Hội nhậpThế giới 24h

Mùa đông khắc nghiệt

Tạp Chí Giáo Dục

Tuyết rơi dày đặc ở Marseille, thành phố cảng biển miền nam nước Pháp vốn đầy nắng gió, khiến người dân khổ sở khi lưu thông trên đường – Ảnh: Reuters

Tuyết băng làm cho nhịp sống ở thủ đô Paris chậm hẳn lại… Tối 7-1 được xem là buổi tối lạnh lẽo nhất mùa đông năm nay (xuống đến -20OC ở vùng Ardenne, -8OC ở Paris).

Từ trước đến nay chỉ có mùa đông năm 1997 là nhiệt độ ở Paris xuống đến mức -9OC. Thường thì ở Paris hiếm khi có tuyết rơi, và nếu có cũng tan ngay vào cuối ngày vì xe cộ chạy nhiều. Nhưng tuyết đã rơi suốt cả ngày đầu tuần, và đến hôm nay đường sá vẫn đóng băng trơn trượt. Người qua lại phải rón rén từng bước kẻo chụp ếch, những chú người tuyết lại được dịp mọc lên đây đó trong dịp hiếm hoi này.

Nhưng tuyết rơi chỉ đẹp khi ta ngồi trong nhà nhìn ra cửa sổ làm thơ, hoặc khi ta là khách du lịch muốn có những tấm ảnh kỷ niệm độc đáo về Paris. Còn đối với những người phải làm việc ngoài trời suốt ngày, hay những người vô gia cư thì thật là khốn khổ.

Lần đầu tiên, hồng y địa phận Paris André Vingt-Trois đã yêu cầu mỗi nhà thờ chuẩn bị một chỗ ở ấm cúng để những người không nhà có thể đến tạm trú qua đêm. Những giáo dân tình nguyện của các giáo xứ đã chia nhau đi tìm những người vô gia cư trong khu phố, hướng dẫn họ đến giáo xứ để có một bữa ăn tối nóng hổi và một chỗ ngủ ấm áp trong không khí thân tình. 

EU, Nga đạt thỏa thuận giám sát khí đốt

Ngày 8-1, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố việc cung cấp khí đốt cho các nước thành viên sẽ được phục hồi sớm sau khi EU đạt thỏa thuận với Nga về việc giám sát khí đốt trung chuyển qua Ukraine. AP dẫn nguồn Thủ tướng CH Czech Mirek Topolanek, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên châu Âu, cho biết đã hội đàm với Thủ tướng Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Các bên đã đồng ý về phương thức kiểm tra lượng khí đốt của Nga vào và ra khỏi Ukraine.

“Việc triển khai giám sát này sẽ đưa đến kết quả khí đốt Nga cung cấp cho các nước thành viên EU được phục hồi” – Chính phủ CH Czech nói trong một tuyên bố. Các quan chức không tiết lộ ai sẽ tham gia giám sát hoặc khi nào thì việc cung cấp được phục hồi. Tập đoàn Gazprom đã nhấn mạnh Nga phải có mặt trong số các giám sát viên tại Ukraine, trong khi Kiev chỉ chấp thuận các giám sát viên EU.

T.TRÚC

Còn Tòa đô chính Paris thì cho phép các công nhân vệ sinh chuyên đi lấy rác ở các hộ gia đình được nghỉ ngơi lâu hơn, được dùng thức uống nóng miễn phí. Riêng các công nhân lái xe rửa đường hay xe hút bụi thì phải “nghỉ khỏe”: khi nhiệt độ xuống dưới 2°C thì xịt nước rửa đường có nguy cơ làm nước đóng lại thành băng, nguy hiểm cho người qua lại. Thay vào đó là rải muối để cho đường sá đỡ trơn.

Chỉ khổ cho chủ nhân các cửa hàng tư nhân: mùa bán hạ giá bắt đầu vào sáng thứ tư, nên họ phải lo quét dọn lối vào trước cửa hàng cẩn thận (luật pháp bên này quy định khách mua hàng nếu bị trượt té trước cửa hàng mình thì người chủ phải chịu trách nhiệm).

