Tòa soạnThư đi – tin lại

Mũ bảo hiểm dỏm tràn lan: Phạt thế nào?

Tạp Chí Giáo Dục

Lực lượng quản lý thị trường đang kiểm tra một điểm kinh doanh MBH

Mũ bảo hiểm (MBH) dỏm hiện được người dân sử dụng tràn lan. Nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra, dù người đi xe máy có đội MBH vẫn bị thương, chết người nhưng không biết kiện ai?
Những bất cập
Tại cuộc hội thảo gần đây, ông Nguyễn Hữu Tài – cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ – đường sắt Công an TP.HCM, cho biết, khi khám nghiệm hiện trường tai nạn giao thông phát hiện rất nhiều vụ bị thương tật, thậm chí ảnh hưởng tính mạng do MBH dỏm gây ra. Tuy nhiên, nhiềucâu hỏi đặt ra, thị trường tràn ngập MBH dỏm, khi người dân đội mũ dỏm bị tai nạn dẫn đến chết người, ai sẽ chịu bồi thường? Có thể kiện cơ quan quản lý Nhà nước?
Theo khảo sát của chúng tôi, cho đến thời điểm này, khi các lực lượng ra quân truy quét MBH dỏm thì trên thị trường, dù mũ xịn vẫn không ghi hạn sử dụng. Điều này dẫn đến việc người dân không biết được chất lượng mũ kém đi nên vẫn cứ sử dụng, khi tai nạn xảy ra sẽ gặp nguy hiểm tính mạng. Ông Trần Văn Xiêm – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa miền Nam – cảnh báo, về mặt hóa học, sau một thời gian các nguyên liệu cấu tạo MBH sẽ bị lão hóa, hư hỏng. Nhà sản xuất cần thể hiện hạn sử dụng để người dùng nhận biết và đổi mũ mới, đảm bảo an toàn. Câu hỏi đặt ra, đối với MBH không ghi hạn sử dụng, người dân dùng đến 5-10 năm sau, khi xảy ra tai nạn dẫn đến chết người, biết kiện ai?
Lâu nay, MBH được các công ty bảo hiểm, các nhà sản xuất xe máy, ngân hàng… đặt làm quà biếu, tặng khách. Trong trường hợp này, MBH gần như không để tên nhà sản xuất, nơi sản xuất, hạn sử dụng. Khi tai nạn xảy ra, mũ này kém chất lượng nên không bảo vệ được phần đầu người dùng. Vậy, sẽ kiện ai trong vụ này? Nhà sản xuất hay đơn vị tặng mũ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị nạn? Hầu hết nhà sản xuất chưa tính tới khả năng này và cũng chưa đơn vị nào chịu nhận trách nhiệm về mình. Các cơ quan quản lý dù để MBH dỏm tràn ngập thị trường nhưng vẫn không chịu trách nhiệm khi có tai nạn xảy ra. Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, đối với các trường hợp vừa đề cập, người dùng luôn chịu thua thiệt. Bởi muốn kiện thì người tiêu dùng phải chứng minh được mua mũ ở đâu? Tuy nhiên, ngay cả người bán lẫn người mua đều không quan tâm đến hóa đơn chứng từ, không lưu lại nên khi sự cố xảy ra cả nhà sản xuất lẫn nơi bán hàng không ai chịu bồi thường.
Chỉ phạt người đội mũ… không phải MBH
Theo ông Hoàng Lâm – Phó giám đốc Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 – phần lớn người dân, nhất là dân lao động không thể nào nhớ hết được các dấu hiệu nhận biết, phân biệt mũ thật, mũ dỏm, cũng không biết đâu mà mũ đạt chất lượng, đâu là mũ kém chất lượng. Đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý, của nhà sản xuất. Vấn đề quan trọng là ngăn chặn, hạn chế tối đa MBH dỏm ra thị trường.
Về phía nhà sản xuất, ông Nguyễn Hùng – Chủ cơ sở sản xuất MBH Đức Huy – cho biết: “Hiện nay MBH kém chất lượng chỉ chiếm khoảng 10% trên thị trường nhưng mũ “cách điệu, mũ thể thao…”, những mũ không phải MBH mà chỉ đội lốt MBH chiếm đến 70% thị trường. Vì thế, không nên phạt người dân đội MBH kém chất lượng mà làm sao để người dân thấy lợi ích của việc đội MBH đạt chất lượng trong việc bảo vệ tính mạng của họ để chuyển sang dùng mũ xịn. Ông Trần Hùng – Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường – giải thích chỉ phạt đối với người đội MBH thời trang, mũ cách điệu, mũ thể thao… các mũ không phải là MBH dành cho người đi mô tô, xe máy theo quy định. Ngược lại, người dân do không biết nên đội MBH kém chất lượng, mũ nhái, giả nhãn hiệu… thì không nên xử phạt.
Bài, ảnh: Vũ Việt Giang
Theo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, triển khai thí điểm thông tư liên tịch về sản xuất, kinh doanh, sử dụng MBH, từ ngày 7-3 đến gần cuối tháng 3-2013 đã tịch thu hơn 10.800 chiếc MBH dỏm.
 

Bình luận (0)