Mới đây dư luận cả nước rất phấn khởi trước đề nghị của Bộ GD-ĐT sẽ đưa vào sách giáo khoa nội dung về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1978, chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 và các cuộc chiến bảo vệ hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc…
Ngược dòng lịch sử để thấy rằng, trong suốt quá trình dài, chúng ta dù đã có tuyên truyền, có giáo dục lịch sử truyền thống giữ nước nhưng xem ra vẫn còn nhiều hạn chế. Nói như một số nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử: “Chúng ta sẽ có lỗi với lịch sử khi không đưa hay đưa quá qua loa, chiếu lệ các sự kiện vừa nêu vào sách giáo khoa…”.
Nhiều người giật mình trước thông tin: Sách giáo khoa lịch sử lớp 12 THPT chỉ có vỏn vẹn 11 dòng viết chung chung về các cuộc chiến tranh nêu ở trên. Câu hỏi đặt ra: Học sinh sẽ biết gì, nghĩ gì, hiểu gì và làm gì trước lịch sử chống ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Vậy mà tất cả chỉ gói ghém trong 11 dòng trên trang sách lịch sử. Có xót và lo lắng lắm chăng?
Trở lại thực tế, chúng ta lo ngại về sự sa đà, lãng quên lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc của lớp trẻ. Lớp trẻ “mù mờ” về lịch sử giống nòi, không biết các anh hùng nước nhà như: Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Quang Trung…, nhưng rành rẽ danh tướng các nước khác. Tai hại hơn nữa là sự nhầm lẫn rất lo ngại về tiểu sử, công lao… của các nhân vật lịch sử như: Nhầm lẫn giữa Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ, Quang Trung và Gia Long… Gần đây nhất là sự kiện hai MC của VTV nhầm lẫn Trần Hưng Đạo và Ngô Quyền khiến dư luận hết sức bức xúc. Trách nhiệm giáo dục lịch sử thuộc về ai? Biết muộn là chưa muộn. Điều này đã được chứng minh qua dòng thời gian.
Theo tôi, việc đưa sự thật lịch sử các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, hải đảo vào sách giáo khoa là cần thiết, thiết thực hơn bao giờ hết. Đây là hành động tối quan trọng góp phần nâng cao nhận thức, suy nghĩ, hành động của thế hệ trẻ trước vận mệnh của đất nước trong tình hình hiện nay.
Trương Thanh Liêm (Cần Thơ)
Bình luận (0)