Tại phi trường Charles De Gaulle hôm đầu tuần khi tuyết bắt đầu rơi, có khoảng 3.000 hành khách phải ngủ lại vất vưởng vì nhiều chuyến bay bị hủy do thời tiết xấu. Nhiều chuyến tàu cao tốc phải khởi hành trễ hơn thường lệ cũng vì lý do thời tiết.

Suốt ba ngày liên tiếp kể từ thứ hai, tiêu thụ điện của Pháp lần lượt phá các kỷ lục từ trước đến nay. Con số mới nhất là 92.400MW, trong khi năng lực tối đa gần 110.000MW. Hiện nay hầu như 58 tổ máy điện nguyên tử của cả nước đều được huy động, thêm vào đó là các nhà máy thủy điện và nhiệt điện.

Cơ quan phụ trách truyền tải điện của Pháp cũng đã khuyến cáo người dân trên toàn nước Pháp tiết kiệm hơn trong việc tiêu thụ điện giờ cao điểm. Dân một số vùng bắt đầu nhận được tin nhắn SMS hay e-mail kêu gọi tiết kiệm điện ngay từ đầu tuần.

Mùa đông năm nay càng khắc nghiệt hơn với “cuộc chiến khí đốt” Nga – Ukraine. Pháp ban đầu cho biết không bị ảnh hưởng vì 80% lượng điện là từ các nhà máy điện nguyên tử, nhưng nay khi nhu cầu tiêu thụ lên đến đỉnh điểm thì nguy cơ không phải là không có. Lượng khí đốt do Nga cung cấp cho Pháp đã giảm đến 70%, và nay thì không còn nữa! Thủ tướng François Fillon cho rằng tình trạng này là không thể chấp nhận được.

Nhưng Pháp hãy còn may mắn vì nhìn chung nguồn cung từ Nga chỉ chiếm 15% tổng nhu cầu khí đốt, và lượng khí dự trữ có thể sử dụng trong 80 ngày nữa – trong điều kiện bình thường. Trong khi đó Slovenia chẳng có nguồn dự trữ khí đốt nào, và Bulgaria thì trữ lượng đủ dùng vài ngày mà thôi.

Nhìn chung, châu Âu đang là nạn nhân của cuộc chiến tranh khí đốt giữa Nga và Ukraine, lại càng thấm thía hơn về sự lệ thuộc năng lượng mà lâu nay các nước này vẫn cố vùng vẫy nhưng chưa thể thoát khỏi trong một sớm một chiều.

NGUYÊN VĨNH

Lạnh nhất!

Ngày 9-1, AP cho biết thời tiết băng giá ở châu Âu đã làm 13 người chết. Ngày 8-1, Bộ Nội vụ Ba Lan nói có sáu người chết vì giá rét khi nhiệt độ xuống -25OC, nâng tổng số người thiệt mạng vì thời tiết giá lạnh lên 82 người kể từ tháng 11-2008, bao gồm 23 người chỉ trong vài ngày gần đây. Còn cơ quan phụ trách các tình trạng khẩn cấp ở Ukraine nói năm người gồm ba người vô gia cư cũng đã chết vì giá rét ở tỉnh miền nam Kherson nơi nhiệt độ xuống tới -19OC.

Cảnh sát Đức cũng cho biết trong ngày 9-1, thêm hai người nữa chết vì giá rét ở miền tây nước này, nơi nhiệt độ xuống -16OC. Cơ quan thời tiết Đức nói rằng mùa đông năm nay là một trong những mùa đông lạnh nhất suốt một thế kỷ qua với nhiệt độ -28OC vào lúc qua nửa đêm.

Chính quyền các nước Bulgaria và Serbia đã phải chuyển sang sử dụng các hệ thống sưởi ấm bằng dầu hỏa khi nguồn cung cấp khí đốt từ Nga bị cắt. Tại Sofia, 75 trường học phải đóng cửa trong ngày 8-1 vì thời tiết giá rét mà lại không có khí đốt. Khoảng 72.000 hộ dân khác tại thủ đô của Bosnia, Sarajevo đã không được sưởi ấm trong ngày thứ ba liên tiếp. Ngay ở Rome, cảnh sát Ý đã tìm thấy một người đàn ông Serbia 47 tuổi bị chết cóng ngay trong nhà vào hôm 7-1.

HẢI MINH (TTO)

Bình luận (0)