Trong vòng một tuần qua ở Nam Bộ, trong đó có TP.HCM, xuất hiện mưa dông vào ban đêm, lượng mưa trong vài giờ xấp xỉ 100mm, kèm theo sấm chớp liên hồi. Liệu đây có phải là hiện tượng thời tiết bất thường?
Công nhân thu dọn thân cây dầu cổ thụ bị cơn dông rạng sáng 18-9 quật ngã trên đường Nguyễn Thái Bình, Q.1 (TP.HCM) – Ảnh: T.T.D.
Tuổi Trẻ đã trao đổi với ông Lê Đình Quyết, phó phòng dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, về hiện tượng này.
* Thường đầu mùa mưa (tháng 5, 6) hoặc cuối mùa (tháng 10, 11) hay xảy ra mưa dông kèm sấm sét, nhưng hiện tại mới qua nửa mùa mưa hiện tượng này lại xuất hiện nhiều, ông có thể giải thích vì sao?
– Tháng 9 và tháng 10 được coi là cao điểm mùa mưa ở Nam Bộ. Ví dụ ở TP.HCM lượng mưa trung bình nhiều năm trong tháng 9 hoặc tháng 10 ở mức 300mm/tháng (chiếm 15-16% lượng mưa cả năm là 2.000mm), nhưng tính từ đầu tháng 9 đến nay mưa ở TP.HCM chỉ đạt hơn 200mm.
Trong khi đó một số mô hình dự báo cao điểm mùa mưa năm nay có thể vượt giá trị trung bình nên mưa nhiều vào thời điểm hiện nay chưa có dấu hiệu gì khác thường.
Riêng về sét, đúng là thường xuất hiện ở đầu và cuối mùa, nhưng không phải giữa mùa không xuất hiện.
Có thể trước sấm sét xuất hiện ban ngày – thời điểm có nhiều tiếng ồn nên người dân ít quan tâm, giờ sấm sét xuất hiện lúc đêm yên tĩnh nên người dân để ý hơn.
Cơ chế xuất hiện sấm sét là do sự bất ổn định trong khí quyển. Khi những đám mây dông mang điện tích dương dịch chuyển lên xuống gặp đám mây mang điện tích âm, các điện tích chạm nhau phát sinh ra sét.
Ngoài ra, những đám mây mang điện tích âm bay thấp gặp điện tích dương từ mặt đất như cây xanh, các đồi đất cao cũng có thể sinh ra sét. Do vậy dân gian hay nói không nên trú mưa dưới tán cây ngoài đồng, trên đồi cao là vì vậy.
* Nguyên nhân trực tiếp gây ra mưa những ngày qua là gì, thưa ông?
– Nguyên nhân gây mưa những ngày qua do hai hình thế thời tiết. Một là áp cao cận nhiệt đới (khí áp) lấn sâu đẩy hơi ẩm từ biển vào đất liền tạo ra những vùng xoáy mây dông gây mưa.
Dạng thời tiết này gây mưa các đêm 14 và 17-9. Đến ngày 18-9, xuất hiện một vùng áp thấp trên Biển Đông, ban đêm vùng áp thấp này dịch chuyển vào đất liền Nam Bộ gây ra mưa.
Lượng mưa lớn nhất ghi nhận được tại TP.HCM xấp xỉ 100mm (ngày 14-9), Chơn Thành, Bình Phước (đêm 18-9) 108mm, các tỉnh miền Đông – Tây Nam Bộ ghi nhận đều có mưa nhưng lượng mưa nhỏ hơn.
* Hiện nay trên sông Đồng Nai, Sài Gòn đang có đợt triều cường, đỉnh triều dự báo đạt báo động 3 (1,5m), có khả năng mưa xảy ra cùng lúc triều cường gây ngập nước?
– Không loại trừ khả năng này. Vì như dự báo ở trên, mưa thường tập trung vào chiều tối, trong khi đỉnh triều cường cũng xuất hiện vào hai thời điểm từ 16h-19h và từ 4h30-7h mỗi ngày.
Kể từ hôm nay (20-9), triều cường sẽ đạt mức báo động 2 (1,4m) và đạt mức cao nhất ngày 22-9 (1,49-1,5m) rồi hạ dần.
Có mưa dông những ngày tới?
Theo ông Lê Đình Quyết, hiện nay thời tiết ở Nam Bộ xuất hiện dải hội tụ nhiệt đới. Có thể hiểu nôm na tầng trên cao đang hội tụ gió, mây dông tạo ra những xoáy nhỏ.
Những xoáy này ở mức độ nhỏ gây ra mưa, dông nhưng phát triển thì có thể thành vùng áp thấp, áp thấp nhiệt đới hay bão.
Dải hội tụ này có trục ở khoảng 11-14 độ vĩ Bắc nên sẽ gây mưa dông cho khu vực phía nam của Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả Nam Bộ. Riêng Nam Bộ mưa tập trung nhiều tại các tỉnh phía nam của Tây Nam Bộ.
Đặc điểm thời tiết những ngày tới là trời nhiều mây, ít nắng, mưa dông xuất hiện thời điểm chiều tối. Mưa nhiều nên nhiệt độ không quá cao, nhiệt độ cao nhất chỉ khoảng 33oC.
Đề phòng tai nạn điện
Ông Mai Hiếu Thảo, trưởng ban an toàn Tổng công ty Điện lực TP.HCM, cho biết những trận mưa dông, sấm sét trong mấy ngày qua khiến một số cây xanh tét nhánh, gãy đổ gây mất điện cục bộ.
Để đảm bảo an toàn điện trong lúc mưa dông, ngập nước, ông Thảo lưu ý người dân cẩn trọng trong trường hợp sửa nhà chống dột trên các mái tôn; nên lắp cầu dao chống giật.
Ở những khu vực ngập nước nên rút ổ cắm điện, di dời ổ điện lên cao.
Nếu phát hiện bất thường về điện gọi ngay tổng đài 1900545454. Trường hợp gặp sự cố nguy hiểm về điện, ảnh hưởng trực tiếp đến người, có thể gọi khẩn cấp vào số 114.
Bình luận (0)