Để có một bộ kích sóng Wi-Fi phù hợp, người mua cần xem nhu cầu sử dụng của mình, kiểm tra khả năng phát sóng, chuẩn Wi-Fi của thiết bị…
Tranh thủ giờ nghỉ trưa, chị Hiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, lên mạng tìm kiếm cách cải thiện mạng Wi-Fi tại gia đình. "Nhà tôi mới lắp đặt mạng, và được tặng modem Wi-Fi miễn phí. Tuy nhiên, sóng khá kém, nên gần như ở trên tầng trên không sử dụng được Internet", chị chia sẻ. "Thấy mọi người nói nhiều về thiết bị repeater, tôi thử lên mạng tìm hiểu nhưng chưa biết cần lưu ý điều gì khi mua sản phẩm này."
Tương tự chị Hiền, Anh Hải, Long Biên, Hà Nội, cũng đang có ý định mua một bộ kích sóng Wi-Fi để lắp cho quán ăn của gia đình tại đường Ngô Gia Tự. "Diện tích sử dụng của quán khá lớn nhưng chỉ có một modem Wi-Fi, nên ở một số chỗ có thể sẽ không bắt được mạng. Nhiều khách phàn nàn về tình trạng này, nên mình đang muốn lắp thêm thiết bị kích sóng để mở rộng vùng phủ và tiết kiệm chi phí, thay vì phải lắp thêm một modem mới".
Thiết bị kích sóng Wi-Fi.
Bộ kích sóng Wi-Fi (Wi-Fi repeater) có nhiệm vụ nhận tín hiệu không dây từ bộ định tuyến gốc, để lặp lại tín hiệu thông qua bộ khuếch đại và ăng-ten, giúp mở rộng vùng phủ sóng. Sản phẩm đã xuất hiện trên thị trường từ vài năm trước, với nhiều mức giá và chủng loại khác nhau. Hiện tại, một số thương hiệu repeater được nhiều người đánh giá cao là TP-Link, Totolink, Xiaomi, D-Link…
Theo anh Thuận, một chủ cửa hàng chuyên cung cấp sản phẩm viễn thông ở đường Láng (Hà Nội), để mua được một repeater phù hợp, người dùng cần xem xét một số tiêu chí để chọn được thiết bị phù hợp và tiết kiệm chi phí nhất.
Nhu cầu sử dụng
Đây là một trong những tiêu chí quan trọng mà người mua nên xem xét trước khi chọn bất kỳ sản phẩm nào, kể cả repeater. Bộ kích sóng Wi-Fi hiện có hai loại đang được bán phổ biến trên thị trường: sử dụng chân cắm USB và cắm trực tiếp nguồn điện. Mỗi loại sẽ có ưu và nhược điểm khác nhau.
Bộ kích Wi-Fi sử dụng chân cắm USB thường gọn nhẹ, thuận tiện để lắp đặt ở bất kỳ đâu và giá bán khá rẻ. Sử dụng cổng sạc USB nên loại sản phẩm này cũng tiêu thụ ít điện hơn so với loại dùng nguồn điện trực tiếp. Tuy nhiên, repeater dùng chân cắm USB cũng có vùng phủ sóng không lớn, hạn chế về số lượng thiết bị kết nối và thiếu sự ổn định.
Repeater sử dụng nguồn điện trực tiếp sẽ có lợi thế là vùng mở rộng sóng Wi-Fi sẽ rộng, ổn định và cho phép nhiều thiết bị được kết nối cùng một lúc. Tuy nhiên, giá thành thường cao và kích thước cũng lớn hơn loại sử dụng cổng USB.
Chuẩn Wi-Fi hỗ trợ
Bộ kích sóng Wi-Fi cũng là một thiết bị mạng không dây. Do vậy, việc hỗ trợ các tiêu chuẩn Wi-Fi càng cao sẽ giúp cho repeater có nhiều lợi thế hơn về băng thông. Những chuẩn phổ biến bao gồm 802.11a/b/g/n/ac và thường được ghi trên thông tin của mỗi sản phẩm. Bộ kích sóng Wi-Fi hiện nay có chuẩn cao nhất là 801.11ac, cho băng thông tối đa truyền dữ liệu đạt 1 Gb/giây. Tuy nhiên, phạm vi phủ sóng trong nhà của repeater hỗ trợ chuẩn này khá kém do kết nối dựa trên băng tần 5 GHz. Trong khi đó, bộ kích sóng có chuẩn 802.11n hỗ trợ băng thông tối đa thấp hơn một chút (600 Mb/giây) nhưng có vùng phủ sóng trong nhà tốt hơn, nhờ khả năng kết nối 2 bằng tần Wi-Fi khác nhau (2,4 GHz và 5 GHz).
Khả năng phủ sóng
Với nhu cầu mở rộng mạng Wi-Fi, việc xem xét khả năng phủ sóng trên repeater là rất quan trọng. Trực quan nhất khi đánh giá tiêu chí này là dựa vào số ăng-ten có trên mỗi thiết bị, càng nhiều sẽ càng tốt. Hiện nay, bộ kích sóng Wi-Fi trên thị trường phổ biến với tùy chọn số lượng ăng-ten từ một tới bốn. Tất nhiên, sản phẩm có nhiều "râu" hơn thường có giá bán cao hơn.
Giá bán
Khi chọn chọn mua bộ kích sóng Wi-Fi thay vì lắp đặt modem Wi-Fi, người dùng thường đã tính tới bài toán về kinh tế. Tuy nhiên, dòng sản phẩm này cũng có rất nhiều mức giá bán khác nhau. Một số repeater trên thị trường chỉ có giá khoảng 150 nghìn đồng, nhưng cũng có loại đa năng có thể được bán với giá lên tới vài triệu đồng. Để tránh lãng phí, người dùng nên cân nhắc xem xét các yếu tố nói trên để quyết định chọn mua một bộ kích sóng Wi-Fi phù hợp cho gia đình và tiết kiệm nhất.
Ngọc Bình (theo vnexpress)
Bình luận (0)