Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Mua đề thi Đại học cho thí sinh: Mỗi trường “hét” một giá!

Tạp Chí Giáo Dục

 Theo quy định của Bộ GD&ĐT, những trường không đủ điều kiện in, sao đề thi ĐH phải sẽ phải nhờ những trường đủ điều kiện in, sao đề, lệ phí in sao (phí dịch vụ) sẽ theo sự thỏa thuận của hai trường.
Năm nay, trường ĐH Kinh tế Quốc dân là một trong những trường có đủ điều kiện để Bộ GD&ĐT cho phép tự in, sao đề thi ĐH. Những trường không có đủ điều kiện phải "đặt hàng" trước với trường Kinh tế Quốc dân để có được số lượng đề thi theo yêu cầu.
Biến máy phô tô thành “máy in tiền”?
Trường được phép in, sao đề sẽ tự cân đối để đưa ra giá thỏa thuận giữa hai trường, gọi là "phí dịch vụ" in, sao đề. Trong trường hợp này, Bộ GD&ĐT hoàn toàn không quy định cụ thể là bao nhiêu, do vậy phí dịch vụ của một số trường nhận lại đề có khác nhau và thậm chí khác nhau theo đợt thi, đề thi.
g
Việc các trường tự in sao đề thi "bán" lại với giá khác nhau khiến nhiều trường kêu mức bù lỗ cao. Ảnh XT
Mỗi kỳ thi ĐH, CĐ diễn ra là bao điều khiến những trường có tổ chức thi “đau đầu” trong chi tiêu để làm sao giảm tối thiểu sự lãng phí không cần thiết. Một trong những vấn đề được nhiều trường quan tâm là “phí dịch vụ” trả cho việc in, sao đề có sự không đồng nhất giữa các trường, giữa khối thi và môn thi.
GS, TS, NGƯT Hoàng Văn Châu – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội cho biết, riêng đề thi khối A trường Ngoại thương phải trả 15.500đ/đề thi, khối D là 11.500đ/đề thi. Lượng mua cho khoảng 80% lượng thí sinh đăng ký dự thi.
Một số hiệu trưởng của các trường phải "nhờ" trường khác in sao đề cho biết, không đồng nhất trong lệ phí mua đề này chính là do Bộ GD&ĐT không đứng ra làm người “cầm cân, nẩy mực”, mà ủy  quyền tự quyết “phí dịch vụ” cho các trường đủ điều kiện in sao đề thi ĐH, CĐ.
Một vị lãnh đạo trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, đề thi ở mỗi khu vực có “giá” khác nhau, Hà Nội giá khác, trong Vinh giá khác. Ngoài ra, các ngày thi khác nhau, giá cũng khác nhau như Toán, Hóa hay Văn.
Vị này cho biết, kỳ thi ĐH đợt 1 vừa rồi, trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phải mua 15.000đ/đề/ thí sinh. Mỗi một tờ đề đó gồm 3 trang giấy.
Cũng theo lãnh đạo trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, việc Bộ GD&ĐT cho các trường tự in sao đề rồi "thương lượng" lại cho trường không đủ điều kiện in sao với một loại “phí dịch vụ” chẳng khác nào “Biến máy phô tô thành máy in tiền” vị này nói.
Sau đợt thi thứ 1, nhiều trường kêu trời vì mức bù lỗ quá cao do lượng thí sinh ảo tăng. Theo ông Lê Văn Thanh, Viện trưởng Viện Đại học mở Hà Nội, riêng tiền bù lỗ cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 nhà trường lỗ khoảng 1,5 tỷ đồng. Tiền lỗ nhiều nhất không hẳn là tiền đề thi, mà là phí thuê lực lượng cho việc áp tải đề và làm đúng theo quy chuẩn bảo mật thì mới tốn kém (tiền thuê xe, tiền thuê công an áp tải, tiền cho cán bộ phục vụ của trường, kể cả ăn ở đi lại, nằm túc trực trong thời gian bảo mật đề).

