Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

“Mua” bệnh vào người vì ham hàng rẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Người tiêu dùng nên tỉnh táo trước “ma trận” hàng sale off
Không cần hẹn nhưng tất cả các cửa hàng thời trang, cửa hàng mỹ phẩm cũng đồng loạt trưng bảng sale off (giảm giá). Những bảng “xả hàng cuối năm”, “bán giá gốc”… đã tạo nên một “ma trận” bẫy người tiêu dùng. Thời điểm này cũng là lúc thời trang lề đường nở rộ, nhộn nhịp nhất trong năm.
Quần áo, mỹ phẩm cũng “tung tăng” sale off
Tại cửa hàng quần áo The Blue trên đường Nguyễn Trãi (Q.5, TP.HCM) đặt nguyên kệ hàng sale off  án ngự ngay mặt tiền lúc nào cũng đông đúc, tấp nập khách ra vào, quần sọt, kaki, áo thun, sơ mi giá chỉ từ 50-150 ngàn đồng. Cũng có những shop quần áo treo bảng giảm giá chỉ là hình thức câu khách, gây sự tò mò và đôi khi cũng chẳng liên quan như “tất cả đồng giá 100 ngàn đồng” nhưng khi vào hỏi thì chủ cửa hàng cho biết, chỉ áp dụng với hàng nằm dưới đất thôi chứ treo trên kia là 150 ngàn và phía trong là 230 ngàn?!?
Một chị chủ shop quần áo trên đường CMT8 (Q.3) cho biết, thời gian này ở đây ai cũng để bảng giảm giá thu hút khách hàng. Nhưng hàng giảm đa phần là hàng tồn của năm. Chịu khó chọn thì cũng tìm được một cái ưng ý, nhưng phải chịu chen lấn, xô đẩy. Hàng sale off bao giờ cũng đổ đống mặc cho người mua đào bới xới tung lên để chọn đồ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá quần áo chỉ dao động từ 50-100 ngàn tại các chợ bỏ sỉ, thế nhưng khi về tới shop thì giá bán được đẩy lên gấp 3 lần hoặc 5 lần so với giá gốc. Điều đó có nghĩa là một cái áo giá gốc 50 ngàn nhưng bán giá 150 ngàn thì có giảm 50% đi chăng nữa vẫn lời 25 ngàn.
Ngoài lề đường cũng nhộn nhịp không kém các shop thời trang. Quần áo nhập khẩu giá bèo: Áo thun Nhật 60 ngàn, áo sơ mi Thái 70-120 ngàn, quần kaki xịn 90 ngàn… Trong shop ít ai trả giá thì ngoài đường trả giá nào cũng “dính chưởng”.
Mỹ phẩm nhiều nhất vẫn là ở các chợ. Son môi giá rẻ bèo chỉ 30-50 ngàn/thỏi. Những thỏi son đổ đống mặc sức cho khách hàng lựa chọn. Những “thỏi son 3 không”: Không vỏ hộp, không nguồn gốc xuất sứ và không hạn sử dụng vẫn được các bạn trẻ thi nhau mua. Bên cạnh đó, cũng có những cây son để trang trọng trong tủ kính thắp đèn sáng choang là tên tuổi những thương hiệu nổi tiếng như MAC, Ysl, Lacome… nhưng giá siêu rẻ chỉ 130 ngàn. Chưa bàn về giá nhìn là biết đây là hàng fake (hàng giả) nhưng chủ bán ở chợ Hạnh Thông Tây (Q.Gò Vấp) cứ luôn miệng “Ở đây chị bán hàng chất lượng 100% nói không với hàng giả”?!?
Trên trang mạng xã hội cũng giảm giá chóng mặt, các loại son có thương hiệu giảm 50%. Những lời khẳng định nghe rất kêu và khá uy tín như thanh lí hàng xách tay từ Mỹ, từ Pháp giá gốc là 550 ngàn nhưng do còn vài cây bán giảm giá cho nhanh hết hàng để bán lô hàng mới. Vì giảm giá tới 70% nên đã thu hút đến vài trăm comment (bình luận). Nhưng nếu xem comment ở dưới thì có cả trăm người đặt mua mà vẫn có hàng?
Không chỉ son môi mà các loại phấn má, kem nền, BB Cream, phấn mắt, chì kẻ mắt, nước hoa… cũng bày bán tràn lan với giá rẻ bất ngờ. “Rẻ chưa từng thấy, rẻ không hề có” như lời rao của chủ bán ở chợ Hạnh Thông Tây (Q.Gò Vấp).
Đừng đùa với hàng giảm giá
Theo BS. Nguyễn Văn Tiến – Bệnh viện 175, TP.HCM thì chất lượng hàng giảm giá khó có thể kiểm soát được bởi nhiều lí do khác nhau. Thứ nhất, hàng cận date (ngày sử dụng) được giảm giá thu lại giá gốc và quá trình để lâu đã ảnh hưởng tới chất lượng. Đối với mỹ phẩm cần kiểm tra hạn sử dụng hoặc thử trên tay để khoảng 15 phút nếu thấy tay không nổi mẩn hoặc ngứa thì có thể mua. Thứ hai, nguồn hàng trôi nổi kém chất lượng được gắn mác của các thương hiệu lớn để đánh lừa người tiêu dùng chỉ sử dụng thời gian là hư hỏng phải bỏ đi. Đối với mỹ phẩm nhất là son môi luôn chứa một lượng kim loại nặng nhất định như chì, crôm, mangan…. Hàng trôi nổi trên thị trường thì việc kiểm soát hàm lượng và chất lượng rất khó khăn. Đừng ham rẻ mà vô tình “rước bệnh” vào người.
Giảm giá chỉ là một chiêu trò kích cầu mua sắm của người tiêu dùng. Hút sự chú ý của khách hàng tới cửa hàng của mình. Chỉ cần khách vào xem đồ giảm giá thấy không vừa ý là sẽ quay qua xem đồ không giảm giá trong cửa hàng và dĩ nhiên là sẽ bán được hàng. Vì thế, người tiêu dùng nên tỉnh táo trước “ma trận” hàng sale off để tránh mất tiền mua nhưng không sử dụng được, lại còn ảnh hưởng đến sức khỏe…
Bài, ảnh: Phạm Quyên
“Theo một nghiên cứu được tiến hành bởi các chuyên gia ĐH California – Berkeley (Mỹ) mới đây, việc chúng ta hấp thụ quá nhiều kim loại như crôm sẽ gây ung thư dạ dày; quá nhiều cadmium, mangan, nhôm gây độc đến hệ thần kinh. Ngoài ra nếu son môi có chứa nhiều chì, vô tình khi ăn uống chúng ta sẽ ăn luôn vô cơ thể. Chì không được đào thải sẽ tích tụ thì gây nhiễm độc” –  BS. Tiến cho biết!
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)