Mua bán địa chỉ email trên các trang web đã trở nên phổ biến
Người bạn tôi ở một công ty “săn đầu người” cần biết thông tin về một chuyên gia máy tính mà công ty anh đang “đặt vào tầm ngắm”. Một đối tác đang cần “săn” người này để bổ sung vào bộ máy nhân sự đang thiếu hụt. Muốn được việc, cần phải nắm chắc những thông tin về “đối tượng”, nhất là các mối quan hệ xã hội, thói quen và sở thích cá nhân.
Sau cú điện thoại, một bản hợp đồng cung cấp thông tin đã được ký với công ty A. Theo đó, phía công ty A có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và chính xác những thông tin về “đối tượng” trong thời hạn ba ngày, kèm theo một khoản phí không nhỏ.
Đúng hẹn, người bạn tôi nhận được một văn bản từ công ty A, trong đó có đầy đủ các dữ liệu cần thiết: số điện thoại, địa chỉ email, địa chỉ nhà riêng, địa chỉ cơ quan, năng lực làm việc. Nhưng phần quan trọng nhất là trong đó có ghi rõ “đối tượng” thường đi lại, quan hệ thân thiết với ông X, bà Y; thích nghe nhạc cổ điển vào đêm khuya; có thói quen uống cà phê ở quán N vào 15h hàng ngày…
Nắm được những thông tin này, công ty cần người liền lên kế hoạch tiếp cận: dựa vào các mối quan hệ “dắt dây” với những người thân của “đối tượng”, đồng thời cử một nhân viên cũng có sở thích nghe và am hiểu về nhạc cổ điển đến tiếp xúc. Kết quả là sau hai tuần “kết bạn”, việc thuyết phục “đối tượng” chuyển nơi làm việc đã thành công.
Cách đây ít lâu, nhân viên của một mạng xã hội tiết lộ, ở công ty của anh hiện có hồ sơ thông tin về hàng trăm người làm việc trong một số lĩnh vực khá đặc thù và nhạy cảm. Những hồ sơ này cũng được đặt mua từ một đơn vị làm dịch vụ bán thông tin về nhân thân của những đối tượng “có số má”, nhất là các nhà khoa học, nhân sự cao cấp, thương gia, văn nghệ sĩ, nhà báo, v.v…
Hành nghề như… thám tử
“Núp bóng” một người bạn, tôi có dịp được tiếp xúc với một người làm “nghề” thu thập thông tin. Anh đang “theo dõi đối tượng” là nhân sự cao cấp của một công ty thương mại, hiện cũng đang có mặt cùng vài người bạn tại quán cà phê ấy. Vừa trò chuyện với chúng tôi, anh vừa quan sát kỹ lưỡng từng hành vi của “đối tượng”. Yêu cầu nghề nghiệp không cho phép anh ghi chép tại chỗ, nhưng bù lại, anh có trí nhớ và khả năng phân tích tình huống cực tốt.
Chờ “đối tượng” đi khỏi, anh mới “bật mí”: “Chúng tôi đã theo ông này từ hai ngày nay, phải bám ông ta từng bước, gần như không ăn, không ngủ. Hiện đã thu thập được khoảng 80% dữ liệu theo yêu cầu của khách hàng”.
“Nghề” của anh đòi hỏi hoạt động độc lập, quan trọng nhất là phải đảm bảo tuyệt đối không được để lộ hành tung. Những lần xuất hiện trước mặt “đối tượng” phải hết sức khéo léo để tránh bị nghi ngờ. Anh cho biết, mặc dù mới “vào nghề” được gần hai năm nay, nhưng anh đã nắm được thông tin của gần 40 “đối tượng”, phần lớn là nhân sự cao cấp.
“Nghề của anh sao giống thám tử quá?”, chúng tôi hỏi. Anh cười: “Chắc cũng chẳng khác nhau là bao. Có điều, không phải đối tượng nào chúng tôi cũng đưa vào “tầm ngắm”. Phải là những người có chút tiếng tăm, có vị trí nhất định trong xã hội thì chúng tôi mới bỏ công theo dõi. Hơn nữa, những thông tin mà chúng tôi thu thập và cung cấp cho khách hàng chỉ là để phục vụ mục đích thương mại, nên không quá phức tạp như công việc của thám tử”.
Trở lại với những khách hàng, họ cho biết, trong hợp đồng cung cấp thông tin có hai điểm ràng buộc mà các bên đều phải tuân thủ tuyệt đối: thứ nhất là phía mua thông tin phải nói rõ mục đích của mình, và cam kết làm đúng mục đích ấy. Những mục đích có thể gây hại cho “đối tượng” đều bị từ chối; thứ hai là tuyệt đối không tiết lộ danh tính của công ty bán thông tin.
Những khách hàng mà chúng tôi quen biết đều có chung nhận xét: Thông tin được cung cấp bởi các công ty này đều chính xác đến tuyệt đối. Đó là cơ sở đáng tin cậy để các khách hàng có thể sử dụng nhằm tiếp cận và chinh phục các “đối tượng”.
Theo Hải Việt
Sài Gòn tiếp thị
Bình luận (0)