hb
Nhiều trường đề nghị Bộ GD&ĐT nên tăng lệ phí thi để bù lỗ. Ảnh XT
 Việc “phí dịch vụ” đề giữa các trường có sự khác nhau, ông Thanh giải thích: “Tiền đề được đẩy lên 15-20% là chuyện bình thường. Viện Đại học Mở lấy đề từ nhiều trường, vì Đại học Mở thi đa khối, đa ngành, tổng tiền mua hết khoảng 300 triệu.
Ông Thanh cũng đề nghị Bộ GD&ĐT nên có những xem xét đúng hướng hơn như việc mỗi năm Bộ ra 1 quyển "Hướng dẫn tuyển sinh, phù hiệu…" và bán lại cho các trường là không cần thiết. "Theo tôi, Bộ chỉ nên in những phần bổ sung trong quyển Hướng dẫn tuyển sinh (năm nay có gì mới), nếu ta tái sử dụng được thì rất tốt, không phải nhà trường keo kiệt gì nhưng làm như thế cũng tiết kiệm được khối tiền. Thêm nữa, về vấn đề in sao đề, Bộ nên ưu tiên việc in sao cho những trường có lượng thí sinh dự thi đông, tránh trường lượng thí sinh ít vẫn được in sao rồi "bán" lại cho trường đông" ông Thanh đề xuất.
Sự cố đề Hóa "râu ông nọ cắm cằm bà kia"chỉ là sai sót nhỏ
Về "sự cố" đề Hóa của trường ĐH Giao thông Vận Tải bị "râu ông nọ cắm cằm bà kia", chúng tôi liên lạc với Chủ tịch hội đồng tuyển sinh trường ĐH Kinh tế Quốc dân để xác minh, tuy nhiên do điều kiện khách quan nên chưa trao đổi được. Còn theo phỏng đoán cá nhân TS Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng công tác chính trị HS-SV của trường ĐH Kinh tế Quốc dân, TS Tuấn cho rằng, đây là một lỗi do kỹ thuật  in sao đề, có thể trong một dây in sao đề bị kẹt, nhiều khi bộ phận in sao đề không thể kiểm tra hết được.

kljkl
Nhầm mã đề Hóa tại trường ĐH GTVT được xem là "sự cố" trong đợt 1. Ảnh XT
 TS Tuấn cho biết, trong đợt 1, trường Kinh tế Quốc dân in, sao khoảng 50.000 đề, phân phát cho khoảng 5 trường ĐH có nhu cầu lấy đề. TS Tuấn thông tin rằng, trong lúc in sao đề sẽ có khoảng 4-5 máy siêu tốc để in sao: "Trong một giây in sao đề thì có khoảng hơn 200 đề bị kẹt, trục trặc, xếp vào không chuẩn. ĐH Kinh tế Quốc dân không dính lỗi như ĐH GTVT. Vì trong một loạt đề in, sao với số lượng lớn như thế, bộ phận kiểm tra chỉ có thể test trang đầu và cuối, chứ không kiểm tra được hết, không  may thì có sơ xuất" TS Tuấn cho biết.
Là một trong những trường được Bộ GD&ĐT cho phép in, sao đề, trong đợt 1 thí khối A trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đã phân bổ lượng đề tới hơn 10 trường ĐH khu vực Hà nội. Về "sự cố" mã đề Hóa của trường ĐH GTVT, lãnh đạo trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng cho biết, việc in sao đề thì ĐH, đây là một việc rất lớn, khối lượng đề cũng rất lớn, đòi hỏi khối lượng làm việc rất vất vả, căng thẳng.
Do vậy, không thể nói là làm trơn tru hết được các khâu, mặc dù quyết tâm nhưng với số lượng đề lớn như vậy thì việc có vài lỗi nhỏ chắc chắn sẽ xảy ra.
Kết luận về "sự cố" này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, đây là do lỗi kỹ thuật in, người sao in không nắm chắc quy trình làm: "Bộ đã chỉ đạo và có biện pháp nhằm đảm bảo quyền lợi cho thí sinh là tăng thêm thời gian làm bài" Thứ trưởng Ga cho biết.
 Áp tải đề thi từ 4 giờ sáng
GS, TS, NGƯT Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, cho biết ngay từ 4 giờ sáng Ban đề bố trí cùng công an, một phó hiệu trưởng phụ trách và thanh tra đi cùng để hộ tống đề từ trường khác về: "Sau khi áp tải đề về tới trường, sẽ tiến hành cách ly riêng biệt 1 tuần đối với  mỗi đợt thi, bao giờ thi xong mới cho ra ngoài. Mọi liên lạc đối với những người đi nhận đề đều bị cắt đứt hoàn toàn".
Ông Lê Văn Thanh, Viện trưởng Viện đại học mở Hà Nội, việc bảo mật và tiếp nhận đề thi phải an toàn tuyệt đối. Năm nay Việ đại học mở Hà Nội có nhiều khối thi, ngành thi nên phải bố trí nhiều xe "chuyên dụng" đi lấy đề: "Bao giờ trên xe đi lấy đề cũng có 1 lái xe, 1 công an áp tải, 1 đồng chí cán bộ chuyên nhận và đưa đề đi cùng để đảm bào đề được an toàn tuyệt đối".
Theo Xuân Trung
(GDVN) 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)