Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Mua chứng chỉ ngoại ngữ giả, quá dễ!

Tạp Chí Giáo Dục

Một chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A giả
Chỉ cần 800.000 đồng và tấm giấy photo chứng minh nhân dân là có thể mua được một chứng chỉ tiếng Anh trình độ A ngay trên đường Nguyễn Văn Cừ, Q.5, TP.HCM. Đây chính là “phao cứu sinh” cho nhiều sinh viên đã ra trường nhưng chưa lấy được bằng tốt nghiệp vì còn “nợ” môn ngoại ngữ.
Thời gian gần đây, khi làm thủ tục cấp bằng tốt nghiệp ra trường cho sinh viên, phòng đào tạo của các trường ĐH-CĐ phát hiện có nhiều chứng chỉ tiếng Anh trình độ A, B được làm giả.
Giả mạo nhan nhản
Ngày 1-7, khi kiểm tra các hồ sơ của Mai Xuân T. – sinh viên lớp CĐ nghề sửa chữa lắp ráp máy tính khóa 2008 tốt nghiệp năm 2011, Phòng Đào tạo Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng đã phát hiện ra chứng chỉ tiếng Anh trình độ A số hiệu A887802 và sổ cấp chứng chỉ: A – 9690/ĐHSP do PGS.TS Nguyễn Kim Hồng – Hiệu trưởng Trường ĐH SP TP.HCM ký, đủ con dấu đỏ của trường có dấu hiệu bất thường. Một cán bộ ở đây cho biết nếu người bình thường nhìn vào rất khó “nhận dạng”, nhưng với những người “trong nghề” chỉ cần “liếc qua” là có thể biết được thật – giả.
Khi đến Trường ĐH SP TP.HCM làm việc với Phòng thanh tra, chúng tôi thật sự ngạc nhiên vì đây không phải là trường hợp đầu tiên và duy nhất về tình trạng bằng giả được phát hiện trong thời gian qua. Ông Lý Khắc Bình – chuyên viên phụ trách Phòng thanh tra cho biết, chỉ riêng một năm học, nhà trường đã phải xác minh hàng trăm bằng cấp, chứng chỉ từ các đơn vị trường học, xí nghiệp, doanh nghiệp và một số công ty nước ngoài gửi về để đối chiếu với số hiệu và sổ vào cấp nơi sở tại. Trong kết quả thẩm tra 86 chứng chỉ tiếng Anh đa số xếp loại khá của một trường CĐ trên đường Phan Đình Phùng, Q.Phú Nhuận, đã có 83% chứng chỉ giả mạo tức là chỉ có 14 chứng chỉ hợp lệ. Cũng theo tổng kết của Phòng thanh tra ĐH SP TP.HCM, đây là trường có gần 500 chứng chỉ sau khi qua các đợt kiểm định có kết quả là không hợp lệ. Một trường hợp bị phát giác giả mạo chứng chỉ tiếng Anh trình độ B có số seri là B2343546 – 3259 cấp ngày 20-9-2000 mà chủ nhân của nó là cô giáo Hoàng Thị Ng. – giáo viên một trường mầm non ở Q.Thủ Đức khi ra công chứng thì bị UBND P.Hiệp Bình Chánh phát hiện và gửi đến Trường ĐH SP “thanh tra” lại.
“Giao dịch” quá dễ
Ông Lữ Thành Trung – Quyền trưởng phòng thanh tra Trường ĐH SP TP.HCM cho biết, hiện nay để tiêu chuẩn hóa đầu ra, hầu hết các trường đều không công nhận chứng chỉ ngoại ngữ tại các trung tâm và các trường chưa đảm bảo về chất lượng mà yêu cầu phải có chứng chỉ từ một vài trường uy tín, chất lượng tốt như ĐH SP TP.HCM, ĐH Quốc gia, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM… Vì thế, các sinh viên còn bị vướng chuẩn đầu ra phải “tương kế tựu kế”.
Có được số cầm tay 0168855829… từ sinh viên T. cung cấp, chúng tôi liên lạc với một người tên Quang để mua một chứng chỉ tiếng Anh trình độ A và bằng tốt nghiệp THPT. Chúng tôi được “người bán” yêu cầu mang theo 2 photo chứng minh nhân dân và cầm theo 3.800.000 đồng ngày hôm sau đứng đợi trước cổng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Q.5 để “giao dịch”. Theo Quang, chứng chỉ tiếng Anh do Trường ĐH SP cấp năm nào cũng “OK”, riêng bằng tốt nghiệp 12 thì chỉ khoanh vùng trong các tỉnh miền Đông Nam bộ mà thôi nên bớt được 500.000 đồng. Rõ ràng cách mua bán thuận tiện và dễ dàng như thế thì làm sao mà các sinh viên bị treo bằng tốt nghiệp lại không lao vào?
Theo ông Bình, hầu hết chứng chỉ giả đều được kẻ gian làm bằng phôi giả vì rất khó kiếm được phôi thật để hành nghề. Nhiều năm nay nhà trường thực hiện tốt quy trình xuất phôi rất chặt chẽ với sự phối hợp của bộ phận thanh tra nội bộ. Từ khâu quản lý đến thẩm tra và cấp bằng đều riêng biệt và khác nhau. Nếu phôi bị hủy thì phải ghi rõ số lượng và lập biên bản đầy đủ. Chính vì thế, không có chuyện phôi thật bị “tuồn” ra ngoài như lo lắng của một số người. Ông Trung cho biết, việc thẩm định chứng chỉ giả mạo với những người bình thường thì khó khăn nhưng với “người trong nghề” thì không khó lắm. Chỉ cần nhìn qua bằng mắt thường, đặc biệt coi kỹ số seri là phát hiện ra ngay. Hoặc các thông tin về người cấp chứng chỉ như đã nghỉ hưu hoặc hết nhiệm kỳ mà không được cập nhật thì dù chứng chỉ là phôi thật cũng “giấu đầu lòi đuôi”.
Bài, ảnh:  Nguyễn Hoàng Anh
Cần xử lý nghiêm
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng – Hiệu trưởng Trường ĐH SP TP.HCM bức xúc vì thị trường kinh doanh bằng giả luôn mượn danh nghĩa nhà trường để làm việc bất chính. Cũng từ vấn nạn này mà nhà trường đã tốn thêm nhiều công sức, kinh phí trong việc thẩm tra, kiểm định và trả lời cho các đơn vị, trường học yêu cầu xác minh. Đó là chưa đề cập đến việc báo cáo, phối hợp thường xuyên với các cơ quan pháp luật liên đới mà trong đó có Công an TP.HCM để phát hiện ra những đường dây lớn.
Để hạn chế tiêu cực này theo ông Trung, trước hết các trường phải làm tốt công tác tư tưởng, giáo dục sinh viên ngay từ những năm mới vào học phải phấn đấu bằng chính sức học của mình. Đừng nên nghe lời kẻ xấu để làm những việc thiếu chính đáng, gian lận trong chuyện bằng cấp. Ông Trung cũng yêu cầu các cơ quan phải xử lý triệt để các trường hợp bán và mua bằng giả vì con số 8.000 bằng cấp, chứng chỉ giả mà ngành công an phát hiện trong thời gian qua là con số rất đáng báo động.
 
 

Bình luận (0)