Tòa soạnThư đi – tin lại

Mù chữ vì không có hộ khẩu

Tạp Chí Giáo Dục

Vì muốn đi học nên 2 cậu bé này đã theo mẹ đi xin hộ khẩu tại xã Phong Điền

Đây là thực trạng đã và đang xảy ra tại các xã vùng sâu ven biển của huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ngày ngày nhìn con lớn khôn, lẽ ra các bậc cha mẹ rất sung sướng, nhưng trái lại họ càng xót xa bởi biết trước tương lai của con mình sẽ mù mịt vì… không có hộ khẩu thường trú.
Các xã Phong Điền, Phong Lạc, Trần Hợi, Bình Khánh Tây, Phong Phú… thuộc huyện Trần Văn Thời tỉnh Cà Mau hiện có hàng trăm hộ gia đình di cư từ nơi khác đến làm ăn, do điều kiện gia cảnh khó khăn nên họ không đáp ứng được tiêu chuẩn nhập cư (hộ khẩu) tại địa phương. Hệ quả của nó là hàng trăm con em của họ đã đến tuổi đi học nhưng không được đến trường.
Cũng như các gia đình khác, chị Mai Thị Nụ hiện có 2 con đến tuổi đi học nhưng do không có hộ khẩu tại xã Phong Phú nên ngày ngày chị đành xót xa nhìn con buồn bã. “Gia đình tôi vì quá nghèo nên phải bỏ xứ từ Bến Tre đến đây sinh sống đã hơn 9 năm. Vì ở đây chồng tôi có thể đi biển, còn tôi thì đến làm tạp vụ ở cảng Sông Đốc. Cuộc sống đỡ khổ hơn ở quê nhà, nhưng hai đứa con lại không được đến trường. Năm nay bé Đào, con gái lớn của tôi đã 8 tuổi, bé Biển 6 tuổi, thương chúng cứ đòi đi học hoài, mà thật lòng tôi cũng không biết giải thích sao cho các con hiểu. Bé Đào mỗi lần nghe radio thiếu nhi là nó khóc đòi đi học…”.
Vợ chồng anh Thạch Thia Rùm, đồng bào Khmer từ Sóc Trăng sang xã Phong Điền sống đã 6 năm nay cũng có hoàn cảnh tương tự như chị Nụ. Con trai anh đã 10 tuổi nhưng cũng chưa được đi học ngày nào. Anh tâm sự: “Tôi chỉ mong con tôi biết đọc, biết viết như người ta. Tôi không biết chữ nên thấy điều này khổ nhiều lắm. Nhưng đi xin hoài không được hộ khẩu phải chịu thôi, con tôi chắc sẽ khổ như tôi thôi”.
Anh Nguyễn Văn Sơn, kinh doanh thu mua cá ở cảng Sông Đốc phân tích: “Ở đây, đường đi trên sông là chủ yếu, các xã vùng ven biển thì xa, muốn đi học phải chạy ghe hơn một tiếng đồng hồ mới đến trường, trong khi người lớn phải làm việc để kiếm tiền sẽ rất khó khăn khi đưa con đi học. Nhưng cũng thương cho tụi nhỏ phải chịu mù chữ, vì không có hộ khẩu ở địa phương. Tôi thấy nếu chính quyền tạo điều kiện thì cha mẹ chúng cũng tìm cách được, chứ đòi có đất cố định thì những người nghèo bỏ xứ đến đây lấy gì mà mua”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Duy Quốc Tuấn – Chủ tịch UBND xã Phong Điền thừa nhận: “Trên địa bàn xã chúng tôi nói riêng, hiện đang tồn tại gần 100 hộ xin cấp hộ khẩu thường trú. Sở dĩ chúng tôi phải chấp nhận như thế là vì những gia đình di cư tạm trú ở địa bàn, có hộ đã 10 năm nhưng không ở cố định một chỗ, thường xuyên di chuyển gây khó cho sự quản lí của cơ quan chức năng. Phải ít nhất có đất ở chúng tôi mới dám cấp hộ khẩu…”.
Về việc học của các em thì ông Tuấn chia sẻ: “Chúng tôi đang cố gắng tạo điều kiện cho các cháu được đến lớp học. Nhưng khó khăn là việc chênh lệch tuổi tác ở nhiều em, không phù hợp và có thể cản trở việc giảng dạy, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Hiện, chúng tôi đang chờ chỉ đạo của cấp trên để sớm có cách giải quyết tình trạng này”.
Bài, ảnh: Mã Phương

Bình luận (0)