Day dứt trước thực trạng trẻ em thành phố ít có cơ hội trải nghiệm các trò chơi dân gian, cô Vũ Thị Như Nhi (giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1) đã thực hiện dự án “Cho em tuổi thơ”, nhằm trao cho học sinh trong trường những “tuổi thơ đúng nghĩa” khi được đắm mình trong các trò chơi bổ ích.
Học sinh Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm chơi trò bịt mắt bắt dê |
Dự án được thực hiện bởi 54 học sinh lớp 2/8 và một vài học sinh khối 3, 4, 5 với nhiều hoạt động tái hiện lại những trò chơi dân gian như vẽ tranh ảnh, lịch, sáng tác bài đồng dao; thiết kế những góc trò chơi dân gian trong sân trường và lớp học, biến những giờ ra chơi thành những chuyến tàu tuổi thơ đầy ý nghĩa.
Học mà chơi, chơi mà học
Cô Nhi cho biết trước khi triển khai, nhóm thực hiện dự án đã làm một khảo sát trên 300 học sinh trong trường về trò chơi dân gian. Kết quả, 32% em được hỏi cho biết chưa bao giờ được tiếp xúc với trò chơi dân gian, cuối tuần thường phải đi học, còn ở nhà thì coi ti-vi, chơi game. 100% học sinh mong muốn có góc trò chơi dân gian trong trường, trong lớp để được vui chơi cùng bạn bè.
Để học sinh có cái nhìn sâu hơn về các trò chơi dân gian, cô Nhi đã mời nhà thơ Trần Quốc Toàn về giao lưu với các em thực hiện dự án và phụ huynh tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Chia sẻ trong buổi giao lưu, nhà thơ Trần Quốc Toàn cho rằng trẻ em thành phố thiệt thòi khi ít hoặc không có những trải nghiệm của một tuổi thơ đúng nghĩa với những trò chơi dân gian lý thú và bổ ích. “Dự án sẽ bù đắp một phần thiệt thòi đó, đặt vào tay các em những tuổi thơ đúng nghĩa”, nhà thơ nói.
Chơi trò ô ăn quan |
Cô Nhi cho biết, qua những chia sẻ từ phía nhà thơ Trần Quốc Toàn về văn hóa truyền thống, về các trò chơi của trẻ em thời xưa, đã mang đến cho học sinh những hiểu biết nhất định về các trò chơi dân gian. Trong buổi giao lưu, phụ huynh còn được “phát vé về tuổi thơ” khi cùng con chơi nhiều trò chơi như bịt mắt bắt dê, cướp cờ, banh đũa (chuyền). Cùng với đó, hình ảnh các trò chơi dân gian như banh đũa, trốn tìm, rồng rắn lên mây, nhảy dây, ô ăn quan, chi chi chành chành… cũng được học sinh tái hiện lại đầy sinh động qua bộ sưu tập “em yêu trò chơi”. Theo cô Nhi, bộ sưu tập gồm những mẫu áo thun, áo dài, nón lá, lịch năm mới rất lạ được các em tự thiết kế bằng những hình vẽ về các trò chơi dân gian. Ngoài ra, nhóm thực hiện dự án còn tự sáng tác những bài đồng dao mới dựa trên các bài đồng dao có sẵn, tự mày mò tìm kiếm qua sách báo, internet, sưu tập các trò chơi dân gian… rồi tổng hợp lại thành tuyển tập các bài đồng dao, các trò chơi dân gian quen thuộc. “Đặc biệt, các em còn sáng tạo ra những bài tập để giúp các bạn vui học chính tả, toán cùng trò chơi dân gian. Học mà chơi, chơi mà học là một trong những ý nghĩa thiết thực nhất của dự án”, cô Nhi nhấn mạnh.
Chuyến tàu tuổi thơ
Dự án “Cho em tuổi thơ” được cô Nhi và học sinh thực hiện từ tháng 11. Cũng từ đó đến nay, giờ ra chơi của lớp 2/8 và học sinh toàn trường dường như được “khoác một tấm áo mới”. Từng tốp học sinh chơi banh đũa, ô ăn quan, mèo đuổi chuột, bịt mắt bắt dê hay cùng nhau giải những bài toán về trò chơi dân gian. Những bài đồng dao cũng được các em nghêu ngao cất lên, không còn xa lạ nữa… “Bằng cách tạo ra những góc trò chơi dân gian ngay trong sân trường và lớp học. Các góc trò chơi này thật ra chỉ là một góc nhỏ được tận dụng đặt những bộ banh đũa, ô ăn quan… Các em sẽ được cùng nhau trải nghiệm những trò chơi dân gian vào giờ ra chơi. Những trải nghiệm này sẽ nuôi dưỡng các em có tâm hồn trong trẻo”, cô Nhi bày tỏ.
“Chuyến tàu tuổi thơ” là lời ví von của nhiều phụ huynh dành cho dự án được viết trên fanpage (trang mạng xã hội) của dự án. Bởi dự án không chỉ “chở” học sinh về ga tuổi thơ, sống đúng với lứa tuổi của mình mà còn cho phụ huynh những tấm vé khứ hồi trở về tuổi thơ, được cùng con chơi những trò chơi thời thơ ấu. “Cùng con chơi ô ăn quan, nhảy lò cò trước sân mỗi khi rảnh rỗi đã trở thành thói quen của gia đình tôi. Con đã hạn chế chơi điện tử và xem ti-vi. Cảm ơn dự án rất nhiều”, chị Nguyễn Thu (phụ huynh một học sinh lớp 2/8) chia sẻ.
Chơi trò banh đũa |
Khi được hỏi về các trò chơi dân gian, Duy Hoàng (học lớp 2/8) nhanh nhảu cho biết đó là những trò chơi được truyền từ đời này sang đời khác bằng chính tính sáng tạo của cha ông. “Vào giờ ra chơi, em và các bạn trong lớp thường cùng nhau chơi banh đũa và đọc những bài đồng dao. Về nhà, con còn rủ ba mẹ chơi cùng nữa”, Hoàng nói.
Cô Tống Thị Mai Hương (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho biết dự án “Cho em tuổi thơ” đúng như tên gọi, đã trao cho học sinh cơ hội được vui chơi những trò chơi dân gian truyền thống đang dần bị lãng quên trong tuổi thơ thành phố. Dự án còn như một lời nhắn nhủ đến các bậc phụ huynh rằng hãy dành thời gian nhiều hơn nữa để chơi cùng con, trải nghiệm cùng con bằng chính những trò chơi dân gian để bồi đắp và tạo dựng cho con những tuổi thơ không phải là bằng điện thoại, bằng ipad hay khu vui chơi.
Trần Yến
Bình luận (0)