Hội nhậpThế giới 24h

Mùa bão bắt đầu

Tạp Chí Giáo Dục

Bắc Bán cầu đón cơn bão đầu tiên của năm 2024 trong lúc Tổ chức Khí tượng thế giới dự báo về một mùa bão bận rộn ở Đại Tây Dương

Hội đồng Quản lý và Giảm thiểu rủi ro thiên tai quốc gia của Philippines ngày 26-5 cho biết bão Aghon (tên quốc tế là Ewiniar) đã gây ra lũ lụt và lở đất ở nhiều vùng của nước này, làm 4 người bị thương và ảnh hưởng đến 2.734 người. 

Theo Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines, hoạt động tại nhiều cảng bị đình trệ, ảnh hưởng khoảng 6.000 hành khách, tài xế xe tải và nhân viên khác.

Tân Hoa Xã cho hay Ewiniar là cơn bão đầu tiên tấn công Philippines trong năm nay, ảnh hưởng đến khu vực Bicol trên đảo chính Luzon và khu vực Đông Visayas ở miền Trung. Bão này được dự báo sẽ tiếp tục gây mưa lớn ở nhiều khu vực trong lúc cảnh báo lũ lụt và lở đất đã được đưa ra.

Bão Ewiniar sẽ tiếp tục mạnh lên trong 2 ngày 27 và 28-5, rời khỏi Philippines ngày 29-5. Theo báo Asahi, bão Ewiniar dự kiến đến đảo chính của tỉnh Okinawa trong ngày này trước khi đổ bộ đất liền Nhật Bản một ngày sau đó.

Đây cũng là lần đầu tiên trong năm 2024, Bắc Bán cầu đón một cơn áp thấp mạnh lên thành cấp độ "bão nhiệt đới" – trang Fox Weather nhận định về bão Ewiniar. Không có mùa bão rõ ràng như Đại Tây Dương, khu vực Tây Thái Bình Dương có thể xuất hiện bão quanh năm – chủ yếu từ tháng 5 đến tháng 10.

Các thành viên Hiệp hội Trăng lưỡi liềm Đỏ Bangladesh dùng loa cảnh báo người dân về cơn bão Remal tại khu vực Shyamnagar thuộc huyện Satkhira ngày 26-5Ảnh: Reuters

Các thành viên Hiệp hội Trăng lưỡi liềm Đỏ Bangladesh dùng loa cảnh báo người dân về cơn bão Remal tại khu vực Shyamnagar thuộc huyện Satkhira ngày 26-5. Ảnh: Reuters

Cũng trong ngày 26-5, Bangladesh và Ấn Độ đối mặt cơn bão đầu tiên trong năm, gọi là bão Remal. Theo Reuters, Văn phòng Thời tiết Bangladesh đã nâng cảnh báo về mức độ nguy hiểm của bão đối với 2 cảng và 9 huyện ven biển. Ngoài ra, gần 8.000 nơi trú ẩn tránh bão đã được chuẩn bị và 78.000 tình nguyện viên đã được huy động. 

Còn nước láng giềng Ấn Độ đã triển khai lực lượng cứu trợ thiên tai ở bang Tây Bengal. Các chuyến bay đã bị đình chỉ ở TP Kolkata – thủ phủ của bang này.

Trong khi đó, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) vừa dự báo về một mùa bão bận rộn ở Đại Tây Dương (kéo dài từ ngày 1-6 đến 30-11) do nhiệt độ cao ở đại dương và sự hình thành dự kiến của hiện tượng La Nina. 

Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương (NOAA) của Mỹ cũng dự báo mùa bão Đại Tây Dương có tới 85% khả năng xảy ra trên mức bình thường, chỉ có 10% khả năng xảy ra bình thường và 5% dưới mức trung bình.

Sẽ có khoảng 17 – 25 cơn bão được đặt tên (sức gió từ 62,7 km/giờ trở lên), trong đó 8 – 13 cơn đạt sức gió 119 km/giờ trở lên. NOAA cũng dự báo mùa bão khu vực trung tâm Thái Bình Dương có 50% khả năng dưới mức bình thường, 30% diễn ra bình thường và 20% trên mức bình thường.

Trước các dự báo trên, Phó Tổng Thư ký WMO Ko Barrett nhấn mạnh sự cần thiết của việc đầu tư nâng cao hệ thống cảnh báo sớm, vì chỉ cần một cơn bão đổ bộ đã có thể kéo lùi nhiều năm phát triển kinh tế – xã hội. Ngoài ra, hiện tượng nước biển dâng khi kết hợp với các cơn bão làm tăng nguy cơ tiềm ẩn cho các hoạt động ven biển. Trong những năm gần đây, các cơn bão cũng mạnh lên nhanh chóng, đặt ra thách thức đáng kể khi nó xảy ra gần bờ biển. 

Lập bản đồ dự báo lũ lụt

Nhật Bản đã lên kế hoạch lập bản đồ dự báo lũ lụt cho Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Thái Lan nhằm giúp giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra tại các quốc gia Đông Nam Á này.

Đó là thông tin được giới chức Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản chia sẻ với hãng tin Kyodo ngày 26-5. Tokyo sẽ cung cấp bản đồ dự báo lũ lụt cho 4 quốc gia trên trong năm tài chính bắt đầu từ tháng 4-2025 và kỳ vọng nỗ lực này sẽ dẫn đến các dự án cơ sở hạ tầng có sự tham gia của công ty Nhật Bản.

Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản dự kiến sử dụng thông tin địa lý địa phương cùng với dữ liệu vệ tinh do Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản cung cấp để thiết lập bản đồ. Dự báo lũ lụt sẽ dựa trên khu vực được xác định là quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của mỗi nước.

Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Campuchia được đánh giá có vai trò quan trọng đối với chuỗi cung ứng Nhật Bản. Do đó, Tokyo hy vọng công ty Nhật Bản có thể sử dụng bản đồ dự báo lũ để hỗ trợ quyết định thâm nhập các thị trường này. Trong tương lai, Nhật Bản có kế hoạch chia sẻ kiến thức chuyên môn để hỗ trợ 4 quốc gia này lập bản đồ dự báo lũ lụt của riêng mình.

Kế hoạch trên được triển khai trong bối cảnh chính phủ Nhật Bản mong muốn củng cố quan hệ với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Tokyo cũng đang cân nhắc mở rộng phạm vi dự án sang Nam Mỹ và châu Phi, nơi nhiều quốc gia thường vật lộn với lũ lụt.

Cao Lực

Theo Anh Thư/NLĐO

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)