nhìn thấy con dê và cầm bình sữa cho dê con bú. Rồi được vắt sữa bò, được vuốt ve những chú kanguru, cho chúng ăn.
Song thú vị và mạo hiểm nhất vẫn là đi “săn” cá mập. Cách Trường Philips Chiristian College không xa có một cái hồ bơi rất to, trong đó có nuôi cá mập (cá mập nhỏ và đã bị bẻ hết răng). Sau khi mặc đồ bơi, các em HS được thả xuống hồ và chiến đấu với cá mập… Cuối cùng các em cũng bắt được một con cá mập con. Cả hội sung sướng lôi chiến lợi phẩm lên mặt nước và… chụp ảnh.
Sau một tuần học và chơi hết mình, đoàn giáo viên và HS VN phải tạm biệt các bạn ở Trường Philips Chiristian College cùng những người dân bản xứ để về nước. Trở lại trường, HS của Trường ĐTH, Trường NBK đã biết xếp hàng khi mua đồ ở căng tin, bảo vệ cây xanh, không xả rác. Và các em thấy mình tự tin hơn cũng như cần phải cố gắng học tập để sau này lớn lên xây dựng đất nước VN ngày càng giàu đẹp…
Hòa Triều (ghi lại)

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)