Sự kiện giáo dụcTin tức

Mưa đầu mùa: Sốt xuất huyết tăng mạnh

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều bệnh nhi mắc SXH phải nằm ngoài hành lang Khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2 (ảnh chụp ngày 5-6)

Thông thường phải đến tháng 8, dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) mới tăng theo chu kỳ. Nhưng những ngày này, sau vài cơn mưa, số ca mắc SXH có chiều hướng gia tăng. Hiện nay, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1, Nhi đồng 2  đều quá tải…
Tràn lan bệnh nhi ngoài hành lang
Sáng 5-6, chúng tôi có mặt tại Khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2 và nhận thấy tất cả các hành lang của khoa đều chật kín bệnh nhi, nhiều nhất là bệnh SXH.
Chị Huyền (tỉnh Bình Phước) – mẹ của bệnh nhi N.H.L (7 tháng tuổi) cho biết: “Sáng hôm qua (ngày 4-6), vợ chồng tôi đưa con xuống BV Nhi đồng 2 khám. Các bác sĩ cho biết, bé bị SXH và yêu cầu nhập viện. Bé được xếp nằm ở phòng 7, Khoa Nhiễm nhưng trong phòng đã hết giường nên phải nằm ngoài hành lang. Chiếc ghế bố này là của BV”…
Đúng vậy. Tất cả các ghế bố ngoài hành lang từ dưới trệt lên tới lầu đều là của BV, hàng ngày được hộ lý thay ga trải.
Bệnh nhi L.B.Nh (5 tuổi) nhập viện 3 ngày nay cũng phải nằm ghế bố kê ngoài hành lang. Trước khi nhập viện, Nh bị sốt cao. Sau 2 ngày uống thuốc hạ sốt không khỏi nên gia đình đã đưa em tới BV Nhi đồng 2. Khoảng 8 giờ 30 phút sáng 5-6, trong lúc được bác sĩ thăm khám, thân nhân của bệnh nhi cho biết: “Mấy ngày nay, ngày nào bé cũng đau bụng, uống nước ít, không chịu ăn. Đặc biệt, bé thường xuyên ói, tối qua ói 2 lần, sáng nay vừa uống một ít sữa là ói ra hết”. Tuy vậy, bệnh nhi vẫn còn đi lại được nên bác sĩ yêu cầu gia đình phải theo dõi kỹ, nếu có gì bất thường là phải báo ngay để đưa qua phòng cấp cứu.
Hiện phòng cấp cứu của Khoa Nhiễm cũng đang rơi vào tình trạng quá tải. Hàng lang của phòng cấp cứu, giờ đây cũng được tận dụng để kê thêm giường. Được biết, tất cả những bệnh nhi nằm trong này đều mắc bệnh nặng. Trong đó phải kể đến trường hợp bé Tr.T.K.M (2 tuổi). Chị Trâm (mẹ của bé) cho biết: “Con tôi nhập viện sáng hôm qua (ngày 4-6). Buổi tối bệnh trở nặng nên phải đưa vào phòng cấp cứu”. Hiện bệnh nhi M. phải thở bằng máy…
Bác sĩ Trịnh Hữu Tùng – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Nhi đồng 2 cho biết: Hiện nay, trung bình mỗi ngày BV tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhi mắc SXH điều trị nội trú, 50 bệnh nhi SXH điều trị ngoại trú.
Tương tự, tại BV Nhi đồng 1, theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Trưởng khoa SXH thì số trẻ tới khám và điều trị SXH tăng gần 20% so với tháng trước. Trung bình mỗi ngày có gần 70 bệnh nhi nằm điều trị.
Bệnh dễ tử vong

Nhiều bệnh nhi mắc sốt xuất huyết phải nằm ngoài hành lang Khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2 (ảnh chụp ngày 5-6).

Năm 2012, toàn thành phố có 12.477 ca mắc SXH, trong đó có 11 ca tử vong. Dịch bệnh tăng mạnh từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 11. Theo dự báo của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, năm 2012 sẽ có khoảng 13.700 trường hợp mắc bệnh SXH. Vào thời điểm hiện nay, số ca mắc dao động từ 130-135 ca/tuần. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã có khoảng 3.500 ca mắc với 3 ca tử vong. Theo đó, nếu đúng như dự báo của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố thì thời gian tới dịch bệnh sẽ tăng lên 200, 250 ca/tuần. Và đến mùa thì sẽ tăng lên 400-500 ca tuần. Do đó, Sở Y tế thành phố đã chỉ đạo các trung tâm y tế dự phòng quận, huyện tích cực diệt lăng quăng, tập trung kiểm soát điểm có nguy cơ, đặc biệt là những nơi có đông người…
Tuy vậy, nếu chỉ ngành y tế làm thì không thể dập được dịch. Quan trọng hơn cả vẫn là mỗi người dân phải có ý thức phòng chống dịch bằng cách diệt lăng quăng, diệt muỗi và phòng ngừa muỗi cắn (ngủ mùng, đối với trẻ phải cho mặc quần áo dài).
Bác sĩ Đỗ Trung Việt, Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2 cho biết: Bệnh SXH nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Bệnh rất nguy hiểm vì tốc độ lan truyền nhanh, chưa có thuốc đặc trị và vắc-xin. Một người có thể bị mắc nhiều lần và lần sau nguy hiểm hơn lần trước. Do vậy, khi thấy trẻ có các dấu hiệu sốt cao, kéo dài liên tục trong 2-7 ngày thì phải đưa trẻ đến BV ngay. “Những dấu hiệu nguy hiểm của bệnh SXH ở trẻ là: Lừ đừ, mệt, bứt rứt, quấy khóc bất thường; tay chân lạnh, rịn mồ hôi; đau bụng nhiều, ói nhiều; xuất huyết (chảy máu mũi, chảy máu nướu răng, ói ra máu, tiểu ra máu)”, bác sĩ Việt khuyến cáo.
Nếu trẻ bị bệnh SXH nhẹ, có thể chăm sóc tại nhà. Theo đó, phụ huynh hạ sốt cho trẻ bằng cách lau mát với nước ấm và dùng thuốc Paracetamol, tuyệt đối không dùng Aspirin. Cho uống nhiều nước, nước trái cây hoặc dung dịch Oresol (nước biển khô) để tránh cô đặc máu. Cho ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo, súp, sữa. Đặc biệt, không cho trẻ uống, ăn các thức ăn có màu đỏ hoặc đen vì dễ nhầm lẫn với màu máu khi trẻ đi tiêu, tiểu…
Bài, ảnh: Hòa Triều

Bình luận (0)